Gen Z 'vỡ mộng' team building

Từng được xem là 'chất keo' gắn kết tinh thần đồng đội, nhưng các hoạt động team building hiện nay đang dần trở thành 'cơn ác mộng' đối với không ít Gen Z tại môi trường công sở.

Team building hay "hành xác" tập thể?

Cầm trên tay lịch trình team building 3 ngày 2 đêm tại một bãi biển, Thùy Linh (23 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội) không cảm thấy chút hứng thú nào. Trong đầu cô gái trẻ chỉ hiện lên viễn cảnh những trò chơi vận động hò hét dưới nắng gắt, những màn giới thiệu bản thân gượng gạo và cả những bữa tiệc tối mà mọi người buộc phải "quẩy" hết mình để làm hài lòng cấp trên.

Thùy Linh đã từng bị cảm nắng trong một buổi team building cùng công ty.

Thùy Linh đã từng bị cảm nắng trong một buổi team building cùng công ty.

"Đối với mình, team building chẳng khác gì một buổi 'hành xác'. Mình là người hướng nội, việc phải liên tục giao tiếp và tỏ ra năng nổ trước đám đông khiến mình thấy mệt lắm.

Mình từng tham gia một chuyến team building của công ty, được tổ chức ở bãi biển giữa tháng 7. Hôm đó thời tiết nắng nóng, oi bức nên mình cảm thấy vô cùng mệt mỏi, sau buổi đó mình bị cảm nắng. Mình thấy không ai thật sự cảm thấy được kết nối hơn mà chỉ thấy mệt thôi.

Vì vậy, mình chỉ muốn cuối tuần được ở nhà nghỉ ngơi, 'sạc pin' sau một tuần chạy deadline mệt nhoài, chứ không phải tham gia một 'tuần làm việc' khác dưới một cái tên mỹ miều hơn", Linh cho hay.

Không chỉ Thùy Linh, cảm giác "sợ" team building đang là tình trạng chung trong giới nhân viên văn phòng trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z (những người sinh từ khoảng năm 1997 đến 2012). Trên các diễn đàn mạng xã hội, ta không khó để bắt gặp những dòng trạng thái, những bài viết than thở mỗi khi mùa team building đến. Các cụm từ như "ám ảnh", "giả trân", "vô tri", "mệt mỏi" được dùng để miêu tả những hoạt động vốn được tạo ra với mục đích tốt đẹp là xây dựng tinh thần tập thể.

Đặng Khánh Linh (22 tuổi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền), hiện đang làm nhân viên văn phòng ở Hà Nội, chia sẻ rằng cô nàng từng rất mong chờ những chuyến đi team building. Tuy nhiên, chỉ sau hai lần tham gia, cảm xúc háo hức ban đầu nhanh chóng bị thay thế bằng nỗi sợ hãi thường trực mỗi mùa team building đến.

“Mỗi năm công ty tổ chức một chuyến 3 ngày 2 đêm vào mùa hè. Lịch trình thì dày đặc trò chơi, ăn uống, gala... nhưng đi nghỉ mà không được nghỉ ngơi. Có lần, giữa trời nắng chang chang, đồng đội gọi mình ra bãi biển chơi team building. Sức khỏe mình vốn không tốt nên những hoạt động ấy giống như cực hình vậy. Lúc đó, mình thì chỉ muốn nằm yên một chỗ, nghỉ ngơi trong khách sạn thôi”, Linh kể.

Trải nghiệm tồi tệ từ chuyến team building năm ngoái vẫn là một ký ức khó phai đối với Thu Trang (24 tuổi, Hà Nam). Cô chia sẻ rằng cảm giác bị ép tham gia những trò chơi có yếu tố động chạm cơ thể quá mức đã khiến bản thân mất hết thiện cảm với các hoạt động tập thể của công ty.

Trang trong chuyến đi Mộc Châu năm ngoái.

Trang trong chuyến đi Mộc Châu năm ngoái.

"Mình vẫn còn ám ảnh trò chơi ép bóng bay bằng cơ thể trong chuyến team building Mộc Châu năm ngoái", Trang kể lại, giọng vẫn còn chút ngán ngẩm:

"Việc bị ghép cặp với một đồng nghiệp nam và chơi trò chơi nhạy cảm như vậy trước sự chứng kiến và hò reo của tất cả mọi người khiến mình cảm thấy vô cùng ngượng ngùng. Mình không hiểu nó giúp 'gắn kết' ở điểm nào?"

Các báo cáo từ Gallup và Deloitte chỉ ra rằng Gen Z là thế hệ cảm thấy căng thẳng và lo âu ("anxious") nhiều nhất trong môi trường công sở. Áp lực công việc, sự bất an và chứng "burnout" (kiệt sức) là những vấn đề phổ biến, khiến họ không còn năng lượng cho các hoạt động tập thể bị xem là không cần thiết. Theo đó, người trẻ cần một môi trường làm việc nơi họ cảm thấy an toàn để là chính mình, để đóng góp ý kiến và thậm chí là thất bại mà không sợ bị phán xét. Các hoạt động team building gượng ép, với áp lực phải "thể hiện", đi ngược lại với nhu cầu này.

Cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh

Đứng ở góc độ người trong cuộc, Thùy Linh cho rằng, để hoạt động team building trở nên ý nghĩa, trước hết nó phải xuất phát từ nhu cầu và mong muốn thực sự của người tham gia: "Công ty nên có những khảo sát nhỏ về sở thích, tính cách và mức độ thoải mái của các thành viên, từ đó mới có thể thiết kế được những hoạt động thực sự phù hợp".

Bên cạnh đó, Linh cũng chỉ ra những yếu tố thực tế thường bị xem nhẹ nhưng lại có tác động lớn đến trải nghiệm của nhân viên. Theo Linh, việc tổ chức các hoạt động ngoài trời giữa mùa hè nắng gắt có thể khiến người tham gia kiệt sức và chỉ muốn tìm cách về phòng nghỉ ngơi càng nhanh càng tốt. Cô nàng tin rằng không nhất thiết phải ồn ào hay vận động nhiều mới là “gắn kết”. Thay vào đó, những hoạt động nhẹ nhàng với yếu tố tương tác vừa đủ để khơi gợi sự thấu hiểu và kết nối sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn rất nhiều.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Nam Anh, hiện đang công tác tại Viện Đại học California tại Davis – UC Davis, Mỹ phân tích: "Một trong những sai lầm lớn nhất của các hoạt động team building truyền thống là áp dụng một công thức chung cho tất cả mọi người. Các trò chơi thường này được thiết kế cho người hướng ngoại, yêu thích sự ồn ào, cạnh tranh. Điều này vô tình đẩy những người hướng nội vào thế bị động, lạc lõng và thậm chí cảm thấy mình là người ngoài cuộc".

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Nam Anh.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Nam Anh.

Ông chỉ ra rằng Gen Z là thế hệ lớn lên cùng internet và mạng xã hội, có ý thức rất cao về ranh giới cá nhân. Việc bị buộc tham gia những trò chơi có yếu tố đụng chạm cơ thể, thô tục bị xem là hành động xâm phạm thân thể. Hơn nữa, những chuyến đi team buiding thường được tổ chức vào cuối tuần, thời gian quý báu để nhân viên nghỉ ngơi nên khiến nhiều người không có hứng thú tham gia bởi hiện nay, người trẻ thường đề cao sự cân bằng công việc - cuộc sống (work-life balance).

Bên cạnh đó, Gen Z với khoảng cách thế hệ, sẽ cảm thấy không phù hợp với các hoạt động team building truyền thống, đôi khi mang tính chất "nhí nhố", được thiết kế bởi các thế hệ trước.

Theo chuyên gia, thế hệ trẻ ngày nay mong muốn sự gắn kết đến từ bên trong: sự tôn trọng ý kiến, sự công nhận đóng góp và sự hỗ trợ lẫn nhau trong công việc hàng ngày. Họ có "radar" rất nhạy với sự "giả trân". Một công ty có văn hóa độc hại thì dù có tổ chức bao nhiêu chuyến team building hoành tráng cũng không thể che lấp được sự rệu rã bên trong.

"Nói cách khác, Gen Z không 'mua' sự gắn kết bề nổi. Họ cần một văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, nơi họ cảm thấy an toàn về mặt tâm lý để phát triển. Team building chỉ là phần ngọn, văn hóa công ty mới là gốc rễ".

Có lẽ, hoạt động team building hiệu quả nhất chính là xây dựng một văn hóa doanh nghiệp mà ở đó, không ai cần phải 'chạy trốn', và mỗi cá nhân đều cảm thấy tự hào khi được là một phần của tập thể".

"Có lẽ, hoạt động team building hiệu quả nhất chính là xây dựng một văn hóa doanh nghiệp mà ở đó không ai cần phải 'chạy trốn', và mỗi cá nhân đều cảm thấy tự hào khi được là một phần của tập thể", ông kết luận.

Ảnh: NVCC

Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/gen-z-vo-mong-team-building-post1758856.tpo