Đủ dữ liệu sẽ tìm được 'điểm cân bằng'

Với quy mô dân số hơn 100 triệu dân và có nhiều tiềm năng để phát triển, song ngành dược Việt Nam hiện vẫn đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 bùng phát thì những thách thức càng bộc lộ rõ hơn bao giờ hết.

Theo đánh giá của Ủy ban Xã hội, các doanh nghiệp dược trong nước chưa tận dụng được lợi thế của mình do thiếu nguồn lực và trình độ về kỹ thuật công nghệ còn hạn chế; trong khi đó, các nhà đầu tư lớn nước ngoài lại sẵn sàng đầu tư với các dự án lớn, “thâu tóm” các doanh nghiệp dược trong nước và cạnh tranh với các sản phẩm dược trong nước bằng nhiều cách khác nhau.

“Hiện nay, các mặt hàng dược nước ngoài đang dần chiếm lĩnh thị trường dược trong nước; các tập đoàn dược đa quốc gia, các tập đoàn dược nước ngoài đang dần “thôn tính” các doanh nghiệp dược tương đối có tên tuổi trong nước”. Phản ánh thực tế này tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội chiều 18.6 vừa qua, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh) lo ngại “sẽ dẫn tới sự mất an ninh về dược phẩm bởi ưu tiêu hàng đầu của các tập đoàn đa quốc gia hay các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dược phẩm sẽ luôn là lợi nhuận thay vì mục tiêu bảo đảm an ninh dược phẩm hay thực hiện các chiến lược quốc gia về phát triển ngành dược trong nước…”.

Trước thực tế đó, khi dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược trình Quốc hội đưa ra các chính sách ưu tiên thúc đẩy phát triển ngành dược, công nghiệp dược trong nước, các đại biểu Quốc hội đều hết sức hoan nghênh, ủng hộ và đánh giá cao. Dù vậy, đi vào chính sách cụ thể vẫn còn nhiều vấn đề Quốc hội phải thảo luận kỹ lưỡng hơn.

Trong đó, một “cảnh báo” đáng chú ý từ ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) là: chúng ta “cần biết vị trí mình đang ở đâu, tránh duy ý chí". Bởi nếu không, “chúng ta sẽ làm rất nhiều biện pháp để ngăn chặn, không cho thuốc của các hãng dược phẩm lớn vào Việt Nam trong khi thuốc tương đương của chúng ta không thể so sánh nổi với thuốc tốt của nước ngoài. Trong khi đó, người dân vẫn phải dùng thuốc nước ngoài thì giá thuốc sẽ bị đẩy lên”. Hay một “cảnh báo” khác của ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết (TP. Hồ Chí Minh) “thị trường dược trong nước rất phát triển nhưng điều này cũng đáng lo ngại do công tác quản lý đối với các nhà thuốc, thị trường thuốc và thậm chí các công ty sản xuất thuốc chưa thực sự chặt chẽ”.

Ngay trong báo cáo thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Xã hội cũng đã lưu ý, thuốc là mặt hàng quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người, tác động đến an ninh y tế nên cần được đánh giá kỹ lưỡng, xem xét thận trọng và tổng thể trên cơ sở “lấy người dân làm trung tâm”. Cơ quan thẩm tra đề nghị hoàn thiện các chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược theo hướng: khai thác thế mạnh hiện có và tiềm năng của ngành dược bằng các cơ chế, chính sách hỗ trợmang tính đột phá, khả thi về vốn, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; đồng thời, tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực mà Việt Nam chưa tự chủ được như sản xuất thuốc mới, các sản phẩm điều trị tiên tiến, thuốc sinh học có giá trị cao.

Cái khó với các nhà lập pháp là, dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã “trên tay mình” nhưng lại vẫn chưa có những đánh giá tổng kết chi tiết, thấu đáo về tình hình phát triển của ngành công nghiệp dược trong nước; chưa có báo cáo tổng kết đánh giá về việc hiện nay số doanh nghiệp dược trong nước hoạt động hiệu quả nhiều hay ít, nếu những công ty dược trong nước phụ thuộc vào các công ty, tập đoàn có yếu tố nước ngoài thì liệu có bảo đảm an ninh về dược không, nhất là trong tình huống bùng phát dịch...

Khi chưa có đủ dữ kiện thông tin cần thiết thì các nhà lập pháp, ngay cả những chuyên gia hàng đầu đã hoạt động lâu năm trong ngành y tế như đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu..., cũng rất khó quyết định các chính sách đã cân bằng hay chưa, đã hiệu quả và hợp lý để có thể đạt được cả hai mục tiêu: vừa thúc đẩy ngành dược, công nghiệp dược trong nước phát triển, đem lại lợi ích tốt nhất cho người dân (ở đây, lợi ích không chỉ là thuốc tốt, giá thành hợp lý mà còn là sức khỏe, tính mạng của người dân), góp phầnbảo đảm an ninh y tế, lại vừa không “duy ý chí” với các sản phẩm dược, công nghiệp dược nước ngoài.

Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sẽ được Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể trong tuần này. Trên cơ sở đó, dự luật sẽ tiếp tục được hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp tới. Thời gian vẫn còn đủ để cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng, giải trình thấu đáo hơn những vấn đề đã được cơ quan chủ trì thẩm tra và các đại biểu Quốc hội đặt ra. Bởi xét đến cùng, nếu không tìm được "điểm cân bằng" trong thiết kế chính sách thì việc sửa đổi Luật cũng chưa thể đạt mục tiêu!

Quỳnh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/du-du-lieu-se-tim-duoc-diem-can-bang-i376626/