Giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn cho doanh nghiệp sau đại dịch

Đánh giá cao những giải pháp triển khai tháo gỡ khó khăn về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn trước Quốc hội. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, các giải pháp này cần cụ thể hơn nữa và khơi thông những điểm nghẽn để nhanh chóng hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Theo các đại biểu, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đã giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên còn một số điểm nghẽn trong việc triển khai cơ chế chính sách về tài khóa, tiền tệ cần sớm được khơi thông để tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế phục hồi. Đặc biệt, khi sức chống chịu của người dân và doanh nghiệp đã bị bào mòn sau đại dịch cần được hồi sức.

Ông ĐỖ HUY KHÁNH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Với cá nhân của tôi vừa là đại biểu vừa là người dân thì tôi cho rằng chính sách phục hồi đại dịch phải đi vào thực tế. Bộ trưởng phải căn cơ, phải tìm hiểu rõ nguyên nhân, nhưng giải pháp cụ thể để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.Vì đôi khi tiền bạc, ngân sách đưa ra nhưng chính sách không hiệu quả, không phù hợp thì cũng không thúc đẩy cho nền kinh tế phát triển.”

Bà NGUYỄN TRẦN PHƯỢNG TRÂN, Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh: “Đối với lĩnh vực của tôi thì tôi rất quan tâm đến việc là cần có những chính sách, khi mà chính phủ đã quyết định rồi thì đối với với các ngành, đặc biệt là ngành tài chính phải hỗ trợ kịp thời cho người lao động để họ yên tâm lao động sx trong giai đoạn hiện nay để góp phần phục hồi kinh tế sau cái đại dịch.”

Về giải pháp tài khóa tiền tệ, đại biểu cũng lưu ý, Bộ Tài chính cần có những bước đột phá hơn nữa trong việc phối hợp tổ chức thực hiện, tháo gỡ những khó khăn về thủ tục hỗ trợ giải ngân, vay vốn để giúp các doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất.

Bà NGUYỄN THỊ NHƯ Ý, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: “Phần của Bộ trường thì tôi thấy được sự đồng thuận. Tuy nhiên bên cạnh đó cần phân tích rõ hơn nữa và giải pháp cụ thể hơn nữa trong thời gian tới. Bởi vì bên cạnh về phát triển kinh tê nó gắn với doanh nghiệp thì đời sống của người lao động cũng sẽ được cải thiện hơn và cũng có những bước phục hồi nó bền vững hơn sau khi chúng ta vượt qua đại dịch.”

Các đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ ra được “địa chỉ”, đâu là điểm nghẽn do chủ quan để sớm khắc phục và có giải pháp. Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay chưa giải ngân đủ 10% so với tổng nguồn lực đã quyết trong Nghị quyết 43 của Quốc hội.

Thực hiện : Tiến Dũng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/giai-phap-thao-go-diem-nghen-cho-doanh-nghiep-sau-dai-dich