Giành lại sự sống cho bé 8 tuổi ngừng tim, ngừng thở do đuối nước
Một bé trai 8 tuổi rơi vào tình trạng ngừng tim, ngừng thở sau tai nạn đuối nước vừa được các y bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An giành lại sự sống kỳ diệu nhờ áp dụng kỹ thuật hồi sức chuyên sâu.
Ngày 10/7, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) cho biết, vừa cứu sống bệnh nhi H.C. (8 tuổi, trú Hà Tĩnh) bị đuối nước, rơi vào tình trạng ngừng tim, ngừng thở nhờ áp dụng kỹ thuật hồi sức chuyên sâu.

Sau gần 3 tuần điều trị tích cực, bé C. đã cai máy thở, sức khỏe ổn định hơn.
Trước đó, chiều 22/6, cháu H.C. tắm sông bị đuối nước khoảng 10 phút. Khi được người dân phát hiện và đưa lên bờ, C. đã tím tái, ngừng thở, ngừng tim.
Người thân nhanh chóng sơ cứu tại chỗ và đưa C. tới bệnh viện cấp cứu. Tại đây, bé được đặt ống nội khí quản rồi chuyển khẩn cấp tới Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng hôn mê sâu, bóp bóng qua ống thở.
Tiếp nhận một ca bệnh nhi trong tình trạng ngưng tuần hoàn kéo dài, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc áp dụng phác đồ hồi sức chuyên sâu với quyết tâm cao cứu sống cháu bé.
BS.CKII Nguyễn Hùng Mạnh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc cho biết, khi tim ngừng đập, não và các cơ quan quan trọng khác sẽ bị thiếu oxy nghiêm trọng. Sau khi tim đập trở lại, quá trình tái tưới máu đột ngột có thể gây ra hàng loạt phản ứng viêm và tổn thương tế bào thứ phát, đặc biệt là ở não. Chính vì vậy, đội ngũ y bác sĩ và gia đình bé C. thống nhất áp dụng các kỹ thuật hồi sức chuyên sâu cho trẻ. Từ đó sẽ ngăn chặn đáng kể quá trình tổn thương cơ thể, giúp tăng cơ hội sống sót và hạn chế tối đa các biến chứng.
Sau 70 giờ theo dõi sát sao để giành lấy sự sống, tình trạng của bé C. có tiến triển khi tri giác được cải thiện, có phản xạ tốt. Bệnh nhi được chuyển sang thở máy và sau gần 3 tuần điều trị tích cực, hiện đã cai máy thở, sức khỏe ổn định hơn.
Thời gian gần đây, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc tiếp nhận và cứu sống nhiều bệnh nhi đuối nước nặng. Tất cả đều rơi vào trạng thái ngừng thở, ngừng tim trước khi nhập viện.

Một bệnh nhi nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sau ngừng tim do bị đuối nước được cứu sống thần kỳ.
Điểm chung của các trường hợp này là thời gian ngừng tuần hoàn kéo dài, nguy cơ tử vong hoặc sống đời thực vật rất cao. Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, năng lực chuyên môn cao và quyết tâm của đội ngũ y bác sĩ, nhiều bệnh nhi được cứu sống và phục hồi tốt, thậm chí không để lại di chứng nặng.
Bên cạnh thành công trong cấp cứu, các bác sĩ cũng nhấn mạnh điều quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa. Đuối nước là tai nạn có thể cướp đi sinh mạng trẻ chỉ trong vài phút và điều đáng buồn là phần lớn các trường hợp đều có thể tránh được nếu có sự giám sát chặt chẽ từ người lớn, giáo dục kỹ năng phòng vệ trong môi trường nước.
Trong tình huống trẻ bị đuối nước, việc sơ cứu đúng và kịp thời có thể tạo khác biệt giữa sự sống và cái chết. Nếu trẻ bất tỉnh, ngừng thở, ngừng tim cần thực hiện ngay hồi sức tim phổi (ép tim ngoài lồng ngực và thổi ngạt) tại hiện trường. Sau khi sơ cứu, phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, không chần chừ.
"Mỗi phụ huynh nên được trang bị kiến thức cơ bản về cấp cứu đuối nước. Việc phát hiện và can thiệp sớm trước khi đến bệnh viện là yếu tố quyết định tiên lượng sống còn của trẻ", BS.CKII Nguyễn Hùng Mạnh nói.