Giải bài toán giảm nghèo ở Mường Lý
Với đặc thù địa hình đồi núi phức tạp, đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, thiếu nước tưới vào mùa khô, kinh tế chủ yếu lại dựa vào trồng ngô, sắn, lúa nương... khiến cuộc sống của người dân xã vùng cao Mường Lý (Mường Lát) gặp nhiều vất vả, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao, đặc biệt ở các bản vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn.
Từ câu chuyện “trồng con gì, nuôi con gì”...
Mường Lý hiện có trên 5.617 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 64,42%, có 15 bản, trong đó có 9 bản người dân tộc Mông, còn lại là các bản người dân tộc Thái, Mường và các dân tộc khác. Từ bao đời nay, người dân sinh sống chủ yếu theo kiểu tự cung, tự cấp, nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định, kỷ thuật canh tác còn hạn chế, việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp chưa cao. Hơn nữa, một số hoạt động tôn giáo, truyền đạo trái pháp luật vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, các vụ tội phạm ma túy có chiều hướng gia tăng. Tại một số bản, như: Trung Thắng, Xa Lung chưa có điện lưới quốc gia...
Do tập quán canh tác manh mún, nhỏ lẻ, vợ chồng anh Sùng A Cáng (dân tộc Mông, bản Trung Thắng) luôn loay hoay với bài toán trồng con gì, nuôi con gì để đem lại hiệu quả kinh tế ổn định, lâu dài. Với vài sào sắn, ít lúa nương, chăn nuôi thêm ít gà, ngan... cuộc sống cũng chỉ tạm ổn. Vì thiếu điện lưới nên việc tiếp cận thông tin, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trở nên hạn chế.
Theo trưởng bản Sùng A Khoa, Trung Thắng là một trong 9 bản Mông khó khăn của xã, với 100% hộ nghèo. Do điều kiện đất đai khô cằn, thiếu nước tưới, cây trồng chính của bà con phụ thuộc vào ít diện tích ngô, sắn, lúa nương nên năng suất thường bấp bênh. Nhiều hộ dân phải nhận hỗ trợ gạo từ Nhà nước cũng như nhiều chương trình, dự án giảm nghèo khác. Khó khăn không chỉ có vậy, bản hiện chưa có nước sinh hoạt, nhà văn hóa. Đặc biệt, việc không có điện lưới ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất và sinh hoạt, trẻ em không có điện sáng để học tập vào buổi tối, người dân không tiếp cận được thông tin, kiến thức để phát triển kinh tế. Với họ, chuyện xem ti vi, sử dụng các thiết bị điện tử, mua máy móc hỗ trợ giải phóng sức lao động, tăng năng suất trong trồng trọt và chăn nuôi... vẫn là ước mơ.
... Đến ý chí thoát nghèo của người dân
Thời gian qua, bên cạnh việc tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án trong phát triển sinh kế, chính quyền địa phương còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tìm hướng đi phù hợp trong phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo. Ngoài chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã còn khuyến khích các hộ dân chuyển đổi diện tích xoan kém phát triển sang trồng cây giang lấy lá xuất khẩu, luồng, quế, măng tre Bát độ...
Đầu năm 2024, xã đã phối hợp với một doanh nghiệp ở tỉnh Phú Thọ thực hiện mô hình trồng cây giang lấy lá xuất khẩu. Để vận động được người dân tham gia, lãnh đạo xã đã đưa những người đăng ký mô hình này đi tham quan mô hình, học hỏi kinh nghiệm thực tế ở tỉnh Hà Giang, Phú Thọ.... Công ty đã triển khai cấp giống, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc, bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân. Đến nay, toàn xã có trên 71.000 cây được trồng trải dài ở 9 bản với diện tích trên 100ha. Theo một số hộ dân, cây giang lấy lá trồng một năm cho thu hoạch lứa đầu, năm thứ hai trở đi có thể thu hoạch lấy lá từ 2 - 3 lần, mức giá bán khoảng từ 10.000 - 15.000/kg lá tươi.
Không chỉ vậy, tại Mường Lý, người dân còn mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, điển hình như bản Nàng 1. Bản hiện có 76/81 hộ vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ trên 6,4 tỷ đồng, chủ yếu chăn nuôi trâu, bò sinh sản, riêng nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Trung Sơn là 5 hộ. Cũng như bao gia đình khác, trước đây cuộc sống của hộ ông Lương Văn Núi (bản Nàng 1) chồng chất khó khăn, dù làm đủ công việc nhưng kinh tế cũng chẳng dư dật. Năm 2021, ông vay 70 triệu đồng mua bò, dê sinh sản. Nhờ chăm chỉ, cần cù, chịu khó học hỏi, tiếp thu các tiến bộ khoa học, kỹ thuật... đến nay đàn vật nuôi sinh trưởng tốt, không ngừng tăng số lượng tổng đàn theo từng năm. Nhờ vậy, có thêm nguồn thu nhập, trang trải cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Ông Lê Hữu Chuân, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lý cho biết: “Thời gian qua, song song với việc ưu tiên triển khai những vấn đề bức thiết như nâng cao chất lượng an sinh xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, hạn chế các hoạt động tôn giáo, truyền đạo trái pháp luật... chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi tư duy, nhận thức, tập trung phát triển sản xuất, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo trong Nhân dân. Đặc biệt, từ khi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về XDNTM bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Theo lộ trình, từ nay đến cuối năm địa phương phấn đấu thêm một bản về đích, nâng tổng số lên thành 6 bản đạt chuẩn NTM...”
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/giai-bai-toan-giam-ngheo-o-muong-ly-34054.htm