Đơn hàng nhiều, giá thấp liệu ngành dệt may có dễ dàng về đích?
Với hàng loạt đơn hàng chờ, ngành dệt may đang có nhiều cơ hội đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm nay. Song, trên thực tế chỉ còn hơn một quý nữa là kết thúc năm 2024, liệu rằng kế hoạch của ngành dệt may có đạt như kỳ vọng?
Ngành dệt may đang có nhiều cơ hội đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm nay. Nhận định được Hiệp hội Dệt may Việt Nam đưa ra trong bối cảnh xuất khẩu hàng dệt may đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Bức tranh xuất khẩu và những con số ấn tượng
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS), kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2024 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đạt 28,32 tỷ USD, tăng 6,19% so cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh những thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng so với cùng kỳ, các thị trường ASEAN, Nga, Canada… đang là điểm sáng tiềm năng để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.
Thời gian qua, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng đã chủ động đa dạng thị trường và khách hàng. Các doanh nghiệp thời trang tại Hoa Kỳ và các nước lân cận đang tìm kiếm nguồn cung từ các chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc nên sản phẩm từ Việt Nam đang được quan tâm, trong đó xu hướng tìm kiếm các sản phẩm bền vững gia tăng. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng cho cả năm nay, thậm chí đầu năm sau.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường chia sẻ, với quy mô xuất khẩu đứng thứ ba thế giới, sử dụng hơn 2 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu hằng tháng phải đạt từ 3,5 đến 4 tỷ USD, cho nên những ảnh hưởng của thị trường thế giới sẽ tác động lớn tới xuất khẩu dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, tám tháng qua, xuất khẩu dệt may Việt Nam khá tốt, đặc biệt trong tháng 7 và tháng 8, mỗi tháng kim ngạch xuất khẩu đạt từ 4,2 đến 4,4 tỷ USD, là mức xuất khẩu cao nhất kể từ tháng 8/2022 trở lại đây.
Tại May 10, ông Bạch Hồng Long - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, DN hiện đã có đơn hàng dệt may đến hết năm 2024. Hiện nay, xu thế đơn hàng đang dịch chuyển về Việt Nam, một số khách hàng có đề nghị đặt hàng với May 10. Tuy nhiên, May 10 có nhận đơn hàng mới cũng chỉ mức độ vì các nhà máy hầu như đã có đơn hàng đến hết năm nay.
VITAS dự báo xuất khẩu dệt may tiếp tục khả quan thời gian tới, bởi yếu tố chu kỳ nhu cầu hàng hóa thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm. PSI kỳ vọng đơn hàng sẽ hồi phục rõ rệt kể từ quý IV, thời điểm các nhãn hàng bắt đầu chuẩn bị cho vụ xuân hè 2025.
Có dễ dàng cán cán đích?
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho rằng, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam trong tám tháng qua có nhiều khởi sắc, nhưng mức tăng trưởng do chuyển dịch đơn hàng từ các nước khác sang thị trường Việt Nam tăng, còn thực chất tiêu dùng toàn cầu chưa tăng.
Ngành dệt may vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do nhu cầu thị trường chưa thật sự cải thiện, cước vận tải biển, tiền lương, tiền điện, lãi suất ngân hàng,… được dự báo tiếp tục tăng tác động trực tiếp đến hiệu suất sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, nhiều thị trường lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc, liên quan tới lao động và môi trường trong chuỗi cung ứng, xử lý chất thải dệt may.
Chia sẻ về tình hình hoạt động sản xuất của DN trong những tháng cuối năm, bà Bùi Minh Phượng, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần PND toàn cầu cũng cho biết, từ quý 2/2024, đơn hàng của doanh nghiệp đã tăng lên và dự báo kim ngạch xuất khẩu giai đoạn cuối năm có thể tăng gấp 3 lần so với đầu năm. Kết quả xuất khẩu năm 2024 của doanh nghiệp có thể tăng 25% so với kế hoạch.
Song đại diện doanh nghiệp này vẫn không khỏi lo ngại, bởi theo bà, hiện nay chúng ta chưa chủ động nguồn cung nguyên, phụ liệu, dù trong nước đã có nhà cung cấp vải nhưng còn nhỏ lẻ, không bảo đảm yêu cầu thị trường. Điều này khiến đơn hàng nhiều, song đơn giá thấp, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp rất nhỏ.
Đặc biệt, theo đại diện một doanh nghiệp dệt may, nếu đối tác xuất khẩu từ chối nhận hàng gia công vì nguyên liệu không đến từ nhà cung cấp được chỉ định thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn.
Vì vậy, để “cán đích” với mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm nay, những tháng cuối năm, doanh nghiệp dệt may cần duy trì ổn định lực lượng lao động, nhất là các đơn vị may, tăng cường giải pháp cải thiện năng suất và chất lượng, chú trọng số hóa quản trị, ưu tiên quản trị dòng tiền để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra liên tục, sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.
“Để hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu 44 tỉ USD vào năm 2024, tăng 9,2% so với năm 2023, các doanh nghiệp không chỉ cần chú trọng vào giá cả, chất lượng và thời gian giao hàng mà còn cần đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững”, ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.