Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang tham gia thảo luận tại tổ về 2 dự án Luật và chủ trương đầu tư Chương trình MTQG về phát triển văn hóa

BHG - Sáng 8.6, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035; Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi); Dự án Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Dự án Luật Tư pháp cho người chưa thành niên… Tại tổ 6, các đại biểu Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang tham gia nhiều ý kiến vào các nội dung trên.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan thảo luận. Ảnh: CTV

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan thảo luận. Ảnh: CTV

Góp ý vào Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan đề xuất lựa chọn Phương án 01 về Quy định quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn tại Điều 5 dự thảo. Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định trong Luật Công đoàn thời gian làm nhiệm vụ công đoàn cho cán bộ công đoàn cơ sở hợp lý, phù hợp, tránh “cào bằng” như tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (ngoài tổ chức Công đoàn) được quy định tại Điều 176 của Bộ luật Lao động năm 2019. Đồng thời, có giải pháp quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn (sửa đổi), tăng quyền chủ động của công đoàn trong bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phó Trưởng đoàn Lý Thị Lan đề xuất Ban soạn thảo khi lựa chọn các phương án đã được đưa ra trong dự thảo Luật cần đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa các điều khoản ngay trong dự thảo Luật và các Luật hiện hành.

Đại biểu Vương Thị Hương thảo luận. Ảnh: CTV

Đại biểu Vương Thị Hương thảo luận. Ảnh: CTV

Cùng thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), đại biểu Vương Thị Hương cho rằng, dự thảo Luật cần các quy định tạo sự động viên, khích lệ người lao động tham gia làm cán bộ công đoàn vì hiện nay chế độ đối với cán bộ công đoàn chuyên trách cũng như cán bộ công đoàn không chuyên trách còn chưa tương xứng với khối lượng công việc mà họ thực hiện, đặc biệt đối với các địa phương, các thành phố lớn có đông người lao động tại các doanh nghiệp.

Đại biểu đề nghị dự thảo Luật bổ sung quy định về bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách tại các doanh nghiệp lớn để bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên công đoàn; bổ sung quy định về nhiệm vụ của tổ chức công đoàn cơ sở và sự phối hợp của tổ chức công đoàn cơ sở với doanh nghiệp trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả các loại Quỹ được tài trợ để hỗ trợ người lao động tại doanh nghiệp.

Tham gia thảo luận vào Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu Hoàng Ngọc Định nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật. Tuy nhiên, pháp luật về tư pháp người chưa thành niên còn quy định tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau; quy trình tố tụng vụ án có người tham gia tố tụng là người chưa thành niên chưa có nhiều quy định thể hiện tính chuyên biệt phù hợp với độ tuổi, tâm sinh lý của các em; sự tham gia của các chủ thể làm công tác xã hội, bảo vệ trẻ em vào quá trình tố tụng hình sự còn hạn chế...

Đại biểu Hoàng Ngọc Định thảo luận. Ảnh: CTV

Đại biểu Hoàng Ngọc Định thảo luận. Ảnh: CTV

Đại biểu đã tham gia ý kiến vào một số nội dung quy định trong dự án Luật như: Quy trình xử lý chuyển hướng; mở rộng các trường hợp áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; mức hình phạt và tổng hợp hình phạt; rút ngắn thời hạn tố tụng; tách vụ án hình sự...
Thảo luận về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan đề nghị trong quy định về đối tượng thụ hưởng của Chương trình, cần làm rõ các khái niệm và tiêu chuẩn cụ thể đối với các thiết chế như: Không gian văn hóa, sáng tạo; không gian văn hóa công cộng, không gian văn hóa cộng đồng; không gian triển lãm nghệ thuật.
Đối với nguồn vốn thực hiện Chương trình, theo đại biểu cần phải được thẩm định kỹ lưỡng về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho Chương trình trong giai đoạn 2025-2035 (trước nhất là giai đoạn 2026 - 2030) để đảm bảo tính khả thi, cân đối với nhu cầu vốn của 3 Chương trình MTQG đang triển khai và có nhu cầu tiếp tục triển khai trong giai đoạn 2026 - 2030.
Về nục tiêu của Chương trình, đề nghị xem xét làm rõ một số các mục tiêu để đảm bảo tính thống nhất trong tổ chức thực hiện giám sát chương trình. Nội dung thành phần của Chương trình, theo đại biểu nên xem xét rà soát, lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ để quy định giảm bớt những chỉ tiêu, hoạt động chi tiết đang dự kiến trong hồ sơ chủ trương đầu tư; xem xét quy định nội dung triển khai thực hiện có tính mở, giao thẩm quyền cho địa phương quy định cụ thể gắn với điều kiện thực tế của từng địa bàn, vùng, miền.

Theo đại biểu vì đây cũng là một Chương trình MTQG, do đó để đảm bảo tính thống nhất trong tổ chức thực hiện: Đề nghị quy định thực hiện cơ chế lồng ghép, kết hợp nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia (nếu có); giữa các chương trình, dự án khác trên địa bàn để thực hiện Chương trình theo quy định; cơ chế huy động các nguồn lực khác; việc quản lý, thanh quyết toán nguồn vốn thực hiện Chương trình giống như cơ chế đối với 3 Chương trình MTQG hiện đang triển khai thực hiện.

Duy Tuấn (tổng hợp)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202406/doan-dbqh-tinh-ha-giang-tham-gia-thao-luan-tai-to-ve-2-du-an-luat-va-chu-truong-dau-tu-chuong-trinh-mtqg-ve-phat-trien-van-hoa-fb011c5/