ĐBQH 'thực sự đau' trước tình trạng cán bộ đùn đẩy, sợ trách nhiệm
Các ĐBQH cho rằng, tình trạng đùn đầy trách nhiệm, sợ sai của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức dẫn đến việc giải quyết công việc chưa hiệu quả.
Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đánh giá cao báo cáo của Đoàn giám sát, báo cáo rất đầy đủ, bao trùm lên nhiều khía cạnh nội dung tiến độ, chất lượng...Qua đó, cho thấy được tinh thần, thái độ, nỗ lực quyết tâm của các Bộ ngành, đơn vị, tỉnh thành, cá nhân, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 43 cũng như các nghị quyết khác của Quốc hội.
Đại biểu cũng đánh giá Nghị quyết này ra đời trong bối cảnh hết sức ý nghĩa. Thể hiện tinh thần quyết liệt, chủ động, sáng tạo, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ trong việc chống dịch và ổn định phát triển đất nước.
Nhờ Nghị quyết 43 và các Nghị quyết khác của Quốc hội ra đời kịp thời và phát huy được tác dịch nên Việt Nam đã sớm vượt qua được đại dịch và đạt được nhiều thành công.
Trong các kết quả đó, đại biểu bày tỏ ấn tượng đối với chính sách tín dụng qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, giảm thuế VAT đã góp phần hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh.
Báo cáo cũng nêu ra 5 nhóm tồn tại, hạn chế; 3 nhóm nguyên nhân khách quan; 4 nhóm nguyên nhân chủ quan rất xác đáng.
Trong số đó, có một nhóm nguyên nhân chủ quan mà đại biểu Nguyễn Anh Trí rất quan ngại. Đó là tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
“Điều này đã trở thành một loại dịch lan rất nhanh trong đội ngũ những người thực thi công vụ từ năm 2022 đến hết năm 2023. Nhân dân thấy rõ điều đó, thậm chí có người còn cho đó là "đặc điểm nổi bật" của cán bộ công chức, viên chức thời gian qua. Thực sự đau và thực sự buồn”, đại biểu bày tỏ.
Để ngăn chặn nạn dịch né tránh, sợ trách nhiệm tiếp tục tồn tại, đại biểu Nguyễn Anh Trí mong các cấp, Bộ, Đảng, chính quyền cần coi đó là một tình trạng tiêu cực. Đồng thời, cần chỉ ra và thực thi kỷ luật những ai đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.
Bên cạnh đó, cần biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân có tinh thần “7 dám”, đặc biệt cán bộ công chức, viên chức dám làm, dám chịutrách nhiệm.
Nêu ý kiến, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho rằng Nghị quyết số 43 ra đời trong một bối cảnh rất đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp, tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân, kinh tế đất nước.
Trong tình hình đó, Quốc hội đã tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ nhất với hình thức trực tuyến để xem xét, cho ý kiến và thông qua Nghị quyết 43 cho thấy Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ trong giải quyết tất cả các vấn đề mà thực tiễn đặt ra vì mục tiêu phát triển đất nước, vì quốc kế dân sinh.
“Điểm nổi bật nhất trong hai năm thực hiện Nghị quyết 43 là đã giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, góp phần quan trọng và thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, của Chính phủ trong phòng, chống dịch”, ông Thông nêu quan điểm.
Bên cạnh những kết quả tích cực, việc ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết còn một số hạn chế như báo cáo đã nêu. Theo đại biểu, hạn chế lớn nhất là việc không triển khai đúng hạn và đầy đủ các dự án, các gói ưu đãi khiến cho mục tiêu đề ra không đạt như kỳ vọng…
Thống nhất với những nguyên nhân mà báo cáo của Đoàn giám sát đã nêu, nhưng theo đại biểu, nguyên nhân chủ yếu là yếu tố con người, bởi con người là chủ thể đề xuất ban hành chính sách và cũng chính con người thực thi và triển khai chính sách trong thực tế. Con người là yếu tố quyết định chính sách thành công hay không.
“Hiện nay, có tình trạng đùn đầy trách nhiệm, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến việc giải quyết công việc chưa hiệu quả..”, ông Thông nói.
Đại biểu nêu rõ, tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã được nhắc đến nhiều lần nhưng vẫn chưa có chuyển biến.
“Có phải chúng ta chưa có cơ chế xử lý, đánh giá cán bộ công chức hay chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Theo tôi là không phải, chúng ta đã có nhiều văn bản của Đảng và của Chính phủ về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và chúng ta đã có Kết luận 14 của Trung ương, Nghị định 73 của Chính phủ về khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, vậy thì từ nguyên nhân nào?”, đại biểu Thông trăn trở.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ có đánh giá một cách căn cơ, tìm đúng nguyên nhân và có giải pháp thật sự hiệu quả. Trong đó, có việc khảo sát, đánh giá lại việc thực hiện Nghị định 73 từ khi ban hành cho đến nay có cơ quan, đơn vị, địa phương nào đã áp dụng thực hiện và đem lại hiệu quả, để từ đó nhân rộng.
Nếu qua khảo sát, đánh giá vẫn còn vướng mắc các địa phương, đơn vị chưa áp dụng thì cần có giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng trên.