Đền Chín Gian được xây dựng vào đầu thế kỷ XIV tại Pú Chũ Nhàng, gọi là Tến Pỏm (đền trên núi), thuộc bản Khoẳng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An).
Ngôi đền có chín gian nên đồng bào gọi là Tến Cau - hoong (tức đền Chín Gian), mỗi gian tượng trưng cho một mường: Mường Tôn, Mường Pắn, Mường Chừn, Mường Hin, Mường Puộc, Mường Quáng, Mường Ha Quèn, Mường Miểng, Mường Chón.
Đền Chín Gian tọa lạc trên ngọn đồi Pú Pỏm có độ cao 186,4 m so với mực nước biển. Ban đầu, đền được làm bằng tranh, tre, nứa, sau được xây dựng theo lối kiến trúc nhà sàn đặc trưng của đồng bào Thái. Đền có diện tích 138,6 m2, gồm 9 gian, mái và xung quanh đều được đóng bằng gỗ, phía trước và hai bên trổ cửa, mái xòe rộng sang 4 phía. Trên bờ nóc, bờ giải trang trí hình tượng “lưỡng long chầu nguyệt” - sự giao thoa văn hóa giữa miền xuôi và miền ngược.
Sân đền có 9 con trâu màu đen và trắng, được làm bằng xi măng đặt trên bệ đá với dáng đang quỳ, là vật hiến tế tượng trưng của các mường xưa. Phía trước 9 con trâu có 9 vạc đựng nước mưa để luộc trâu, tế thần.
Năm nay lễ hội được tổ chức vào 2 ngày 5-6/3, tức ngày 14-15/2 âm lịch. Theo lãnh đạo huyện Quế Phong, năm nay lễ hội chỉ tổ chức phần lễ kéo dài trong 2 ngày với những nghi thức lễ truyền thống. Riêng phần hội được lùi lại tổ chức vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập huyện Quế Phong và sẽ tổ chức từ ngày 10-16/4.
Điểm nhấn đặc sắc của Lễ hội Đền Chín Gian ở Quế Phong, đó là lễ "hắp quái" tức lễ hiến trâu. Theo phong tục truyền thống, hàng năm đến ngày mở hội, 9 mường rước lễ vật lên đền Chín Gian làm lễ tế trời, Tạo Ló Ỳ và tổ tiên các dòng họ của người Thái có công xây bản lập mường.
Phần lễ được tổ chức trang nghiêm theo đúng phong tục xa xưa.
Đoàn rước lễ đi trong tiếng cồng chiêng.
Đã thành lệ, lễ vật đầu tiên và không thể thiếu để dâng lên trong các dịp lễ tế trời bao giờ cũng là một con trâu - vật lễ trong các cuộc cúng tế linh thiêng nhất.
Trước khi làm lễ, trâu được đưa xuống tắm ở bến sông Tà Tạo (bến Quan).
Sau khi tắm, trâu được đưa vào khu vực làm lễ. Trước đây, lễ chém trâu được tiến hành trong tiếng reo hò của bà con về dự lễ. Tuy nhiên, sau này phần lễ chém trâu không được thực hiện mà chỉ là hình thức tượng trưng.
Thịt của con trâu dâng tế sau đó sẽ được đặt lên bậc sạp cao nhất của gian đền. Theo tục lệ xưa, bà mo làm lễ nạp trâu suốt ba ngày đêm, rồi đem chia ra, nấu lên cho mọi người cùng ăn.
Lễ hội Đền Chín Gian là nơi quy tụ tâm thức cộng đồng với vẻ đẹp của văn hóa tâm linh, văn hóa nghệ thuật và những phong tục, tập quán cổ truyền rất đặc biệt. Đến với lễ hội là trở về với cội nguồn của dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An.
Đền Chín Gian được coi là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào Thái ở miền Tây Nghệ An. Năm 2016, Lễ hội đền Chín Gian đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đền Chín Gian được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2008.
Cảnh Huệ - Phú Hưng