Đề xuất cơ chế phát hiện sớm rủi ro và truy xuất trách nhiệm đối với từng sản phẩm lưu hành trực tuyến

Đại biểu Quốc hội đề nghị cần tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong thương mại điện tử; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hàng hóa vi phạm trong môi trường số.

Ngày 17/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Luật hóa trách nhiệm sàn thương mại điện tử

Quy định về trách nhiệm của sàn giao dịch thương mại điện tử (Điều 44b) trong dự thảo luật được các đại biểu đánh giá cao; cho rằng, đây là một bước tiến lớn khi lần đầu tiên luật hóa trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử trong kiểm soát chất lượng hàng hóa, trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển bùng nổ, trở thành kênh phổ biến cho việc tiêu thụ hàng giả, hàng nhái như hiện nay.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu phát biểu tại hội trường.

Đánh giá nội dung này, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) cho rằng, việc thiết lập cơ chế để tăng cường kiểm soát hàng hóa được giao dịch trên sàn thương mại điện tử là hết sức cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng, sàn thương mại điện tử không đủ năng lực và thẩm quyền trong việc xác minh, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trước và trong quá trình vận hành. Thực tế, các nền tảng thương mại điện tử chỉ có thể yêu cầu người bán cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật để lưu trữ và cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền và các bên có liên quan.

Khi yêu cầu sàn thương mại điện tử xác minh nguồn gốc và giám sát chủ động nguồn gốc của hàng hóa thì có thể dẫn đến việc sàn thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm đối với các hành vi nằm ngoài tầm kiểm soát. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc làm rõ để quy định cho phù hợp với thực tiễn.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường thảo luận tại phiên họp.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường thảo luận tại phiên họp.

Qua nghiên cứu, đại biểu Nguyễn Hữu Thông còn băn khoăn một số vấn đề, như: việc quy định các sàn thương mại điện tử có nghĩa vụ xác thực thông tin người bán, ngăn chặn hàng giả… liệu có vượt quá khả năng kỹ thuật và thẩm quyền pháp lý của các sàn thương mại điện tử này hay không? Vì các doanh nghiệp này không có chức năng điều tra, kiểm định hay thẩm quyền can thiệp vào chuỗi cung ứng hàng hóa. Nếu bị ràng buộc bởi quy định này, doanh nghiệp có thể sẽ bị đẩy vào vị thế khó thực hiện, và đối mặt với rủi ro pháp lý tiềm ẩn.Mặt khác, các nghĩa vụ xác thực thông tin người bán, ngăn chặn hàng giả… đã được quy định rõ trong một số Luật và nghị định như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023; dự thảo Luật Thương mại điện tử; Nghị định 52/2013/NĐ-CP, Nghị định 85/2021/NĐ-CP… Do đó, việc tiếp tục điều chỉnh trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa có thể sẽ gây trùng lặp và mâu thuẫn trong quá trình thực hiện. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát kỹ nội dung quy định này để tránh mâu thuẫn chồng chéo với quy định của pháp luật hiện hành.

Trong khi đó, người tiêu dùng thì lại rất khó xác định được đơn vị chịu trách nhiệm pháp lý. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị, cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hàng hóa vi phạm trong môi trường số để cho phép người tiêu dùng tra cứu thông tin, đồng thời, hỗ trợ cơ quan chức năng cảnh báo, hậu kiểm, xử lý vi phạm trên phạm vi toàn quốc.

Bên cạnh đó, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong thương mại điện tử; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hàng hóa vi phạm trong môi trường số; triển khai kết nối dữ liệu giữa các sàn thương mại điện tử và cơ quan quản lý nhà nước nhằm bảo đảm khả năng giám sát, phát hiện sớm rủi ro và truy xuất trách nhiệm rõ ràng đối với từng sản phẩm lưu hành trực tuyến.

Hàng hóa nội địa cần được kiểm soát chặt chẽ

Quan tâm đến chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường nội địa, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn thành phố Huế) cho rằng quy định như dự thảo luật tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đại biểu đặt vấn đề, hàng hóa sản xuất để xuất khẩu có “vấn đề” bị trả về, họ chỉ cần thỏa mãn tiêu chuẩn kỹ thuật là được phép bán ra thị trường nội địa. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng lợi dụng các “lỗ hổng” trong hệ thống kiểm nghiệm, giám sát chất lượng chưa đồng bộ, nhà sản xuất đưa hàng xuất khẩu tồn, bị trả về, hàng kém chất lượng vào lưu thông nội địa.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu phát biểu tại hội trường.

“Những vấn đề này sẽ tác động xấu đến niềm tin và sức cạnh tranh của hàng hóa nội địa” - đại biểu lo ngại và đề xuất chỉ cho phép lưu thông trên thị trường nội địa nếu hàng hóa đáp ứng đủ quy chuẩn kỹ thuật tương ứng với các yêu cầu quản lý của pháp luật chuyên ngành và các quy định pháp luật có liên quan của Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước.

Đại biểu Dương Tấn Quân cũng đề nghị cần cân nhắc bổ sung quy định về hoạt động khảo sát chất lượng hàng hóa trên thị trường. “Đây là một trong những cơ chế giám sát “mềm”, cho phép kịp thời phát hiện rủi ro, điều chỉnh các chính sách quản lý, đồng thời không tạo áp lực thanh tra diện rộng” - đại biểu nói và cho rằng cần tăng cường chế tài xử lý các hành vi gian dối về chất lượng - cân nhắc đến các biện pháp mạnh hơn như thu hồi sản phẩm - đối với các hành vi làm giả chứng nhận, giả nhãn mác.

Thu Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/de-xuat-co-che-phat-hien-som-rui-ro-va-truy-xuat-trach-nhiem-doi-voi-tung-san-pham-luu-hanh-truc-tuyen-i768660/