Doanh nghiệp lãng phí thời gian, nhân lực vì một số quy định chồng chéo

Một số thủ tục chưa rõ về trình tự, hồ sơ thực hiện khiến cơ quan đăng ký kinh doanh các địa phương có quan điểm áp dụng khác nhau, gây khó cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp gặp khó khi đăng ký ngành nghề kinh doanh

Tại hội thảo góp ý dự thảo Nghị định về đăng ký kinh doanh diễn ra mới đây, luật sư Trần Thị Thanh Huyền – Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự cho rằng: Hiện nay, việc đăng ký doanh nghiệp được thực hiện theo Nghị định 01/2021/NĐ-CP và đã có những tác động tích cực trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, thể hiện rõ tinh thần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp của Chính phủ.

Doanh nghiệp gặp khó khăn khi đăng ký ngành, nghề kinh doanh không được quy định tại Hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam (Ảnh: Hoàng Phi)

Doanh nghiệp gặp khó khăn khi đăng ký ngành, nghề kinh doanh không được quy định tại Hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam (Ảnh: Hoàng Phi)

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện, bên cạnh những thuận lợi đạt được, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục, quy định về đăng ký doanh nghiệp trên thực tế.

Cụ thể, doanh nghiệp gặp khó khăn khi đăng ký ngành, nghề kinh doanh không được quy định tại Hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam hoặc pháp luật chuyên ngành, việc được chấp thuận hay không phù thuộc nhiều vảo quan điểm của Cơ quan Đăng ký kinh doanh địa phương.

“Vướng mắc này đang là vấn đề “nhức nhối” cho doanh nghiệp, trong bối cảnh Luật Doanh nghiệp quy định: Doanh nghiệp được tự do kinh doanh ngành nghề mà pháp luật không cấm” – bà Trần Thị Thanh Huyền thông tin.

Đặc biệt, một số thủ tục chưa quy định rõ về trình tự, hồ sơ thực hiện dẫn đến Cơ quan Đăng ký kinh doanh từng địa phương có quan điểm áp dụng khác nhau, gây lúng túng cho doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh khi thực hiện. Một số quy định bị chồng chéo, gây lãng phí thời gian và nguồn nhân lực của doanh nghiệp.

Nghị định về đăng ký doanh nghiệp cần tường minh hơn

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên, đặc biệt là đối với vướng mắc – cùng một quy định nhưng có nhiều quan điểm, nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau, bà Trần Thị Thanh Huyền cho rằng: Nghị định về đăng ký doanh nghiệp đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, xin ý kiến cần quy định cụ thể, rõ ràng, tường minh hơn, giúp thuận tiện cho doanh nghiệp và Cơ quan Đăng ký kinh doanh trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, Nghị định về đăng ký doanh nghiệp cũng cần đồng bộ quy định hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp từ thủ tục, biểu mẫu thực hiện đến cơ chế liên thông giữa các cơ quan khi thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp để đảm bảo thống nhất, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp việc thực hiện các thủ tục được thuận lợi hơn.

Nghị định về đăng ký doanh nghiệp cũng cần đồng bộ quy định hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp (Ảnh: TVPL)

Nghị định về đăng ký doanh nghiệp cũng cần đồng bộ quy định hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp (Ảnh: TVPL)

Góp ý cụ thể về dự thảo Nghị định về đăng ký kinh doanh, bà Trần Thị Thanh Huyền cho rằng: Điều 7 quy định hiện hành nêu rõ: “Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì Cơ quan Đăng ký kinh doanh xem xét ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đồng thời thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới”.

Đặc biệt, dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến không sửa đổi, bổ sung với quy định này, vì thế bà Trần Thị Thanh Huyền cho rằng: Quy định này đang dẫn đến sự tùy nghi của các Cơ quan Đăng ký kinh doanh trong việc chấp thuận, không chấp thuận đối với các ngành nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác vì 2 lý do.

Thứ nhất, Cơ quan Đăng ký kinh doanh “xem xét ghi nhận” nếu không thuộc ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Như vậy thẩm quyền đang được quy định thuộc Cơ quan Đăng ký kinh doanh.

Thứ hai, quy định này không rõ về quy trình thực hiện, liệu Cơ quan Đăng ký kinh doanh sẽ: Ghi ngành nghề vào cơ sở dữ liệu trước rồi doanh nghiệp mới được phép đăng ký kinh doanh hay cho phép doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành, nghề mới này trước rồi mới ghi nhận vào cơ sở dữ liệu.

Trên thực tế, đã có doanh nghiệp bị Cơ quan Đăng ký kinh doanh hướng dẫn: Tạm thời bỏ ngành nghề đăng ký ra khỏi hồ sơ đăng ký, thay đổi để Cơ quan Đăng ký kinh doanh ghi nhận vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia, thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau đó doanh nghiệp quay lại thực hiện việc bổ sung sau.

Với những bất cập trên, để đảm bảo tính minh bạch và quyền tự do kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, bà Trần Thị Thanh Huyền đề nghị sửa đổi quy định này theo hướng: “Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác nhưng không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh thì Cơ quan Đăng ký kinh doanh ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này cho doanh nghiệp, cập nhật Cơ sở dữ liệu Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đồng thời thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới”.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-lang-phi-thoi-gian-nhan-luc-vi-mot-so-quy-dinh-chong-cheo-332731.html