Gia Lâm: Khai mạc Hội Gióng đền Phù Đổng năm 2024

Tối 14-5, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, UBND huyện Gia Lâm đã tổ chức khai mạc Hội Gióng đền Phù Đổng năm 2024.

Các đại biểu và nhân dân dự khai mạc Lễ hội Gióng. Ảnh: Ánh Dương.

Các đại biểu và nhân dân dự khai mạc Lễ hội Gióng. Ảnh: Ánh Dương.

Đây cũng là một trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024); chào mừng huyện Gia Lâm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Tuần văn hóa du lịch Gia Lâm năm 2024 và kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024)...

Nét độc đáo của lễ hội Gióng là tính cộng đồng với Hội Trận. Ảnh: Ánh Dương.

Nét độc đáo của lễ hội Gióng là tính cộng đồng với Hội Trận. Ảnh: Ánh Dương.

Phát biểu khai mạc lễ hội, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học cho biết: Gia Lâm là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, nơi giao thoa của hai dòng văn hóa Thăng Long - Kinh Bắc, mảnh đất “địa linh” sinh “nhân kiệt” và là quê hương của Đức Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương, một trong “Tứ thánh bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Câu chuyện về cậu bé Làng Gióng từ lâu đã in dấu trong mỗi thế hệ con người Việt Nam như một biểu tượng về lòng hiếu thảo, về tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông bờ cõi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học phát biểu. Ảnh: Ánh Dương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học phát biểu. Ảnh: Ánh Dương.

Để ghi nhớ công ơn của chàng trai làng Gióng, triều đình đã phong cho Ngài là “Phù Đổng Thiên Vương”, mẹ Gióng là “Thánh mẫu bảo vương”, cho lập đền thờ tại quê nhà. Khu di tích thờ Thánh Gióng với 10 địa điểm liên quan: Đền Thượng thờ Thánh Gióng; đền Hạ thờ Thánh Mẫu; miếu Ban - nơi ghi tích sinh Thánh; Cố viên, nơi ghi lại sự tích vườn cà có dấu chân lạ khổng lồ...

Trong đó nổi bật là đền Phù Đổng (hay còn gọi là đền Thượng) với quy mô bề thế, gồm nhiều hạng mục kiến trúc, hiện còn bảo lưu được những mảng chạm khắc mang đậm phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII-XVIII, kiến trúc đình làng vùng châu thổ Bắc Bộ. Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng, xã Phù Đổng đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.

Bộ chỉ huy của Hội trận Phù Đổng gồm các ông Hiệu: Hiệu Cờ, Hiệu Trống, Hiệu Chiêng, Hiệu Trung quân và Hiệu tiểu cổ. Ảnh: Ánh Dương.

Bộ chỉ huy của Hội trận Phù Đổng gồm các ông Hiệu: Hiệu Cờ, Hiệu Trống, Hiệu Chiêng, Hiệu Trung quân và Hiệu tiểu cổ. Ảnh: Ánh Dương.

Hội Gióng là lễ hội với quy mô hoành tráng, được các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học đánh giá là kịch trường dân gian rộng lớn, mô phỏng một cách sinh động diễn biến các trận đấu của Thánh Gióng và nhân dân Văn Lang trong cuộc chiến chống giặc Ân, thông qua đó giáo dục lòng yêu nước, ý chí quật cường và khát vọng về một cuộc sống thịnh vượng cho mỗi gia đình, về một nền hòa bình cho quốc gia và thế giới.

Hội Gióng đền Phù Đổng đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2010.

Hội Gióng đền Phù Đổng năm 2024 được tổ chức gắn với Tuần văn hóa du lịch Phù Đổng, diễn ra từ ngày 8-5-2024 đến ngày 17-5-2024.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/gia-lam-khai-mac-hoi-giong-den-phu-dong-nam-2024-666302.html