Du lịch Gia Lai: Buôn đã có bạn, bán đã có phường
DNVN – Từ đại ngàn Tây Nguyên đến biển trời Quy Nhơn, từ di sản cồng chiêng đến kỳ quan tự nhiên Kon Ka Kinh – Kỳ Co, Gia Lai đang sở hữu những 'phương tiện chiến lược' cùng những 'người bạn đồng hành' đáng tin cậy để từng bước kiến tạo một hệ sinh thái du lịch đa dạng, khác biệt và có sức cạnh tranh toàn vùng.
Không gian mới, cơ hội mới
Chiều ngày 9/7, tại khách sạn Hải Âu (phường Quy Nhơn Nam), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Gia Lai đã tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm 65 năm thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 – 9/7/2025). Sự kiện mang ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh Gia Lai và Bình Định chính thức hợp nhất, mở ra một không gian phát triển mới với lợi thế vượt trội về địa hình, khí hậu và tài nguyên.

Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh – Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Gia Lai, phát biểu khai mạc.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, bà Đỗ Thị Diệu Hạnh – Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Gia Lai, cho biết, cách đây 65 năm, giữa những ngày đất nước còn ngổn ngang bom đạn, sự ra đời của ngành Du lịch Việt Nam là một bước đi mang tầm chiến lược, đặt nền móng cho một ngành kinh tế mới nhưng đầy tiềm năng. Từ dấu mốc ấy, du lịch Việt Nam từng bước trưởng thành, hội nhập và bứt phá.
Trong hành trình ấy, Gia Lai – vùng đất vừa tái cấu trúc địa giới trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Gia Lai và Bình Định, đang định hình một mô hình du lịch liên vùng mang đậm bản sắc. Với biển xanh Quy Nhơn, Kỳ Co – Eo Gió ở phía Đông hòa quyện cùng đại ngàn Tây Nguyên, cồng chiêng, Kon Ka Kinh và Biển Hồ ở phía Tây, vùng đất mới thực sự là nơi “núi thầm thì chuyện biển”, mở ra triển vọng hình thành chuỗi sản phẩm du lịch bốn mùa liên hoàn, hấp dẫn.
Đáng chú ý, hệ sinh thái lệch mùa giữa Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn sẽ tạo lợi thế để kéo dài mùa cao điểm quanh năm, một “của trời cho” để phát triển các sản phẩm đa dạng: nghỉ dưỡng biển, leo núi (trekking) giữa đại ngàn, du lịch cộng đồng, thể thao mạo hiểm, chăm sóc sức khỏe và lễ hội cồng chiêng.

Ông Nguyễn Tấn Thành – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Gia Lai (cũ), trình bày tham luận.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tấn Thành – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Gia Lai (cũ), khẳng định, Gia Lai đang đứng trước cơ hội lịch sử để tái định vị thương hiệu và tổ chức lại thị trường du lịch. Đây là thời điểm vàng để khơi dậy mối liên kết rừng – biển, thiết lập hành trình hai hệ sinh thái giàu trải nghiệm và chiều sâu văn hóa.
Ông Thành đề xuất định vị thương hiệu theo hướng “Gia Lai – nơi rừng và biển gặp nhau”, nhằm tạo dấu ấn riêng biệt giữa bản đồ du lịch quốc gia. Đồng thời, phát huy tối đa vai trò của công nghệ: từ bản đồ số, thực tế ảo (VR/AR), trợ lý ảo Zalo, Facebook đến phân tích dữ liệu du khách bằng AI để tối ưu hóa hành trình và trải nghiệm.
Dưới góc nhìn kết nối, ông Nguyễn Phạm Trung Kiên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định (cũ), nhấn mạnh tính cấp thiết trong việc thiết kế logo và slogan chính thức cho du lịch Gia Lai. Song song đó, cần tăng cường xúc tiến quảng bá tại các hội chợ quốc tế như ITE TP Hồ Chí Minh, VITM Hà Nội và trên các nền tảng số như Facebook, TikTok, Zalo.

Ông Nguyễn Phạm Trung Kiên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định (cũ), chia sẻ thông tin.
Đặc biệt, ông Kiên đề xuất xây dựng chính sách đặc thù để đào tạo và cấp thẻ hành nghề cho 500 hướng dẫn viên quốc tế trong 3 năm, sẵn sàng đón làn sóng khách quốc tế tăng mạnh hậu đại dịch.
Buôn có bạn, bán có phương
Tại buổi gặp mặt, gần mười tham luận và phát biểu từ lãnh đạo, doanh nghiệp đều xoay quanh một tinh thần chung: muốn đưa du lịch Gia Lai phát triển bền vững, không ai có thể đi một mình.

Ông Lê Thanh Sang – Giám đốc hệ thống khách sạn Hải Âu Quy Nhơn, trình bày ý kiến, kiến nghị.
Trong phần tham luận của mình, ông Nguyễn Phạm Trung Kiên đặc biệt nhấn mạnh ngành du lịch Gia Lai đã thực sự bước vào giai đoạn “buôn có bạn, bán có phường”. Đây là triết lý làm ăn không thể tách rời cộng đồng. Trong du lịch, ngành kinh tế đặc thù có tính lan tỏa mạnh, tinh thần này càng đúng. Doanh nghiệp cần liên kết, địa phương cần phối hợp, chính quyền cần đồng hành, hiệp hội cần định hướng.
Trong hệ sinh thái đó, “bạn” là cộng đồng doanh nghiệp cùng chí hướng; còn “phường” là tổ chức, chính sách, pháp lý đồng hành minh bạch. Khi các bên bắt tay cùng tiến, Gia Lai sẽ có đủ điều kiện để xác lập bản sắc riêng, tạo ra các sản phẩm khác biệt và vươn lên thành điểm đến mang tầm vóc khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh – Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Gia Lai, tri ân sự đồng hành, đóng góp của các đơn vị, doanh nghiệp.
Khi du lịch không còn là câu chuyện riêng của từng địa phương hay từng doanh nghiệp, mà trở thành nỗ lực chung của toàn hệ sinh thái, từ nhà nước, hiệp hội đến doanh nghiệp, Gia Lai sẽ có đủ thế và lực để đi xa hơn, mạnh mẽ hơn. Đó cũng là cách để vùng đất này trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế.