ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG: THẤT THOÁT, LÃNG PHÍ LÀM MẤT ĐI CƠ HỘI PHÁT TRIỂN

Trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho rằng, sau giám sát các cơ quan có liên quan đến những vấn đề thất thoát, lãng phí cần rà soát, quy trách nhiệm và có biện pháp khắc phục.

TỔNG THUẬT SÁNG 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ GIAI ĐOẠN 2016-2021

Lãng phí gây thất thoát Ngân sách nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Thậm chí, thất thoát, lãng phí nhiều khi còn gây hậu quả lớn hơn cả tham nhũng, tiêu cực. Qua báo cáo của Đoàn giám sát và ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV cho thấy, lãng phí xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều địa phương và đây vẫn đang là hồi chuông “chưa có hồi kết” tại nhiều địa phương.

Trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, sau giám sát các cơ quan có liên quan đến những vấn đề thất thoát, lãng phí cần rà soát, quy trách nhiệm và có biện pháp khắc phục.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

Phóng viên: Thưa đại biểu, qua báo cáo của Đoàn giám sát cho thấy, trong giai đoạn giám sát có hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm, gây lãng phí rất lớn. Vậy qua thực tế giám sát, đại biểu có thể chỉ ra nguyên nhân vì sao?

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội: Qua giám sát cho thấy, có rất nhiều các dự án chậm tiến độ như dự án khu vực tư và dự án khu vực công đều gây ra lãng phí. Dự án khu vực tư, có nhiều dự án được chính quyền giao đất cho nhà đầu tư nhưng nhà đầu tư hết năng lực, không còn tiền để triển khai. Như vậy nguồn lực đất đai để đấy không được sử dụng gây lãng phí, mất cơ hội của các nhà đầu tư khác không được đầu tư, chì hoãn tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội ở vùng đó. Dự án khu vực công có nhiều dự án chậm tiến độ, kéo dài đến hàng chục năm và toàn bộ nguồn vốn đầu tư không phát huy tác dụng gây ra những cản trở quá trình lan tỏa các hoạt động từ các dự an công.

Nguyên nhân dự án công chậm tiến độ do quá trình lập dự án, chuẩn bị dự án không đánh giá kỹ vì chủ trương đầu tư công không đúng dẫn đến quá trình triển khai xong dự án nhận thấy cần thay đổi, cần điều chỉnh, thậm chí có dự án triển khai dở chừng đến giai đoạn kỹ thuật phải dừng lại. Giai đoạn trước đây chưa có Luật về đầu tư công thì đầu tư mang tính chất dàn trải, có nhiều dự án phê duyệt triển khai và không đủ vốn dẫn đến đang đầu tư nhưng hết vốn dừng lại. Cho đến nay, sau khi có Luật Đầu tư công vẫn còn nhiều dự án bị vướng mắc. Ví dụ như: công tác giải phóng mặt bằng chậm, dự án vướng mắc vào thanh tra, kiểm tra, xử lý, … như vậy rất nhiều nguyên nhân đang xảy ra tình trạng dự án chậm gây ra những lãng phí, thất thoát, cả nguồn lực của khu vực tư và các khu vực công.

Phóng viên: Các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra rằng, lãng phí nguồn lực đất đai như: chậm đưa đất vào sử dụng, chậm thu hồi các dự án cũng gây lãng phí rất lớn. Theo đại biểu, tới đây vấn đề này cần có những giải pháp cụ thể nào?

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội: Tình trạng chậm các dự án đã được giao đất không đưa vào sử dụng có hàng nghìn dự án chậm đưa đất vào sử dụng và hàng trăm ngàn héc ta đất đang để lãng phí. Từ những nguyên nhân nếu trên có thể thấy có những dự án chính quyền địa phương đã giao đất nhưng nhà đầu tư hết năng lực, không còn tiền để triển khai và những nhà đầu tư kỳ vọng vào huy động các nguồn vốn của các nhà đầu tư khách hàng,… nhưng thị trường chưa sôi động, không huy động được vốn, như vậy dự án để đấy, cũng có những yếu tố khách quan như giao đất nhà đầu tư nhưng chưa giải phóng mặt bằng xong; có những dự án giao nhà đầu tư nhưng lại thay đổi quy hoạch,… Do đó, cần phải phân định rất rõ nguyên nhân nào, từ đâu để xử lý.

Trong giám sát của Quốc hội đã chỉ rõ, đề nghị Chính phủ phải rà soát nguyên nhân chậm do đâu. Nếu chậm thuộc về phía chính quyền cần xử lý ngay, chẳng hạn như: chậm phê duyệt quy hoạch, chậm điều chỉnh quy hoạch thì chính quyền phải chịu trách nhiệm xử lý, chậm các yếu tố kết nối hạ tầng không đúng cam kết đầu tư, chính quyền cần lập các dự án ưu tiên nhà đầu tư. Nếu thuộc về nhà đầu tư cần thúc đẩy nhà đầu tư, thậm chí luật pháp đó sau 24 tháng được gia hạn nhưng không gia hạn thì phải thu hồi. Tuy nhiên, trên thực tế với tỷ lệ diện tích thu hồi chưa nhiều do cấp quản lý địa phương chưa quyết liệt, sát sao. Dẫn đến tình trạng khi Quốc hội có chương trình giám sát các địa phương bắt đầu tìm các dự án chậm và nguyên nhân, lúc đó các nhà đầu tư xin gia hạn 24 tháng và bắt đầu làm thù tục gia hạn. Tôi cho rằng, trách nhiệm quản lý của địa phương là rất quan trọng.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021

Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021

Phóng viên: Theo đại biểu, qua chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, vấn đề trách nhiệm khắc phục tình trạng dự án gây lãng phí cần được làm rõ ra sao, tránh trường hợp kiến nghị rồi nhưng không có chuyển biến?

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Trong đợt giám sát lần này, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu báo cáo giám sát phải chỉ rõ tồn tại ở đâu và trách nhiệm thuộc về ai. Trên thực tế cho thấy, trong báo cáo giám sát của Đoàn đã chỉ rõ lĩnh vực nào đang lãng phí và trách nhiệm thuộc về khu vực nào phải có trách nhiệm.

Dự thảo nghị quyết của Quốc hội quy định rõ, giao thời hạn cho Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương từ nay cho đến kỳ họp thứ 6 phải nên toàn bộ quá trình rà soát các yếu tố lãng phí, xây dựng kế hoạch, cách thức để khắc phục và quy trách nhiệm thuộc về ai, đồng thời tại kỳ họp thứ 6 Chính phủ và các bộ ngành liên quan phải báo cáo với Quốc hội về cái vấn đề này.

Tôi cho rằng, sau khi giám sát xong các cơ quan có liên quan đến những vấn đề thất thoát, lãng phí cần rà soát, quy trách nhiệm và có biện pháp khắc phục.

Phóng viên: Một trong những tồn tại mà các đại biểu Quốc hội chỉ ra đó là việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện Chương trình Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn hình thức, chưa có trọng tâm, trọng điểm. Đại biểu có đề xuất gì về vấn đề này?

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội: Có thể nói Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là luật hình thức có bao trùm rộng, quá trình triển khai không xác định rõ trọng tâm, trọng điểm. Trên thực tế cho thấy, có những địa phương hàng năm phải xây dựng chương trình, kế hoạch thực hành tiết kiệm chống, lãng phí nhưng có địa phương quên không xây dựng và kết quả thực hành tiết kiệm chống, lãng phí không thay đổi nhiều so với năm khác. Qua đó cho thấy, kế hoạch thực hành tiết kiệm chống, lãng phí của địa phương vẫn chung chưa cụ thể.

Trong kiến nghị của Đoàn giám sát đang thảo luận lần này, hàng năm mỗi một bộ, ngành, địa phương cần đưa ra kế hoạch thực hành tiết kiệm chống, lãng phí trọng tâm vào vấn đề. Tôi cho rằng, như vậy sẽ tạo được sức mạnh tập trung và thay đổi một cách cụ thể.

Phóng viên: Qua quá trình giám sát, đại biểu có kiến nghị, giải pháp gì về việc quản lý tài sản công, tránh gây thất thoát, lãng phí ?

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội: Tài sản công là một vấn đề rất khó. Về mặt khuôn khổ pháp luật, tôi cho rằng khá đầy đủ và tương đối chặt chẽ. Tuy nhiên, tài sản công và các nguồn lực công là những nguồn lực của mọi người dân xã hội.

Tôi cho rằng qua đợt giám sát này không chỉ thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, đồng thời cần thực hiện công khai, minh bạch quá trình đầu tư sử dụng tài sản công và cần tiếng nói, con mắt, giám sát của cộng đồng, xã hội, của mọi người dân. Đặc biệt những tổ chức đại diện thực sự có trách nhiệm tham gia vào quá trình giám sát, tham gia quá trình đánh giá, cùng với việc quản lý, kiểm tra về mặt pháp luật thì tiếng nói của cộng đồng, của người dân, của xã hội sẽ giúp sử dụng tài sản công một cách thực sự hiệu quả và tránh lãng phí.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Ánh Nguyệt - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=70032