Dụng cụ dệt vải của đồng bào Thái

Đồng bào dân tộc Thái Sơn La thường nói 'Nhinh chang phải chang húc/trai chang dệt chương mạy chương tóc' (nghĩa là: Gái thì thêu thùa dệt vải, nam thì giỏi đan lát). Ngoài giỏi đan dụng cụ chài, lưới, đồ dùng sinh hoạt trong nhà, người chủ gia đình còn làm các dụng cụ cán bông, bật bông, xa kéo sợi, khung cửi dệt vải... để tạo ra những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc, hoa văn phong phú, chứa đựng giá trị văn hóa độc đáo, phục vụ đời sống sinh hoạt của đồng bào.

Phụ nữ Thái quay xa kéo sợi dệt vải.

Phụ nữ Thái quay xa kéo sợi dệt vải.

Quy trình dệt nên một tấm vải thổ cẩm truyền thống của phụ nữ dân tộc Thái trải qua nhiều công đoạn. Bởi vậy, bộ dụng cụ dệt vải cũng bao gồm nhiều thành phần, như: Dụng cụ tách hạt bông (ỉu phải). Dụng cụ này gồm phần chân được lắp ráp hình chữ T, ở 2 đầu chữ T ghép 2 thanh gỗ nhỏ, dài, tạo thành chạc giống càng xe đạp; cách đầu trên của càng khung dụng cụ tách hạt bông khoảng 10cm luồn 2 thanh gỗ liền với tay quay để hút hạt bông cho bông tách ra khỏi vỏ. Sau đó dùng dụng cụ bật bông (công phải) cho bông tơi xốp. Dụng cụ này gồm một chiếc cung bật bông được chế tác từ cần tre nhỏ, dài khoảng 1m, có gắn dây cung bện từ sợi cây gai và 1 thúng đựng đan bằng tre để khi bật bông không bay bụi.

Bông sau khi bật tơi xốp được vê thành các gòn bông to bằng ngón tay trỏ, dài khoảng 40cm. Phụ nữ Thái sử dụng xa kéo sợi để quay lấy sợi se thành cuộn chỉ (pẳn phải). Dụng cụ này gồm sườn cây đặt bằng phẳng sát đất, dài khoảng 1 đến 1,2 m; một đầu là cái dày làm bằng mây, giống như cái bánh xe, có tay quay nối liền với đầu bên kia là trục cây có gắn một đoạn thanh sắt nhỏ thẳng khoảng 20 cm vào ống tre. Những sợi vải được quay, thu vào thanh sắt nhỏ. Khi quay xa phải đều tay, nhịp nhàng giữa tay xe sợi và tay quay xa chỉ mới đều, đẹp, sợi mới dai để dễ dệt thành vải.

Thường phải cần từ 30 đến 40 cuộn chỉ sợi mới đủ để làm một xấp vải (cọn phải). Khi đã có đủ các cuộn chỉ sợi, phụ nữ Thái sử dụng quay sợi (pìa phải) để tạo cuộn sợi có vòng to. Dụng cụ quay sợi cũng gần giống xa kéo sợi, nhưng đường kính vòng quay lớn hơn, thường từ 30 đến 40 cm. Sợi được cuộn thành vòng, sau đó đem đi giặt (tốp nặm) và ngâm trong hồ (nước bột gạo loãng) rồi đem phơi khô. Sau khi sợi chỉ se lại sẽ được cuốn vào con lọn để dải sợi (khên húc). Chuông khên là dụng cụ để cho các cuộn chỉ sợi vào, có 4 chạc tựa hình hộp diêm, thường từ 8 đến 10 cuộn chỉ sợi rồi cầm chuông khên kéo sợi dải quanh cột nhà sàn và được chia theo các bậc, tầm khoảng 8 đến 10 bậc dải sợi thì đủ để dệt một xấp vải.

Khi đã rải đủ số sợi để dệt một xấp vải thì tiến hành thu sợi, rồi đem luồn vào khung cửu để dệt. Khung cửu làm bằng loại gỗ tốt, được đóng chắc chắn với đầy đủ các dụng cụ phụ, như: Bàn dệt (phứm), thoi dệt (suôi), chân đạp (khau nhăm), ván ngồi dệt (tắng năng)... Khung dệt được làm từ 4 cột cao ghép với 2 xà trên, 2 xà dưới, tạo thành một vỉ hình hộp chữ nhật. Trên 2 xà dưới ở một đầu dùng để đặt tấm gỗ ngồi dệt vải. Tiếp đến phía ngồi dệt khoảng 60 cm sẽ đặt thanh ngang để cuộn vải, phía trên đặt đoạn tre ngang để treo bộ bàn dệt... Phía dưới chân có 2 thanh gỗ được buộc nối với dây go để điều khiển phối hợp giữa chân và tay nhịp nhàng khi dệt vải.

Từ bộ dụng cụ dệt, những xấp vải thổ cẩm nhiều màu sắc ra đời, nhờ bàn tay tài hoa, khéo léo của người phụ nữ Thái tạo nên những bộ trang phục, những chiếc khăn piêu, vỏ chăn, vỏ đệm, vỏ gối hay các phụ kiện túi, ví, mũ, thú bông màu sắc sặc sỡ, đa dạng về mẫu mã, hoa văn... Các sản phẩm không chỉ mang nét giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, phục vụ đời sống sinh hoạt của đồng bào mà từng bước trở thành hàng hóa gắn với việc phát triển du lịch của địa phương, góp phần tạo thêm việc làm và thu nhập cho chị em phụ nữ.

Lò Thái

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/dung-cu-det-vai-cua-dong-bao-thai-51978