Đừng để những giấc mơ vỡ vụn chỉ vì… 0,25 điểm
Một mùa thi vừa khép lại nhưng những giấc mơ của tuổi trẻ lại bắt đầu va vào thực tế. Chỉ 0,25 điểm đủ để đánh rơi một nguyện vọng, một hy vọng và cả sự tự tin của một đứa trẻ. Khi điểm số được công bố, không ít giấc mơ vỡ vụn theo những tiếng nấc nghẹn.
Những ngày đầu tháng 7, khắp các gia đình Việt rộn ràng mà cũng đầy nặng trĩu. Trong cùng khoảng thời gian ngắn, hàng triệu học sinh trên cả nước đồng loạt bước qua hai kỳ thi quan trọng: thi vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp THPT. Và rồi, điểm số lần lượt được công bố. Những con số tưởng chừng chỉ là kết quả học tập lại trở thành phép đo của nước mắt, hy vọng và cả áp lực đè nặng lên vai những đứa trẻ vừa rời phòng thi không lâu.
Tối 3/7, ở một góc nhỏ Hà Nội, Mai Anh, học sinh lớp 9 bật khóc nức nở sau khi biết mình chỉ thiếu đúng 0,25 điểm để đủ vào trường THPT công lập mà em mơ ước.
“Con đã cố lắm rồi nhưng sao lại không đủ?”, Mai Anh nức nở trong lòng mẹ, bàn tay nhỏ run run níu lấy chiếc điện thoại vẫn hiện bảng điểm lạnh lùng.
Cùng lúc đó, ở một nơi khác, những sĩ tử 18 tuổi vừa rời kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng đang sống trong những ngày thấp thỏm. Có em cười trong sung sướng, có em chết lặng khi tự tra điểm thi. Với không ít người, đó là khoảnh khắc tưởng như cả thế giới gãy đôi.
Chia sẻ với Gia đình Việt Nam, TS. Quách Thu Quế - chuyên gia tâm lý – giáo dục nói: “Tôi gọi đây là 'khoảng lặng sau kỳ thi' – nơi cảm xúc dễ bị tổn thương nhất vì mọi áp lực dồn nén trước đó giờ vỡ òa. Các con phải đối mặt không chỉ với điểm số mà cả với sự kỳ vọng của người lớn, sự so sánh từ bạn bè và nỗi lo sợ bị bỏ lại phía sau”.
Theo chuyên gia Thu Quế, những phản ứng như thất vọng, lo âu, thậm chí là khủng hoảng cảm xúc là điều rất tự nhiên. Điều quan trọng là cách cha mẹ và người lớn ứng xử trong giai đoạn mong manh này.
“Điểm số không thể định nghĩa một đứa trẻ. Nhưng lời nói của cha mẹ lúc này có thể định hình cả niềm tin và lòng tự trọng của con trong nhiều năm tới”, TS. Quế nói.

TS. Quách Thu Quế - Chuyên gia Tâm lý - Giáo dục
Cha mẹ là chiếc ô vững vàng giữa cơn mưa
Câu chuyện của Mai Anh sau đêm đó không kết thúc trong nước mắt. Mẹ em sau vài phút bối rối đã ngồi xuống cạnh con, nắm tay và nói: “Thiếu 0,25 điểm không làm con kém đi chút nào. Mẹ tự hào vì con đã học hành nghiêm túc suốt cả năm qua. Giờ mình cùng nhau nghĩ xem: nếu không vào trường công thì con có thể học ở đâu để phát huy tốt nhất năng lực và sở thích?”.
Sự điềm tĩnh và bao dung của mẹ đã giúp Mai Anh lấy lại tinh thần. Chỉ sau một ngày, em chủ động đề xuất phương án nộp hồ sơ vào một trường ngoài công lập có chương trình song ngữ.
“Đó chính là điều kỳ diệu của sự đồng hành không phán xét. Khi cha mẹ đặt sự thấu hiểulên trước thành tích, các con sẽ không thấy mình thất bại mà thấy mình đang được tin tưởng để lựa chọn lại”, chuyên gia Quách Thu Quế chia sẻ.

Ảnh minh họa
Đại học không phải là cánh cửa duy nhất
Với các học sinh lớp 12, những ngày sau kỳ thi THPT Quốc gia cũng đầy chênh vênh. Có em đạt điểm cao nhưng vẫn hoang mang chọn ngành. Có em trượt nguyện vọng mơ ước, lạc lõng giữa những hướng đi chưa định hình.
“Tôi gặp nhiều học sinh đạt 27 – 28 điểm nhưng vẫn lo lắng, mất ngủ vì các em không biết mình thực sự muốn gì. Trong khi đó, một số em khác thi điểm không cao nhưng rất rõ ràng về hướng đi – học nghề, du học nghề, hoặc gap year để trải nghiệm rồi mới chọn lại ngành. Chính những em này mới là người vững vàng hơn trong tương lai”, chuyên gia kể.
TS. Thu Quế nhấn mạnh rằng đại học không phải là con đường duy nhất. Thành công bây giờ cần sự linh hoạt, kỹ năng thực tế và khả năng học hỏi suốt đời. Tấm bằng đại học quan trọng nhưng không còn là chiếc chìa khóa vạn năng như trước kia.
Theo chuyên gia Quách Thu Quế, dù là học sinh lớp 9 hay lớp 12, sau khi biết điểm thi, điều cần nhất không phải là chạy theo ngành “hot” hay trường “top”, mà là ngồi lại để hiểu rõ bản thân: mình giỏi gì, yêu gì, hợp với môi trường nào và muốn sống cuộc đời ra sao.
“Không nên chọn ngành vì bố mẹ bảo ‘ngành này dễ xin việc’. Cũng không nên chọn trường vì bạn bè rủ rê. Hãy chọn thứ khiến mình thực sự muốn học, muốn gắn bó. Khi phù hợp, tự khắc sẽ có động lực để đi xa", chuyên gia nói.
TS. Thu Quế cũng khuyên phụ huynh nên khuyến khích con tìm hiểu thêm thông tin ngành nghề, tham vấn từ chuyên gia hướng nghiệp hoặc kết nối với sinh viên đang học ngành mà con quan tâm. Đặc biệt, hãy cùng con lên “phương án B” rõ ràng để con không sụp đổ nếu kết quả không như kỳ vọng.
Một kỳ thi không thể quyết định cả cuộc đời
Kỳ thi vào 10 hay tốt nghiệp THPT đều chỉ là một cột mốc. Quan trọng hơn là con đường mỗi em sẽ đi sau đó. Và điều quyết định chất lượng của con đường ấy không nằm ở bảng điểm mà nằm ở sự thấu hiểu, tin tưởng và lựa chọn đúng đắn.
Như chuyên gia Quách Thu Quế đã nói: “Không có con đường nào hoàn hảo, chỉ có con đường phù hợp nhất với mỗi người. Hãy để trẻ được lựa chọn đứng trên đôi chân của chính mình".