Đề xuất chính sách cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao, đô thị và các lĩnh vực trọng điểm
Sáng ngày 15/5, trước diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Dự thảo này đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có ít nhất 20 doanh nghiệp tư nhân lớn đủ năng lực tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nghị quyết gồm 7 chương với 17 điều, đưa ra các cơ chế và chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, bền vững. Đối tượng áp dụng bao gồm doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cùng các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Một trong những điểm nhấn quan trọng của dự thảo là nhóm chính sách dành cho các doanh nghiệp tiên phong và doanh nghiệp vừa và lớn. Theo đó, để đạt mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Nhà nước sẽ áp dụng hai nhóm chính sách chính.
Nhóm chính sách thứ nhất cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư trực tiếp hoặc theo phương thức đối tác công tư (PPP) vào các dự án chiến lược, trọng điểm quốc gia như đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, giao thông xanh, quốc phòng - an ninh và các nhiệm vụ khẩn cấp.
Việc lựa chọn nhà đầu tư có thể thực hiện thông qua đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng tiến độ và chất lượng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Gia Hân
Nhóm chính sách thứ hai tập trung hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, trong đó có các tập đoàn kinh tế tư nhân đủ năng lực vươn tầm khu vực và quốc tế.
Hai chương trình trọng điểm sẽ được triển khai gồm: Phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu trong các lĩnh vực khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, công nghiệp công nghệ cao.
Chương trình “Go Global”, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng ra thị trường quốc tế, bao gồm hỗ trợ về vốn, thị trường, công nghệ, thương hiệu, logistics, bảo hiểm, tư vấn pháp lý và kết nối với các tập đoàn đa quốc gia.
Một trong những vướng mắc lớn được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh là khó khăn trong tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất - kinh doanh. Nhằm tháo gỡ vấn đề này, dự thảo Nghị quyết đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ cụ thể.
Hiện nay, cả nước có gần 450 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 93.000 ha. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận do chi phí thuê cao và hạ tầng chưa đồng bộ. Do đó, dự thảo đề xuất phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho chính quyền địa phương, đồng thời cho phép sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và vườn ươm công nghệ.
Khoản đầu tư này bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và phát triển các công trình thiết yếu như giao thông, điện, nước, xử lý nước thải và hạ tầng thông tin.
Chủ đầu tư khu công nghiệp được yêu cầu dành quỹ đất nhất định cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp thuê lại. Cụ thể, mỗi khu công nghiệp mới thành lập phải có tối thiểu 20 ha, hoặc bố trí ít nhất 5% diện tích đất hạ tầng cho nhóm doanh nghiệp trên. Nếu sau 2 năm kể từ khi hoàn thành hạ tầng mà chưa có doanh nghiệp thuê, chủ đầu tư có quyền cho thuê cho đối tượng khác.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được hỗ trợ giảm tối thiểu 30% chi phí thuê đất trong 5 năm đầu kể từ ngày ký hợp đồng thuê với chủ đầu tư hạ tầng. Phần hỗ trợ này sẽ được ngân sách Nhà nước hoàn trả cho chủ đầu tư theo quy định của Chính phủ.