Đề xuất cơ chế tuyển người tài về pháp luật làm trong cơ quan Đảng, Nhà nước

Bộ Tư pháp đề xuất quy định thu hút, xét tuyển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn về pháp luật quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế.

Bộ Tư pháp vừa có tờ trình Chính phủ về dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết số 197 ngày 17/5 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Bộ Tư pháp đề xuất mức chi cho một số loại văn bản quy phạm pháp luật và trong sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật không do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.

Cụ thể, dự thảo nghị định bổ sung quy định tổng mức chi cho việc xây dựng Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là 400 triệu đồng, Quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh là 30 triệu, Nghị quyết của HĐND cấp xã là 10 triệu, Quyết định của UBND cấp xã là 8 triệu.

Đáng chú ý, dự thảo đề xuất có Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động theo mô hình tương tự đơn vị sự nghiệp công lập, không vì mục đích lợi nhuận và do Bộ Tư pháp trực tiếp quản lý. Chủ tịch quỹ là Bộ trưởng Tư pháp.

Vốn điều lệ của Quỹ được cấp là 300 tỷ đồng và sẽ được bổ sung để đạt 1.000 tỷ vào năm 2030.

Cử nhân tốt nghiệp xuất sắc được cộng điểm khi thi vào cơ quan về pháp luật

Dự thảo nghị định xác định một số chế độ, chính sách đặc biệt đối với người tham gia xây dựng pháp luật về xét tuyển vào các cơ quan, đơn vị, nâng bậc lương trước thời hạn, về xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, bố trí vào vị trí việc làm của ngạch công chức cao hơn ngạch hiện giữ mà không cần đủ điều kiện theo khung năng lực vị trí việc làm dự kiến bố trí…

Theo đó, người tốt nghiệp xuất sắc trình độ đại học trở lên trong các lĩnh vực, ngành, nghề khác nhau và hoàn thành chương trình đào tạo chuyên sâu về xây dựng pháp luật khi tham gia xét tuyển vào cơ quan, đơn vị theo quy định thì được cộng 5 điểm vào kết quả điểm thi hoặc xét nghiệp vụ chuyên ngành.

Cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang, nghiên cứu viên có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền công nhận thì được nâng bậc lương trước thời hạn từ thời điểm được công nhận thành tích.

Ngoài ra, họ còn được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hoặc được bố trí vào vị trí việc làm có ngạch công chức xếp theo thứ bậc về chuyên môn, nghiệp vụ cao hơn ngạch hiện giữ mà không cần đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo khung năng lực vị trí việc làm dự kiến bố trí.

Những trường hợp này còn được xem xét, bổ nhiệm giới thiệu ứng cử chức danh lãnh đạo, quản lý mà không nhất thiết phải bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện về quy hoạch, thời gian giữ chức vụ.

Dự thảo nghị định dành riêng một điều quy định cơ chế thu hút, xét tuyển đối với người có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn về pháp luật quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế thực hiện theo quy định, chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Đồng thời, có cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn về pháp luật quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế thực hiện theo quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang. Trong thời gian được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, họ được giữ nguyên chế độ, chính sách.

Trường hợp địa điểm học tập không ở cùng địa phương hoặc quốc gia nơi công tác thì được hưởng các chế độ như đối với người được cử đi công tác trong nước hoặc nước ngoài, trừ trường hợp đã được hỗ trợ hoặc tài trợ từ nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Căn cứ nhiệm vụ, hoạt động được giao, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương được đàm phán, ký hợp đồng khoán việc theo cơ chế thị trường đối với người có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn về pháp luật quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế là người Việt Nam hoặc là người nước ngoài để triển khai nhiệm vụ, giải quyết vụ việc cụ thể.

Chi phí cho việc cử chuyên gia vào làm việc, thực tập tại bộ phận pháp lý của tổ chức quốc tế, tổ chức pháp lý quốc tế và cơ quan tài phán quốc tế bao gồm sinh hoạt phí, phụ cấp, trợ cấp, chế độ bảo hiểm khám, chữa bệnh và một số chế độ khác.

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/de-xuat-co-che-tuyen-nguoi-tai-ve-phap-luat-lam-trong-co-quan-dang-nha-nuoc-2423836.html