Giúp doanh nghiệp lương thực, thực phẩm mở rộng sản xuất, kinh doanh

Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai nhiều chính sách, chiến lược để thúc đẩy ngành chế biến lương thực, thực phẩm phát triển theo hướng bền vững. Đến nay, nhóm ngành này chiếm từ 14-15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, là một trong bốn ngành công nghiệp trọng yếu ưu tiên phát triển của thành phố.

Hoạt động Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp lương thực, thực phẩm và các nhà phân phối tại Triển lãm HCMC FOODEX 2025.

Hoạt động Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp lương thực, thực phẩm và các nhà phân phối tại Triển lãm HCMC FOODEX 2025.

Theo các chuyên gia, ngành lương thực, thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia. Sự phát triển của ngành này không chỉ hỗ trợ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của cư dân đô thị mà còn góp phần quan trọng vào phát triển tăng trưởng GDP, cũng như vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Các sản phẩm lương thực, thực phẩm của Việt Nam không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, cả ở các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản và châu Âu. Điều này cho thấy năng lực cạnh tranh và tiềm năng lớn của ngành này, khi các sản phẩm lương thực, thực phẩm của Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng ngày càng được ưa chuộng nhờ chất lượng cao và giá thành hợp lý.

Trong quý I/2025, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, với GRDP tăng hơn 7,5% so với cùng kỳ năm 2024; đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020 đến nay. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 316.600 tỷ đồng, tăng 14,2%, cho thấy sức mua và nhu cầu tiêu dùng trong nước tiếp tục tăng cao.

Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu của thành phố vẫn còn nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều phức tạp. Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp với việc triển khai nhiều giải pháp thiết thực và quyết liệt để hỗ trợ doanh nghiệp như đẩy mạnh thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, kết nối nguồn vốn hỗ trợ…

Ngành chế biến lương thực, thực phẩm giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, những năm qua, thành phố đã đề ra nhiều chính sách. Cụ thể, tháng 10/2024, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định 4700/QĐ-UBND phê duyệt Chiến lược phát triển ngành chế biến lương thực, thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chiến lược xác định xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, truyền thông và kết nối cung cầu là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu, xây dựng thương hiệu, phát triển kênh phân phối, khai thác thị trường tiềm năng, đưa ngành chế biến lương thực, thực phẩm vươn xa hơn trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, ngành lương thực, thực phẩm thành phố tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, xanh, bền vững, tăng cường truy xuất nguồn gốc và chuyển từ chế biến thô sang chế biến tinh để gia tăng giá trị.

Dự kiến từ nay đến năm 2050, ngành hướng tới tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ giá trị gia tăng đạt từ 7,5-8,5%/năm; tỷ trọng giá trị gia tăng ngành chế biến lương thực, thực phẩm trong toàn ngành công nghiệp đạt khoảng từ 13,5-14,5%. Ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được đẩy mạnh, tỷ trọng giá trị công nghiệp công nghệ cao trong ngành đạt tối thiểu 50%.

Mới đây, để mở rộng thị trường xuất khẩu, tìm cơ hội hợp tác đầu tư cho các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố phối hợp Hội Lương thực, thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Triển lãm Quốc tế ngành lương thực, thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh năm 2025 (HCMC FOODEX 2025). Triển lãm có 500 gian hàng, thu hút gần 400 đơn vị, tổ chức trưng bày, giới thiệu nhiều thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm của thành phố, cũng như các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước, các quốc gia đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia...

Tại triển lãm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh, triển lãm là hoạt động thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần giới thiệu tổng thể sự phát triển năng động của ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm thành phố, đồng thời quảng bá các sản phẩm có chất lượng và doanh nghiệp có thương hiệu uy tín trong ngành lương thực, thực phẩm, thúc đẩy các cơ hội hợp tác kinh doanh và thu hút nguồn lực đầu tư hiệu quả.

Đáng chú ý, trong khuôn khổ HCMC FOODEX 2025 đã diễn ra chương trình “Kết nối giao thương với các đơn vị phân phối trong và ngoài nước, các sàn thương mại điện tử”. Chương trình kết nối có sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm trong nước với 15 đơn vị phân phối và sàn thương mại điện tử hàng đầu trong và ngoài nước, như Central Retail, AEON, Winmart, Lotte, Amazon.com, Alibaba.com, Lazada…

Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, không chỉ trong nước mà còn vươn ra quốc tế. Theo ông Trần Phú Lữ, triển lãm đã khẳng định vị thế là sự kiện uy tín, chuyên nghiệp, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia triển lãm và kết nối giao thương. Triển lãm năm nay mang đến nhiều cơ hội hợp tác đầy tiềm năng cho doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, trong khuôn khổ triển lãm còn diễn ra chuỗi hội thảo tập trung vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam thông qua các giải pháp xuất khẩu, sản xuất bền vững và an toàn thực phẩm. Chuỗi hoạt động này cung cấp kiến thức chuyên sâu và giải pháp thực tiễn giúp doanh nghiệp thích ứng với xu hướng thị trường, tuân thủ quy định quốc tế và tối ưu hóa cơ hội phát triển trong thời gian tới.

KHÁNH TRÌNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/giup-doanh-nghiep-luong-thuc-thuc-pham-mo-rong-san-xuat-kinh-doanh-post877417.html