Địa danh Đồng Nai trong ngân hàng tên đường

Bên cạnh tên đường, phố, công trình công cộng được đặt bằng tên các sự kiện lịch sử, danh nhân có đóng góp, trong danh mục ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng ở Biên Hòa - Đồng Nai còn có nhiều địa danh quen thuộc. Tên đường, phố đã và đang góp phần thể hiện một Biên Hòa - Đồng Nai hơn 325 năm tuổi giàu truyền thống văn hóa.

Địa danh Sông Phố (còn gọi là Quảng trường Sông Phố) được đưa vào danh mục ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng tỉnh Đồng Nai. Ảnh: L.NA

Địa danh Sông Phố (còn gọi là Quảng trường Sông Phố) được đưa vào danh mục ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng tỉnh Đồng Nai. Ảnh: L.NA

* Những địa danh quen thuộc

Một trong những địa danh quen thuộc được người dân Biên Hòa - Đồng Nai nhắc đến nhiều là Sông Phố (hay còn gọi là Quảng trường Sông Phố). Đây là khu vực giao lộ của 2 tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám và đường 30-4.

Đầu thế kỷ XX, Quảng trường Sông Phố được thực dân Pháp xây dựng cùng với kiến trúc của Tòa bố Biên Hòa, dinh Tỉnh trưởng. Giữa công trường là Đài cá hóa long phun nước bằng gốm Biên Hòa. Ngày 27-8-1945, nơi đây diễn ra cuộc mít tinh của gần một vạn người chào mừng chính quyền cách mạng lâm thời đầu tiên của tỉnh Biên Hòa do đồng chí Hoàng Minh Châu làm Chủ tịch.

Địa danh Dốc Sỏi hay còn gọi là ngã ba Dốc Sỏi (nay là giao lộ giữa 2 đường Nguyễn Ái Quốc và Phan Đình Phùng, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa). Tại địa điểm này, ngày 27-4-1916, thực dân Pháp đã xử tử hình 9 người đứng đầu Trại Lâm Trung gồm: Lê Văn Sót, Nguyễn Văn Tiết, Nguyễn Văn Nam, Lê Văn Khánh, Tu Văn Phan, Cao Văn Lét, Nguyễn Văn Nhan, Phan Văn Hậu và Nguyễn Văn Hy. Trại Lâm Trung là tổ chức hoạt động vũ trang chống lại thực dân Pháp ở tỉnh Biên Hòa đầu thế kỷ XX.

Ngoài những địa danh quen thuộc của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, trong danh mục ngân hàng tên đường có sự rộng mở, có địa danh của cả quốc gia. Tiêu biểu như: Hoàng Sa - Trường Sa; các đảo: Nam Yết, Phan Vinh, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca…

Những địa danh như: Cầu Gành, Cầu Sắt, Cây Chàm, Biên Hùng, Cái Vạn, Bến Gỗ, Cây Keo, Kẻ Sặt, Võ Dõng… là những địa danh quen thuộc, mang trong mình những câu chuyện lịch sử, văn hóa của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai hơn 325 năm hình thành và phát triển. Các địa danh quen thuộc này đã được đưa vào danh mục ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng tỉnh Đồng Nai, đang được Sở Văn hóa, thể thao và du lịch trình UBND tỉnh xem xét, ban hành.

TS Nguyễn Văn Quyết, nhà nghiên cứu văn hóa ở thành phố Biên Hòa cho hay, đã có nhiều địa danh vốn có của địa phương, nhân dân thường gọi được đưa vào danh mục dự thảo ngân hàng tên đường. Ngân hàng này cũng có nhiều tên địa danh của đất nước, các nhân vật, danh nhân lịch sử có công lớn với đất nước và Đồng Nai… Đây cũng là hình thức để tôn vinh và tri ân những người có đóng góp lớn, góp phần giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý, việc xây dựng danh mục tên đường, phố là điều kiện quan trọng để tiến tới đồng bộ hóa dữ liệu trong công tác quản lý. Đặc biệt với những khu dân cư mới, việc đặt tên đường, phố cần được tính toán ngay từ khi các dự án được lập để thời điểm dự án đi vào sử dụng, tên đường, phố được đồng bộ ngay.

* Giáo dục truyền thống qua đặt tên đường, phố

Để có cơ sở tham mưu UBND tỉnh ban hành ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch đã xây dựng Dự thảo Ngân hàng tên đường gửi Hội đồng Tư vấn đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thành phố góp ý. Đồng thời, tổ chức tọa đàm, mời các chuyên gia văn hóa, lịch sử trong và ngoài tỉnh góp ý ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng tỉnh.

Mới đây nhất, Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Hồng Ân đã ký tờ trình gửi UBND tỉnh về Dự thảo Quyết định ban hành ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ngân hàng có 5 nhóm tên với 910 loại tên, trong đó có 118 loại tên thuộc nhóm tên địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa và có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa của đất nước, của địa phương, địa danh đã quen dùng, đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, tên địa phương kết nghĩa hoặc có mối quan hệ đặc biệt.

Chiếm số lượng lớn (750 loại tên) thuộc nhóm tên danh nhân lịch sử thời kỳ dựng nước, giữ nước; danh nhân có công khai phá vùng đất Đồng Nai; danh nhân lịch sử của Đồng Nai trong 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước; danh nhân là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đồng Nai và bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu của Đồng Nai…

Việc xây dựng, ban hành ngân hàng tên đường không chỉ để đặt tên cho các tuyến đường, phố, công trình công cộng đang hình thành, phục vụ công tác quản lý đô thị mà còn có ý nghĩa giáo dục tình yêu quê hương, đất nước. Qua đó, tôn vinh những danh nhân, trân trọng những giá trị lịch sử, truyền thống cách mạng của quân và dân Biên Hòa - Đồng Nai trong hơn 325 năm hình thành và phát triển.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202403/dia-danh-dong-nai-trong-ngan-hang-ten-duong-a54521a/