Để ẩm thực nâng tầm du lịch TP.HCM

55 nhà hàng, quán ăn đầu tiên tại TP.HCM trong danh sách cẩm nang Michelin góp phần thúc đẩy du lịch ẩm thực với mục tiêu đưa TP thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực.

Ngày 15-6, Sở Du lịch TP.HCM tổ chức tọa đàm “Giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cùng nhà hàng, quán ăn đầu tiên tại TP.HCM trong danh sách cẩm nang Michelin”. Theo đó, TP.HCM góp mặt 55 nhà hàng, quán ăn trong danh sách cẩm nang Michelin (Michelin guide - danh hiệu danh giá trong ngành ẩm thực), trong đó có một nhà hàng đạt 1 sao Michelin (nhà hàng được đánh giá ở mức độ rất tốt so với mặt bằng chung).

Khó khăn về nguồn nhân lực

Nói về các trở ngại trong lĩnh vực ẩm thực, đại diện nhà hàng Bếp Mẹ Ỉn cho rằng:Ẩm thực Việt Nam còn được thể hiện qua văn hóa đường phố, tuy nhiên điều trở ngại ở đây là chất lượng thực phẩm. Các sở, ngành cần kiểm soát an toàn thực phẩm để nâng cao ẩm thực Việt Nam.

Theo đại diện này, ngoài món ăn ngon, du khách rất quan tâm chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân sự hiện nay gặp khó khăn. Do đó, khi có chứng nhận Michelin, các đơn vị rất cần sự hỗ trợ đào tạo, khóa học định hướng ngành du lịch có tầm quốc tế hơn.

Một đại diện nhà hàng khác ở TP.HCM lại cho rằng: Sự cởi mở hội nhập quốc tế trong ẩm thực rất quan trọng.Nhiêùquốc gia quảng bá văn hóa thông qua ẩm thực rất hay. Điển hình như Singapore, họ đem ẩm thực Michelin Giude đến nơi muốn thu hút du lịch, tổ chức cuộc thi giữa đầu bếp quốc gia của họ với đầu bếp quốc gia khác nhằm quảng bá ẩm thực Singapore. Hoặc họ mời KOLs (những người nổi tiếng, có khả năng dẫn dắt dư luận) từ các quốc gia khác quảng bá.

Đại diện này cho rằng để làm được những điều như trên thì cần sự hỗ trợ, định hướng của ngành du lịch, bởi không một đơn vị nào có thể tự tổ chức được.

TP.HCM hội tụ ẩm thực ba miền, là điều kiện thuận lợi phát triển du lịch ẩm thực. Ảnh: THU TRINH

TP.HCM hội tụ ẩm thực ba miền, là điều kiện thuận lợi phát triển du lịch ẩm thực. Ảnh: THU TRINH

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, đánh giá cao yếu tố ẩm thực trong phát triển du lịch của TP nói riêng và Việt Nam nói chung. Du lịch có sức hấp dẫn, níu chân du khách ở dài ngày, kích thích chi tiêu, đóng góp vào nguồn thu cho ngành kinh tế dịch vụ hay không một phần là nhờ vào ẩm thực.

Trong thời gian qua, ẩm thực Việt Nam đã khẳng định vị trí trên bản đồ thế giới. Chúng ta có sự đa dạng về món ăn, hương vị, đầu bếp tài hoa, sáng tạo, đặc biệt TP.HCM là nơi giao thoa ẩm thực các vùng miền. Sau dịch bệnh COVID-19, ẩm thực nói riêng và kinh tế dịch vụ nói chung là đòn bẩy kích thích sự phục hồi ngành kinh tế dịch vụ khác.

“Tôi mong muốn sau khi Michelin Giude công nhận, các nhà hàng, quán ăn ở TP.HCM sẽ có tầm phát triển mới, cơ hội mới và có hướng đi mang tầm quốc tế” - bà Hoa nói.

Du lịch ẩm thực là sản phẩm chính

Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết thêm trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, TP.HCM xác định du lịch ẩm thực là sản phẩm chính.

Về chất lượng nguồn nhân lực đang gặp trở ngại, bà Hoa cho rằng quy định pháp luật chỉ cho phép sử dụng nguồn ngân sách đào tạo cho cán bộ, công chức, viên chức trong khối nhà nước. Còn khối doanh nghiệp, người lao động thì sử dụng nguồn vốn xã hội hóa. TP đang trình HĐND đề án hỗ trợ kinh phí, có cơ chế mở sử dụng ngân sách hỗ trợ cho công tác đào tạo nguồn nhân lực của DN vừa và nhỏ.

Sở Du lịch sẽ phối hợp với Hiệp hội Ẩm thực TP.HCM mở các lớp về ẩm thực cho lực lượng bếp trực tiếp chế biến và lực lượng quản lý hướng đến chuẩn quốc tế theo hình thức trực tiếp, trực tuyến.

“Để ẩm thực thành thương hiệu của TP.HCM, Sở Du lịch phối hợp với Sở Công Thương hoàn thiện bộ tiêu chuẩn đánh giá các nhà hàng, quán ăn theo tiêu chuẩn từ 1 đến 5 sao. Qua đó, không chỉ 55 nhà hàng được vinh danh mà trong thời gian tới có hàng trăm nhà hàng, quán ăn được Michelin Giude vinh danh” - bà Hoa nhấn mạnh.

Ông Lại Minh Duy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, đề xuất các hoạt động xúc tiến du lịch TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung cần kéo theo sự đồng hành giữa du lịch và ẩm thực. “Nâng lên được bậc của Michelin là niềm tự hào của nền ẩm thực” - ông Duy bày tỏ.

Ông Lương Đình Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực TP.HCM, cho hay đây là động lực lớn cho tất cả quán ăn, nhà hàng khác phấn đấu lọt vào danh sách Michelin. Đồng thời là cơ hội nếu chúng ta tận dụng tốt góp phần đưa ẩm thực Việt Nam đi lên, là cú hích đầu tiên thúc đẩy du lịch ẩm thực.

Hiệp hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Du lịch, ngoài các quán ăn đạt chuẩn thì hiệp hội sẽ tổ chức tuyến phố ẩm thực bài bản và quy củ; tổ chức lễ hội ẩm thực quy tụ 55 nhà hàng Michelin. Du khách có thể trải nghiệm toàn bộ ẩm thực của Việt Nam tại một điểm, đó là TP.HCM.

Việt Nam có 103 nhà hàng Michelin Guide Vietnam 2023

Vừa qua, Michelin Guide - quyển cẩm nang ẩm thực danh giá thế giới đã công bố 103 nhà hàng ở Việt Nam được bình chọn, trong đó có bốn nhà hàng được trao tặng 1 sao Michelin.

TP.HCM có 55 nhà hàng, quán ăn đầu tiên trong danh sách cẩm nang Michelin với các hạng mục giải thưởng khác nhau. Trong đó có một nhà hàng đạt 1 sao Michelin, một cá nhân nhận giải thưởng Michelin Service Award; 38 nhà hàng, quán ăn Michelin Selected (nhà hàng được Michelin đề xuất), 16 nhà hàng Bib Gourmand (nhà hàng có đồ ăn ngon với giá cả phải chăng).

Ẩm thực Việt có sức hút đối với nhiều du khách. Ảnh: THU TRINH

Trước đó, ông Gwendal Poullennec, Giám đốc quốc tế của Michelin Guide, đánh giá TP.HCM là đô thị sôi động và có tốc độ phát triển nhanh. Nơi đây luôn mang đến cho du khách một nguồn năng lượng độc đáo với một nền ẩm thực đa dạng.

Đại diện Michelin nhấn mạnh có năm tiêu chí để đánh giá các nhà hàng, gồm: Chất lượng sản phẩm, tài nghệ nấu ăn, sự hài hòa hương vị, cá tính của đầu bếp thể hiện qua món ăn, sự nhất quán của món ăn theo thời gian và trên toàn thực đơn.

THU TRINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-am-thuc-nang-tam-du-lich-tphcm-post738127.html