Giải pháp phát triển kinh tế chia sẻ ở Việt Nam

Hoạt động của mô hình kinh tế chia sẻ gây ra nhiều gây tranh cãi, từ vấn đề mang tính học thuật như khái niệm đến thực trạng hoạt động của mô hình này. Dựa trên việc nghiên cứu về mô hình kinh tế chia sẻ và thực trạng hoạt động của một số mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam, tác giả đưa ra cơ sở lý luận về mô hình này và một số gợi ý chính sách nhằm quản lý và thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ phát triển.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mô hình kinh tế chia sẻ và vai trò của Nhà nước trong quản lý mô hình kinh tế chia sẻ

Khái niệm của mô hình kinh tế chia sẻ

Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều nghiên cứu về mô hình kinh doanh mới nổi dựa vào internet để tạo ra mạng lưới ngang hàng, dựa vào công nghệ định vị để khớp nối cung và cầu thời gian theo thời gian thực. Xem xét ở góc độ thực tiễn, các công ty hoạt động thông qua nền tảng công nghệ để tạo ra một mạng lưới ngang hàng mà ở đó mọi người đều có thể chia sẻ bất cứ hàng hóa, dịch vụ hay ý tưởng nào đó... có thu phí hoặc không thu phí đều coi mình là công ty hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ (KTCS). Tuy nhiên, khi xem xét từng mô hình công ty KTCS lại thấy phạm vi hoạt động của các mô hình này tuy khác nhau nhưng lại có những phần chồng lấn lên nhau. Chính điều này đã dẫn đến sự không thống nhất trong khái niệm và phạm vi của mô hình KTCS.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy có những dấu hiệu chung mà hiện này các nhà nghiên cứu đều thống nhất để nhận biết về mô hình KTCS như sau: (i)quyền sở hữu và quyền sử dụng tài sản hoặc dịch vụ không thống nhất; (ii) tạo ra mạng lưới ngang hàng không qua cơ sở trung gian; (iii) dựa trên nền tảng công nghệ và internet; (iv) giảm gánh nặng chi phí cá nhân và chi phí môi trường.

Với những phân tích ở trên cùng với việc nghiên cứu thực tiễn một vài mô hình KTCS hiện đang vận hành ở Việt Nam, tác giả đề xuất một khái niệm về mô hình KTCS phù hợp với thực tiễn Việt Nam như sau: Mô hình KTCS là mô hình kinh doanh ngang hàng thông qua nền tảng nhằm cấp quyền sử dụng tài sản, hàng hóa hay dịch vụ trong ngắn hạn và có thu phí. Theo đó, tác giả nhấn mạnh đến việc chỉ chuyển giao quyền sử dụng tài sản chứ không có việc chuyển giao quyền sở hữu; hàng hóa hay dịch vụ được chia sẻ không nhất thiết là hàng hóa, dịch vụ đang chưa được sử dụng hết công suất. Do vậy, ở mô hình này có tồn tại hình thức công ty hoặc cá nhân có thể mua hàng hóa, dịch vụ để chia sẻ nhằm kiếm thêm thu nhập; hình thức chia sẻ này hoạt động thông qua một nền tảng và ở khái niệm này không tồn tại hình thức chia sẻ miễn phí.

Vai trò của Nhà nước trong quản lý mô hình kinh tế chia sẻ

Võ Trí Thành (2019) khẳng định, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã mở ra kỷ nguyên mới trong phát triển và làm thay đổi phương thức sản xuất và quản lý. Để có thể đạt được mục tiêu phát triển kinh tế thì mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, khu vực công và khu vực tư cần phải thay đổi, đó là phân định rõ ràng mối quan hệ giữa các bên. Nhà nước cần làm tốt vai trò kiến tạo phát triển, tạo sân chơi bình đẳng giữa các chủ thể trong nền kinh tế. World Bank (2019) cũng cho rằng, Nhà nước có vai trò nòng cốt trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh, là một chủ thể với chức năng điều tiết, khắc phục sự thất bại của thị trường, tạo một sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, cá nhân và tạo thuận lợi cho việc cung cấp những dịch vụ và cơ sở hạ tầng công thiết yếu. Theo Noah Zon (2015), thay vì tập trung vào việc xem xét mức độ tương thích của mô hình KTCS với các quy định hiện hành thì các chính phủ nên nhân cơ hội này xem xét lại mục tiêu chính sách chính của mình và đánh giá các chính sách hiện hành có đáp ứng được các mục tiêu đó hay không.

Việc Nhà nước có các chính sách “nuôi dưỡng” hoặc “hạn chế” mô hình KTCS phụ thuộc vào nhận định và đánh giá của Nhà nước về mô hình này. Tuy nhiên những chính sách hay các quy định pháp luật phải đảm bảo mục tiêu tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo công bằng và thúc đẩy đổi mới.

Như vậy, trong quản lý mô hình KTCS, Nhà nước có các vai trò sau: Ban hành chính sách, pháp luật để tạo môi trường cho mô hình KTCS hoạt động; định hướng và điều tiết hoạt động của các mô hình KTCS, xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số nói chung và mô hình KTCS nói riêng, tổ chức bộ máy thực thi chính sách, pháp luật quản lý mô hình KTCS, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các mô hình KTCS.

Thực trạng hoạt động của mô hình kinh tế chia sẻ trong một số lĩnh vực tại Việt Nam

Hoạt động của mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực lưu trú

Airbnb xuất hiện ở Việt Nam từ đầu năm 2015. Theo báo cáo Home Sharing Vietnam Insight 2019 và Báo cáo đánh giá tác động xã hội của mô hình KTCS ở Việt Nam do Bùi Nhật Quang và cộng sự thực hiện 2021, các chủ nhà (host) của Việt Nam có xu hướng đăng phòng cho thuê trên nhiều nền tảng cùng lúc. Khởi đầu vào năm 2015 với con số 1.000 chủ nhà niêm yết (listing) trên Airbnb Việt Nam, đến cuối năm 2019, con số này đã tăng trên quá 40.000 (listing).

Ngoài ra, Airbnb còn phát triển ở các địa phương khác như Khánh Hóa, Quảng Nam, Lâm Đồng, Vũng Tàu…. Tuy nhiên, quy mô không lớn bằng 3 trung tâm là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Nguồn: AIRDNA (www.airdna.co)

Hiện nay, khung pháp lý Việt Nam chưa có quy định về việc đăng ký kinh doanh theo mô hình cho thuê phòng ngắn ngày này. Theo Điều 6, Luật Nhà ở 2014 cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở. Tuy nhiên, Luật này lại thừa nhận quyền cho thuê của chủ nhà nhưng lại không được phép đăng ký kinh doanh tại căn hộ chung cư. Luật Du lịch (2017), Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch đã đưa thêm loại hình cơ sở lưu trú du lịch là căn hộ du lịch (căn hộ có trang thiết bị, dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch. Khách có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú); nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (Nhà ở có khu vực được bố trí trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê lưu trú; khách cùng sinh hoạt với gia đình chủ nhà). Theo đó, các chủ nhà tham gia cung ứng dịch vụ chia sẻ phòng ở sử dụng ứng dụng nền tảng, gồm: chủ nhà có phòng trống và chia sẻ phòng này cho khách thuê; chủ nhà có một hay nhiều căn nhà, căn hộ cho khách thuê (thuê toàn bộ căn nhà hay căn hộ). Các cá nhân cung cấp nhà ở căn hộ, phòng ở cho thuê phải đáp ứng các quy định liên quan đến chất lượng như không gian, điện, nước, vệ sinh môi trường, an toàn phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự theo quy định và phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Như vậy, có thể thấy các quy định trong các luật hiện nay chưa đồng bộ, thống nhất. Điều này làm cho việc gia nhập thị trường chia sẻ có thể khó khăn đối với các chủ nhà cho thuê căn hộ ngắn ngày, dẫn đến việc khó quản lý và thất thu thuế.

Hoạt động của mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực vận chuyển

Hình 1: Mức độ sử dụng và yêu thích ứng dụng gọi xe Nguồn: Decision Lab và MMA Viet Nam, 2023

Hình 1: Mức độ sử dụng và yêu thích ứng dụng gọi xe Nguồn: Decision Lab và MMA Viet Nam, 2023

Theo Cục Cạnh tranh bảo vệ người tiêu dùng doanh thu của các doanh nghiệp trong thị trường xe công nghệ của Việt Nam khoảng 2,4 tỷ USD tương đương khoảng 57 nghìn 200 tỷ đồng vào năm 2021. Cũng theo Cục Cạnh tranh, tốc độ tăng trưởng của thị trường xe công nghệ khoảng 30 – 35%/năm kể từ 2015. Hiện nay, trên thị trường gọi xe công nghệ của Việt Nam là sự cạnh tranh khốc liệt chủ yếu của các ông lớn là Grab, Be, Fast Go và Gojeck và Grab cũng đang dẫn đầu là ứng dụng gọi xe được sử dụng nhiều nhất trong quý I/2023.

Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 quy định kinh doanh và điều kiện KDVT bằng xe ô tô chính thức hợp pháp hóa mô hình của Grab và và các công ty tương tự khi các công ty này phải lựa chọn ngành nghề kinh doanh là vận tải và chịu sự quản lý như một công ty vận tải.

Sau khi Nghị định số 10/2020/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải, Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT quy định về quản lý, tổ chức hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, Nghị định số 47/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế được ban hành thì môi trường kinh doanh đã bình đẳng giữa các công ty ứng dụng công nghệ trong vận tải và công ty taxi truyền thống. Tuy nhiên, cũng có thể thấy các cơ quan quản lý đã nhận định về bản chất các công ty ứng dụng công nghệ trong vận tải mà điển hình là Grab là một doanh nghiệp kinh doanh vận tải và được quản lý như các đơn vị kinh doanh vận tải khác.

Đánh giá chung về hoạt động của mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam và một số khuyến nghị

Đánh giá về hoạt động của mô hình kinh tế chia sẻ

Trong nền kinh tế Việt Nam, các công ty theo mô hình KTCS hoạt động trong rất nhiều ngành nhưng hiện nay vẫn chưa có thống kê về sự đóng góp của các công ty này vào tăng trưởng kinh tế.

Theo đánh giá của Google (Báo cáo về kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á năm 2022) thì khu vực kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, năm 2019, khu vực kinh tế số của Việt Nam đạt trị giá 13 tỷ USD, năm 2021 tăng lên 18 tỷ USD và đã tăng nhanh lên đến 23 tỷ USD vào năm 2022. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này đến từ khu vực thương mại điện tử (chỉ số CAGR tăng 26% năm 2022), du lịch trực tuyến (chỉ số CAGR tăng 153% năm 2022) và vận tải và thực phẩm (chỉ số CAGR tăng 17% năm 2022). Báo cáo này cũng dự báo khu vực kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt giá trị 49 tỷ USD vào năm 2025.

Một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện khung pháp lý quản lý mô hình kinh tế chia sẻ

Để hoàn thiện khung pháp lý quản lý mô hình kinh tế chia sẻ, cần chú trọng các nội dung sau:

Thứ nhất, ban hành quy định chung về ngưỡng dành cho người chuyên nghiệp và bán chuyên để làm căn cứ cho các luật chuyên ngành. Điều này giúp cho việc vẫn giữ được những quy định về kinh doanh, hành nghề, các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng vẫn còn phù hợp hiện đang được áp dụng cho các mô hình kinh doanh truyền thống, từ đó tránh tốn kém ngân sách cho việc xây dựng luật mới, tạo điều kiện cho những người bán chuyên có cơ hội tìm kiếm việc làm và thu nhập, phát huy được điểm mạnh của mô hình KTCS.

Thứ hai, ban hành thông tư hướng dẫn thi hành các quy định khung trong Bộ luật Lao động 2019 về mối quan hệ, quyền và lợi ích hợp pháp, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trong khu vực việc làm phi chính thức.

Thứ ba, sửa đổi và bổ sung các vấn đề về quy định trị pháp lý của hợp đồng điện tử; giá trị pháp lý của hợp đồng giao kết qua hệ thống thông tin tự động; nền tảng thương mại điện tử; nền tảng mạng xã hội; chữ ký điện tử, chứng thực điện tử, giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; giá trị pháp lý của giao dịch điện tử; định danh và xác thực điện tử; an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử; thanh toán xuyên biên giới; tranh chấp và xử lý vi phạm trong giao dịch điện tử.

Thứ tư, thống nhất các định nghĩa chung như thông tin cá nhân người tiêu dùng, dữ liệu cá nhân người tiêu dùng, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng.

Tài liệu tham khảo:

Bùi Nhật Quang (2021), “Đánh giá tác động xã hội của mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam”, Đề tài cấp Bộ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, 176 trang;Võ Trí Thành (2019), “Cải cách thể chế, xây dựng nhà nước pháp quyền”-Việt Nam thời chuyển đổi số, NXB Thế giới, Hà Nội;Juliet Schor (2014), “Debating the Sharing Economy”, https://greattransition.org/publication/debating-the-sharing-economy;World Bank (2019), “Understanding the role of governance in the sharing economy”, g-economy.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2023

Nguyễn Thị Hải Hà, ThS. Nguyễn Thị Hải Hà - Học viện Hành chính Quốc gia

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/giai-phap-phat-trien-kinh-te-chia-se-o-viet-nam.html