Diện mạo Quảng Trị sau 13 năm xây dựng nông thôn mới

Sau 13 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn Quảng Trị đã có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng yêu cầu sinh hoạt và sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao.

Để làm rõ hơn về kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng NTM trên địa bàn và định hướng của tỉnh Quảng Trị trong thời gian tiếp theo, phóng viên Báo Người Lao Động đã phỏng vấn ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh này.

Ông Hà Sỹ Đồng

Ông Hà Sỹ Đồng

* Phóng viên: Thưa ông, sau 13 năm xây dựng NTM, tỉnh Quảng Trị đã đạt được những thành quả gì?

- Ông Hà Sỹ Đồng: Sau gần 13 năm triển khai thực hiện, Chương trình MTQG xây dựng NTM đã thực sự trở thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm, trở thành phong trào lan tỏa sâu rộng, huy động được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia. Kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM ngày càng đi vào thực chất, chiều sâu, đáp ứng sự hài lòng của người dân.

Đến nay, tỉnh đã có 1 huyện đạt chuẩn NTM - đó là huyện Cam Lộ, có 69/101 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có 78 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, 4 thôn đặc biệt khó khăn, thôn thuộc xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn thôn NTM, 24 vườn hộ gia đình được công nhận vườn mẫu NTM. Ngoài ra, tỉnh có 115 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 42 sản phẩm đạt 4 sao, 73 sản phẩm 3 sao.

Nhìn chung, diện mạo nông thôn ở Quảng Trị đã khởi sắc, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng yêu cầu sinh hoạt và sản xuất; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Phong trào "Quảng Trị chung sức xây dựng NTM" ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, nâng cao được nhận thức và phát huy vai trò chủ thể của người dân theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng", từ đó xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, nhiều tấm gương hộ gia đình, cá nhân, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong xây dựng NTM.

* Phóng viên: Xuất phát điểm của tỉnh Quảng Trị có gì thiệt thòi hơn các địa phương khác và điều đó gây ra những khó khăn gì trong việc thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn? Hiện nay, đâu là những tiêu chí khó khăn đối với Quảng Trị trong xây dựng NTM, thưa ông?

- Ông Hà Sỹ Đồng: Là một tỉnh còn nhiều khó khăn, thu ngân sách trên địa bàn còn hạn chế, lại thường xuyên chịu ảnh hưởng bất lợi của thiên tai, dịch bệnh, xuất phát điểm xây dựng NTM của tỉnh năm 2010 chỉ đạt bình quân 3,8 tiêu chí/xã. Đến nay, tỉnh vẫn còn 1 huyện (huyện Đakrông), 28 xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN), nhiều xã khu vực này tiêu chí vẫn còn đạt mức thấp và khó thực hiện, đặc biệt là các tiêu chí về thu nhập, tỉ lệ nghèo đa chiều, nhà ở dân cư, tổ chức sản xuất....

Vì vậy, việc thu hẹp khoảng cách trong xây dựng NTM giữa các vùng miền luôn là mục tiêu được tỉnh đặc biệt quan tâm và trăn trở, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án để từng bước đạt chuẩn các tiêu chí, nâng cao đời sống cho người dân.

Diện mạo NTM ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ,

Diện mạo NTM ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ,

Ngoài các tiêu chí khó khăn đối với các xã miền núi, vùng ĐBDTTS&MN nêu trên, Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025 được nâng lên cả về chất lẫn lượng, trong đó có 2 tiêu chí khó mà nhiều địa phương đang gặp phải đó là tiêu chí môi trường, an toàn thực phẩm và tiêu chí tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn.

Đối với tiêu chí môi trường, an toàn thực phẩm khó nhất đó là chỉ tiêu tỉ lệ hộ sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung. Để thực hiện chỉ tiêu này cần có phương án đầu tư công trình cấp nước đồng bộ, liên vùng, liên huyện, trong điều kiện nguồn lực của tỉnh còn hạn chế, đây là một chỉ tiêu cần có thời gian dài để các địa phương hoàn thiện.

Đối với tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, đây là một tiêu chí có tác động lớn đến 2 tiêu chí liên quan là nâng cao thu nhập và giảm tỉ lệ nghèo đa chiều, nhất là tại các xã đặc biệt khó khăn vùng ĐBDTTS&MN; trong đó khó khăn nhất là việc phát triển liên doanh, liên kết, xây dựng vùng hàng hóa tập trung gắn với việc phát triển các hợp tác xã (HTX), các tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động có hiệu quả, gắn với phát triển sản phẩm OCOP, chứng nhận VIETGAP, tiêu thụ nông sản bền vững cho người dân.

Về cơ chế chính sách Chương trình MTQG xây dựng NTM, nguồn lực đầu tư hỗ trợ của nhà nước còn hạn chế và cơ chế hỗ trợ thu hút doanh nghiệp đầu tư liên doanh, liên kết vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn ít, chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

* Phóng viên: Xây dựng NTM là xây dựng miền quê đáng sống. Ở đó, cuộc sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần đều được nâng lên 1 bước. Vậy trong thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã làm gì để từng bước nâng cao đời sống người dân, thưa ông?

- Ông Hà Sỹ Đồng: Mục tiêu cốt lõi và cuối cùng trong xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Do vậy, bên cạnh thực hiện các tiêu chí khác, trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm và tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Các lĩnh vực của ngành đều được cơ cấu lại theo hướng lựa chọn các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, phát triển thị trường, xây dựng chuỗi cung ứng - sản xuất - chế biến - tiêu thụ, ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp đồng bộ, bền vững. Trong đó, các giải pháp được ưu tiên là thúc đẩy tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, liên kết theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong khâu giống, quy trình chăm sóc; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất thông qua phát triển kinh tế tập thể, HTX.

Lễ công bố 4 xã đạt NTM nâng cao tại huyện Cam Lộ

Lễ công bố 4 xã đạt NTM nâng cao tại huyện Cam Lộ

Đến nay, đã hình thành được các chuỗi liên kết giá trị thực sự bền vững đối với sản phẩm chủ lực của tỉnh như lúa hữu cơ, cà phê, dược liệu, cây ăn quả, chăn nuôi, gỗ rừng trồng. Có trên 6.000 ha cây trồng, 70 trang trại chăn nuôi sản xuất, trên 20.150 ha rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững có liên kết theo chuỗi giá trị. Tính đến năm 2023, toàn tỉnh có hơn 150 mô hìnhliên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp với HTX, tổ hợp tác và người sản xuất trên địa bàn.

Đến nay, toàn tỉnh có 309 HTX nông nghiệp và 2 liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Trong đó, có 58% HTX đạt loại khá, tốt và có 21% HTX tham gia tham gia vào các chuỗi liên kết. Đặc biệt, tỉnh đã phát triển 26 HTX nông nghiệp ở các xã miền núi, vùng ĐBDTTS&MN, trong đó có 8 HTX xếp loại khá tốt...

* Phóng viên: Xây dựng NTM không có điểm dừng, vậy trong thời gian tới, Quảng Trị sẽ làm gì để giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí?

-Ông Hà Sỹ Đồng: Xác định phương châm "xây dựng NTM có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc", nhằm đưa chương trình ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, tỉnh xác định bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu thì việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Vì vậy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để tăng cường chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cho các doanh nghiệp trên địa bàn

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cho các doanh nghiệp trên địa bàn

Theo đó, đối với các xã đã đạt chuẩn cần rà soát chặt chẽ các tiêu chí, để xây dựng kế hoạch, giải pháp, phân công nhiệm vụ gắn với các mốc thời gian cụ thể để hoàn thiện các tiêu chí bị sụt giảm so với bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí còn lại để tiến tới xã NTM nâng cao, kiểu mẫu. Nghiêm túc thực hiện việc thu hồi quyết định công nhận xã đạt chuẩn đối với các xã không duy trì được kết quả đạt chuẩn theo quy định tại Quyết định 18/2022/QĐ-TTg ngày 2-8-2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các xã chưa đạt chuẩn, cần tập trung chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn NTM, trong đó chú trọng xây dựng NTM ở vùng ĐBDTTS&MN, xây dựng thôn/ bản NTM, để đến cuối năm 2025 không còn xã dưới 13 tiêu chí; thực hiện phong trào xây dựng NTM kiểu mẫu, vườn mẫu để hướng đến những miền quê đáng sống.

Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền vận động; phân công trách nhiệm cụ thể cho các tập thể, cá nhân của Ban chỉ đạo, các sở, ngành cấp tỉnh và cấp huyện, trong đó nêu rõ người, rõ việc, rõ địa chỉ và có kết quả cụ thể; định kỳ tổ chức giao ban, bám sát tiến độ thời gian đề ra, tập trung kiểm tra, giám sát, chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với phương châm xử lý nhanh, quyết liệt, dứt điểm, gắn với công tác đỡ đầu cho các xã khó khăn trong xây dựng NTM; kịp thời động viên, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân, địa phương có nhiều thành tích, đóng góp trong xây dựng NTM.

* Xin cảm ơn ông!

Đức Nghĩa thực hiện

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dien-mao-quang-tri-sau-13-nam-xay-dung-nong-thon-moi-196231226092023858.htm