Đòn bẩy kép thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Một trong những chính sách quan trọng thời gian qua là giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), áp dụng cho nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Cần hỗ trợ lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bằng các chính sách thuế hợp lý.

Cần hỗ trợ lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bằng các chính sách thuế hợp lý.

Giảm thuế - đặc biệt là giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp đang cho thấy tác động tích cực, không chỉ giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn, mà còn tạo ra lợi ích lan tỏa tới người tiêu dùng và toàn xã hội.

Doanh nghiệp - trụ cột của nền kinh tế

Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp, đóng góp khoảng 40% GDP, 30% thu ngân sách và tạo việc làm cho hơn 50% lực lượng lao động. Dù giữ vai trò quan trọng, song nhóm doanh nghiệp này lại đang chịu nhiều sức ép từ bên trong lẫn bên ngoài như: Chi phí nguyên vật liệu tăng, sức mua sụt giảm, tiếp cận tín dụng khó khăn và tồn kho cao.

Theo ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, ngành dệt may đang gặp khó khăn về dòng tiền do ảnh hưởng của kinh tế thế giới và chi phí tài chính trong nước.

“Do kinh tế bất ổn, dòng tiền về doanh nghiệp bị hạn chế, lãi suất lại tăng cao, giá cả biến động khiến doanh nghiệp rất khó khăn. Doanh nghiệp lại phải trả nhiều khoản nợ đến hạn trong khi không còn chính sách giãn nợ như năm trước.

Nếu được Nhà nước tháo gỡ về dòng tiền, giãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ, đó sẽ là hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp dệt may. Nhà nước triển khai giảm thuế trở thành một giải pháp đúng đắn để hỗ trợ doanh nghiệp “giữ lửa” sản xuất kinh doanh”, ông Việt nói.

Đòn bẩy kích cầu và ổn định sản xuất

Một trong những chính sách quan trọng thời gian qua là giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), áp dụng cho nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ. Đây là chính sách đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong năm 2023 và được kéo dài sang năm 2024.

Năm nay giảm thuế tiếp tục là biện pháp kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, đồng thời giúp người dân tiếp cận sản phẩm với giá rẻ hơn.

Theo ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, việc giảm VAT có ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành sản phẩm và lợi nhuận. Ông chia sẻ: “Trong khi chúng tôi đang tìm mọi cách để giảm giá thành thì việc giảm 2% VAT sẽ trực tiếp tác động vào giá thành sản phẩm.

Điều này giúp người tiêu dùng tăng thêm lượng mua, từ đó chúng tôi có thể tăng sản lượng bán và sản xuất. Đây là một chính sách không chỉ tác động trực tiếp đến hầu bao của người tiêu dùng, mà còn đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp”.

Khi doanh nghiệp được giảm thuế, giá thành sản phẩm được hạ xuống, người tiêu dùng là người hưởng lợi trực tiếp. Việc mua được hàng hóa với giá rẻ hơn giúp duy trì và kích thích nhu cầu tiêu dùng nội địa - một trong những động lực tăng trưởng bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, khi sản xuất ổn định, doanh nghiệp có thể mở rộng tuyển dụng, từ đó tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và giúp ổn định an sinh xã hội.

Không thể phủ nhận rằng, một chính sách thuế tốt không chỉ giúp doanh nghiệp “sống khỏe”, mà còn thúc đẩy chuỗi giá trị trong nền kinh tế, từ sản xuất, logistics, tiêu dùng đến dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Trong bối cảnh cầu tiêu dùng giảm, hàng tồn kho tăng, đơn hàng sụt giảm thì chính sách giảm VAT được xem như “liều thuốc” hỗ trợ giúp thúc đẩy cả cung và cầu. Doanh nghiệp bán được hàng, người dân mua được giá tốt - là hai mặt của một chính sách thuế hiệu quả.

Cần đồng bộ hóa chính sách tài chính

Bên cạnh VAT, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục thực hiện các chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp (vốn đang gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất và mở rộng thị trường).

Hiện, mức thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông là 20%, nhưng nhiều đề xuất cho rằng cần áp dụng mức 15% cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 3 tỷ đồng/năm và 17% cho nhóm doanh nghiệp có doanh thu từ 3 đến 50 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, theo Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thành lập được miễn thuế thu nhập trong 3 năm đầu. Đây là chính sách thiết thực nhằm thúc đẩy khởi nghiệp, giảm gánh nặng tài chính ban đầu và khuyến khích đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp.

Theo ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa thì, không chỉ giảm thuế là đủ, mà cần đồng bộ hóa chính sách tài chính - tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ.

“Phải có một động lực đáng kể để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đứng vững. Hạ lãi suất là điều rất cần thiết nhưng nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện vay vốn. Vì thế cần đơn giản hóa thủ tục và có gói tín dụng phù hợp cho nhóm doanh nghiệp này”, ông Cao Tiến Đoan nhìn nhận.

Để các chính sách giảm thuế phát huy hiệu quả toàn diện, nhiều chuyên gia khuyến nghị cần áp dụng thuế thu nhập phân bậc theo quy mô doanh nghiệp, đảm bảo công bằng và đúng đối tượng. Bên cạnh đó, đồng bộ hóa chính sách thuế với hỗ trợ tín dụng, bảo hiểm và xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lực tổng thể.

Trong thời điểm doanh nghiệp đang gồng mình vượt khó, giảm thuế không chỉ là một chính sách tài khóa đơn lẻ, mà là đòn bẩy kép thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Khi chính sách được thiết kế đúng - trúng - hiệu quả, doanh nghiệp phát triển, người dân hưởng lợi và xã hội ổn định.

Việc tiếp tục duy trì, hoàn thiện, mở rộng các chính sách giảm thuế, kết hợp cải cách thể chế, tháo gỡ rào cản tài chính, sẽ là chìa khóa để Việt Nam phục hồi nhanh, vững vàng và phát triển bền vững.

Hương Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/don-bay-kep-thuc-day-tang-truong-kinh-te-post731347.html