Điểm lại thông tin kinh tế ngày 23/7

Tỷ giá trung tâm giảm 2 đồng, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 2,77 điểm hay ADB hạ dự báo GDP Việt Nam xuống 6,3% năm 2025 và 6,0% năm 2026... là một số thông tin kinh tế đáng chú ý trong ngày 23/7.

Điểm lại thông tin kinh tế

Điểm lại thông tin kinh tế

Tin trong nước

Thị trường ngoại tệ phiên 23/7, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 25.177 VND/USD, giảm nhẹ 2 đồng so với phiên trước đó.

Giá mua USD được niêm yết ở mức 23.969 VND/USD, cao hơn 50 đồng so với tỷ giá sàn; trong khi giá bán được niêm yết ở mức 26.385 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với tỷ giá trần.

Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 26.150 VND/USD, tăng nhẹ 3 đồng so với phiên 22/7.

Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do tăng 20 đồng ở chiều mua vào và 10 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 26.360 VND/USD và 26.450 VND/USD.

Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 23/7, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,04 - 0,26 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: qua đêm 5,34%; 1 tuần 5,24%; 2 tuần 5,18% và 1 tháng 5,04%. Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giảm 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn qua đêm trong khi tăng 0,01 - 0,02 điểm phần trăm ở các kỳ hạn còn lại, giao dịch tại: qua đêm 4,31%; 1 tuần 4,38%; 2 tuần 4,41%, 1 tháng 4,44%.

Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp tăng ở tất cả các kỳ hạn, chốt phiên ở mức: 3 năm 2,37%; 5 năm 2,71%; 7 năm 3,03%; 10 năm 3,31%; 15 năm 3,41%.

Nghiệp vụ thị trường mở phiên hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 15.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 7 ngày; 27.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 14 ngày; 5.000 tỷ đồng ở mỗi kỳ hạn 28 ngày và 91 ngày, lãi suất đều ở mức 4,0%. Có 10.548,65 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 7 ngày, có 26.706,35 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 14 ngày, có 1.458,63 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 28 ngày, không có khối lượng trúng thầu ở kỳ hạn 91 ngày. Có 30.000 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN. Có 1.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.

Như vậy, hôm qua NHNN bơm ròng 9.713,63 tỷ đồng ra thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở. Có 164.784,56 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, không còn tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.

Thị trường trái phiếu phiên 23/7, Kho bạc Nhà nước đấu thầu thành công 8.517 tỷ đồng/10.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 85%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được 100 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 10 năm huy động được 6.255 tỷ đồng/7.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 15 năm huy động được 1.750 tỷ đồng/2.000 tỷ đồng và kỳ hạn 30 năm huy động được 412 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu. Lãi suất trúng thầu ở kỳ hạn 5 năm là 2,70% (+0,11 điểm phần trăm so với phiên đấu thầu trước), 10 năm là 3,28% (+0,04 điểm phần trăm), 15 năm là 3,37% (+0,02 điểm phần trăm) và 30 năm là 3,45% (+0,01 điểm phần trăm).

Trên thị trường chứng khoán phiên hôm qua, các chỉ số giao dịch quanh mốc tham chiếu và kết phiên trong sắc xanh. Chốt phiên, VN-Index tăng nhẹ 2,77 điểm (+0,18%) lên mức 1.512,31 điểm; HNX-Index thêm 1,48 điểm (+0,60%) đạt 249,33 điểm; UPCoM-Index tăng 0,78 điểm (+0,75%) lên 104,80 điểm. Thanh khoản thị trường tăng mạnh với khối lượng giao dịch đạt hơn 40.100 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng hơn 170 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Trong ấn phẩm “Triển vọng Phát triển châu Á” tháng 7 vừa công bố, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hạ dự báo GDP Việt Nam xuống 6,3% năm 2025 và 6,0% năm 2026, giảm 0,3 và 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trong báo cáo 3 tháng trước. Lạm phát cũng được dự báo sẽ giảm còn 3,9% năm nay và 3,8% trong năm tới từ mức 4,0% và 4,2% trong dự báo hồi tháng 4.

Tin quốc tế

ADB điều chỉnh giảm nhẹ dự báo triển vọng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Cụ thể, ADB dự báo kinh tế khu vực sẽ tăng trưởng 3,7% năm 2025 (-0,2 điểm phần trăm so dự báo tháng 4) và 4,6% năm 2026 (-0,1 điểm phần trăm). Trong đó, kinh tế Trung Quốc được dự báo lần lượt tăng 4,7% (không đổi) và 4,3% (không đổi); Ấn Độ tăng 5,9% (-0,1 điểm phần trăm) và 6,2% (không đổi); Indonesia tăng 5,0% (không đổi và 5,1% (không đổi); thángalaysia 4,3% (-0,6 điểm phần trăm) và 4,2% (-0,6 điểm phần trăm); Singapore 1,6% (-1 điểm phần trăm) và 1,5% (-0,0 điểm phần trăm); Thái Lan 1,8% (-1 điểm phần trăm) và 1,6% (-1,3 điểm phần trăm); Philippines 5,6% (-0,4 điểm phần trăm) và 5,8% (-0,3 điểm phần trăm); Việt Nam 6,3% (-0,3 điểm phần trăm) và 6,0% (-0,5 điểm phần trăm).

Ông Albert Park, Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB nhận định các nước Đông Nam Á sẽ chịu tác động mạnh nhất từ những bất ổn thương mại. Bên cạnh đó, ADB cũng dự báo lạm phát tại khu vực sẽ tiếp tục hạ nhiệt nhờ giá dầu giảm và sản lượng nông nghiệp tăng cao. Lạm phát châu Á - Thái Bình Dương trung bình ở khoảng 2,0% năm 2025 (-0,3 điểm phần trăm) và 2,1% năm 2026 (-0,1 điểm phần trăm).

Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Mỹ (NAR) cho biết doanh số bán nhà cũ nước này trong tháng vừa qua đạt 3,93 triệu căn, thấp hơn một chút so với mức 4,04 triệu của tháng 5, và đồng thời thấp hơn mức 4,0 triệu theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2024, doanh số trên tương đương với mức giảm 2,7% so với cùng kỳ. Giá nhà bình quân tại nước Mỹ trong tháng 6 ở khoảng 445,4 nghìn USD/căn, vẫn tăng nhẹ khoảng 2,0% so với cùng kỳ.

P.L

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/diem-lai-thong-tin-kinh-te-ngay-237-167771-167771.html