Đẩy sớm hiệu lực Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, sẽ hoàn thiện dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) về thời hiệu từ ngày 1/10/2025 thay vì ngày 1/1/2026 như đề xuất hiện nay. Bộ Tài chính sẽ quyết liệt xây dựng các nghị định hướng dẫn để đảm bảo thực hiện được ngay từ ngày 1/10.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng làm rõ các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên họp ngày 12/5.
Rà soát, sắp xếp ưu đãi thuế hợp lý
Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) của Quốc hội ngày 12/5, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã làm rõ nhiều nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, trong đó có việc rà soát hệ thống các ưu đãi thuế để thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển các lĩnh vực ngành, địa bàn ưu tiên.
Theo Bộ trưởng, tại Kỳ họp thứ 8, trên cơ sở rà soát các pháp luật về thuế, đầu tư và xu hướng chung của quốc tế, để phát huy hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải gây xói mòn cơ sở thuế, Chính phủ đã đề xuất nhiều giải pháp để hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm các đối tượng hưởng ưu đãi, lĩnh vực, địa bàn ưu đãi.
Trong đó, tập trung khuyến khích ưu đãi thuế vào sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng cao, lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thúc đẩy phát triển các hoạt động dịch vụ, sự nghiệp công và thúc đẩy đầu tư vào các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn.
Bộ trưởng nhấn mạnh, việc rà soát, sắp xếp lại ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại dự thảo luật đã tính toán hợp lý để một mặt không ảnh hưởng đến tổng thể chung về chính sách ưu đãi đang áp dụng, một mặt có những chính sách ưu đãi mới vượt trội để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực, các địa bàn cần phải khuyến khích theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Cơ quan soạn thảo cũng chủ động rà soát kinh nghiệm của quốc tế cũng như những xu hướng áp dụng chính sách ưu đãi của các nước trên thế giới, nhất là trong bối cảnh khi phải thực hiện trụ cột 2 về thuế tối thiểu toàn cầu để xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp. Các chính sách nhằm tiếp tục thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đảm bảo khuyến khích được sự tham gia của các thành phần kinh tế khác, trong đó có kinh tế tư nhân.
Trong quá trình khi thực hiện trụ cột 2 về thuế tối thiểu toàn cầu, Bộ Tài chính tính toán, tham mưu cho Chính phủ cũng như các cấp có thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp. Theo đó, nghiên cứu các phương thức để hỗ trợ gián tiếp và đảm bảo không vi phạm các cam kết hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Chấm dứt lồng ghép ưu đãi thuế trong luật chuyên ngành
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cũng bày tỏ quan tâm đến việc đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của chính sách ưu đãi thuế, đảm bảo các chính sách thuế chỉ được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về thuế. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tránh việc quy định chính sách ưu đãi thuế dàn trải tại các văn bản luật chuyên ngành khác, tại dự thảo luật đã bổ sung quy định trường hợp các luật khác có quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp khác với quy định của luật này thì thực hiện theo quy định của luật này.
Bộ trưởng nhấn mạnh, về nguyên tắc, các ưu đãi thuế chỉ nên được quy định trong các văn bản luật về thuế. Đồng thời, cần chấm dứt việc lồng ghép chính sách ưu đãi thuế trong các luật chuyên ngành để đảm bảo tính tổng thể, nhất quán trong triển khai thực hiện.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục rà soát các luật chuyên ngành có quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm các luật Quốc hội đã thông qua tại kỳ họp cuối năm 2024 cũng như các luật dự kiến thông qua với tổng thể chính sách ưu đãi chung để áp dụng cho doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước.
Liên quan đến các khoản chi phí được trừ, Bộ trưởng cho hay, Chính phủ trình Quốc hội quy định các khoản chi không tương ứng với doanh thu có tính thuế không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập chịu thuế doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tiễn, có một số khoản chi liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không tương ứng với doanh thu tính thuế như: chi phí đấu thầu, chi phí nghiên cứu thị trường, nghiên cứu sản phẩm...
Do đó, nếu thực hiện theo nguyên tắc trên, doanh nghiệp sẽ không được tính các khoản này vào chi phí được trừ. Ngoài ra còn có những khoản chi không vì mục tiêu lợi nhuận và các quỹ đóng góp của doanh nghiệp theo theo pháp luật... Trên cơ sở rà soát, dự thảo Luật đã bổ sung một số khoản chi được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. "Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát để làm sao đưa ra được danh mục đầy đủ nhất có thể", Bộ trưởng khẳng định.
Về thời hiệu của Luật, nhiều đại biểu chung quan điểm kiến nghị Luật có hiệu lực sớm hơn - từ ngày 1/10/2025 thay vì từ ngày 1/1/2026 để giải quyết các vấn đề vướng mắc và thúc đẩy việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị; kịp thời ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp có thêm động lực để đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ hoàn thiện dự thảo về thời hiệu từ ngày 1/10/2025. Bộ Tài chính sẽ quyết liệt xây dựng các nghị định hướng dẫn để đảm bảo từ ngày 1/10 thực hiện được ngay.