Đưa du lịch trở thành động lực giảm nghèo
Điện Biên có tiềm năng phát triển du lịch với nét văn hóa đặc sắc của 19 dân tộc anh em, những năm qua, tiềm năng du lịch của tỉnh đã bước đầu được khai thác. Thời gian qua, các hoạt động du lịch, dịch vụ đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, trong đó có khu vực HTX đã góp phần nâng cao tỷ trọng lĩnh vực du lịch, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trên địa bàn, góp phần từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Từ một huyện nghèo, vùng cao biên giới, huyện Nậm Pồ đã và đang ghi nhận những bước tiến lớn trong việc phát triển nền nông nghiệp bền vững gắn với du lịch cộng đồng, nhờ vào mô hình HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Si Pa Phìn, bản Tân Lập, xã Si Pa Phìn. Hình thành từ một quyết tâm chính trị mạnh mẽ, HTX này không chỉ góp phần tạo ra nguồn thực phẩm sạch, mà còn tạo dựng sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số từ du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
"Trái ngọt" giảm nghèo từ du lịch
Ông Phạm Ngọc Khải, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn cho biết, việc hình thành HTX xuất phát từ Nghị quyết số 56 của Ban Thường vụ Huyện ủy Nậm Pồ vào ngày 8/8/2023. Nghị quyết này xác định rõ mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu bền vững, triển khai mô hình trồng cây chanh leo, cây quế và sản xuất rau, củ, quả an toàn tại Nậm Pồ, trong giai đoạn 2023-2025. Đây là một chủ trương hết sức đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm của lãnh đạo huyện nhằm ổn định sinh kế cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới.

Nậm Pồ đang phát triển du lịch cộng đồng ở các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các sản phẩm rau củ, quả tại Si Pa Phìn đạt năng suất trung bình khoảng 2 tấn mỗi ngày, giúp người dân có việc làm ổn định với mức thu nhập bình quân đầu người từ 8 đến 10 triệu đồng mỗi tháng.
HTX đã tạo ra công ăn việc làm cho gần 50 công nhân địa phương, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc thay đổi cuộc sống của người dân vùng biên giới, giúp họ không chỉ thoát nghèo mà còn có thể vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất của mình.
HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Si Pa Phìn không chỉ đơn thuần là một mô hình sản xuất nông sản sạch mà còn trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho du khách tham quan, nghỉ dưỡng. Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, Si Pa Phìn đã trở thành một địa chỉ hấp dẫn cho du khách tìm hiểu về nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời là nơi du khách có thể trải nghiệm cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới.
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể Ban lãnh đạo HTX và người dân địa phương, mô hình này đang dần khẳng định vị thế của mình và mở ra nhiều cơ hội mới cho phát triển kinh tế, xã hội.
Điểm sáng du lịch cộng đồng
Với vẻ đẹp được thiên nhiên ưu đãi, Nậm Pồ đang triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác những tiềm năng, lợi thế hiện có. Theo đó, huyện Nậm Pồ đã tập trung phát triển du lịch cộng đồng, trong đó nổi bật là các điểm du lịch cộng đồng Nà Sự, xã Chà Nưa; Thác Nậm Chim, xã Phìn Hồ; Sông Nậm Pô ở xã Vàng Đán…
Ông Thùng Văn Ánh, Chủ tịch UBND xã Chà Nưa, cho biết: Trong quá trình triển khai dự án phát triển du lịch cộng đồng tại bản Nà Sự, tập trung vào việc cải tạo cảnh quan, đường điện, nơi ăn nghỉ và các dịch vụ trải nghiệm. Riêng nếp nhà sàn trong bản vẫn được giữ nguyên theo bản sắc văn hóa dân tộc.
Đặc biệt, bà con trong bản đã đoàn kết và góp sức làm cọn nước bên khu vực suối để tạo thành điểm nhấn, biểu tượng của du lịch Nà Sự. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng vận động nhân dân trong bản bảo tồn, phát huy nghề may dệt thổ cẩm, mây tre đan, các sản phẩm nông sản nhằm tạo nên sản phẩm du lịch, tăng thu nhập cho người dân trong bản.

Với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, du lịch cộng đồng là mô hình giảm nghèo hiệu quả cho người dân địa phương.
Việc xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng tại bản Nà Sự, xã Chà Nưa không chỉ làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại bản Nà Sự mà còn là một mô hình du lịch xanh, thân thiện môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Chị Thùng Thị Tinh, người dân xã Chà Nưa, chia sẻ: "Trước kia, hộ nghèo trong bản nhiều, từ khi phát triển du lịch, cuộc sống ngày càng cải thiện. Khách du lịch đến ngày càng đông đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình. Các hộ dân không chỉ sống bằng nghề nông, mà còn đầu tư vào các homestay, giúp tăng thu nhập”.
Ông Lèng A Nưa, chủ homestay cho biết: "Trước đây, gia đình chỉ làm nông nghiệp, thu nhập đủ ăn. Từ khi chuyển sang làm du lịch, thu nhập tăng lên đáng kể. Hiện chúng tôi có 3 phòng khép kín và một phòng cộng đồng để đón khách. Cơ sở của tôi hiện chủ yếu đón khách nội địa vào dịp cuối tuần và cơ bản kín lịch, nhất là dịp Lễ 30/4 và các ngày lễ lớn của đất nước".
Tạo sự phát triển bền vững
Ông Bùi Văn Luyện, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết, với sự tham gia của hàng trăm hộ dân làm du lịch, doanh thu của nhiều hộ đạt từ 40-50 triệu đồng/năm đến hàng trăm triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo ở các điểm du lịch giàu nhanh gấp 2-3 lần so với các nơi khác. Du lịch cộng đồng không chỉ giúp bảo tồn văn hóa dân tộc mà còn tạo ra nguồn thu nhập ổn định, góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo bền vững.
Ông Phí Văn Dương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Điện Biên cho biết: “Tại các vùng nông thôn, đặc biệt là tại các huyện nghèo của tỉnh, HTX có vai trò rất lớn trong việc giải quyết việc làm, tăng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên cho các địa phương. Các HTX cũng đã phát huy được hiệu quả hoạt động gắn với sản phẩm đặc trưng của địa phương với phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng. Ðồng thời thay đổi tư duy, cách làm của bà con, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường liên doanh, liên kết để mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên. Từ đó, góp phần thay đổi đời sống của người dân tại nhiều xã, bản”.
Đặc biệt là Liên minh HTX tỉnh Điện Biên đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động với Hội nông dân tỉnh về việc tham gia hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, giai đoạn 2024 - 2030. Trong đó tập trung thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân về vai trò, tiềm năng phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tổ hợp tác, HTX do Hội Nông dân vận động, hướng dẫn thành lập.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX Việt Nam cũng hỗ trợ thành lập mới các HTX, tập huấn quản trị HTX, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại. Nhờ đó, các HTX tại Điện Biên không chỉ phát triển bền vững mà còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.