Góc nhìn đa chiều về nông thôn thời nay

Nếu bạn đọc muốn hiểu biết sâu sắc, toàn diện hơn về bức tranh nông thôn hiện nay thì nên tìm đọc cuốn tiểu thuyết 'Mùa rươi' của tác giả Phạm Quang Long (NXB Văn học 2022).

Bối cảnh tiểu thuyết là ngôi làng ven biển Đồng bằng Bắc Bộ, căn cứ đặc trưng của làng có “cánh đồng rươi” và những tập quán riêng, có thể nhận ra làng đó thuộc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Ngôi kể chuyện biết hết, cái gì cũng biết như một người dân “chính cư” của làng tái hiện một mô hình cuộc sống mới mẻ, sinh động, thời sự bằng thứ ngôn ngữ đời thường đậm chất nhà quê mộc mạc, chân chất, có gì nói nấy, có cả cái thông tục dân dã, lại có cả cái màu mè của ngôn ngữ học đòi phố thị...

Đó là chuyện buôn đất, bán đất, chuyện lấp ao bán lời, chuyện dồn điền đổi thửa, đấu thầu dự án, chuyện mở quán kinh doanh, chuyện xây chùa cúng bái, chuyện ma chay, cưới xin... Tất tần tật, nghĩa là những gì đang diễn ra ở nhà quê đều có thể tìm thấy trong tác phẩm này. Riêng biệt và thú vị nhất là chuyện "con rươi".

Quý hiếm đến mức dân gian gọi rươi là con “rồng đất” chỉ xuất hiện một thời điểm ngắn cuối thu. Loài nhuyễn thể này thường sống ở môi trường nước mặn hoặc nước lợ, có hình dáng không thiện cảm nhưng lại là nguồn thực phẩm quý vì dinh dưỡng cao, biết chế biến sẽ cho hương vị thơm ngon. Có thể coi “con rươi” là một nhân vật chính của tiểu thuyết vì xoay quanh nó thật nhiều chuyện thú vị, chuyện bắt rươi, bán rươi, rồi chuyện “nâng cấp” hẳn “cánh đồng rươi” theo quy trình hiện đại...

Thú vị nhất, có lẽ lần đầu tiên bạn đọc được “thưởng thức công nghệ kho rươi” do một lão nông của làng thực hiện. Vì trước đây mới nói đến rán chả rươi, canh rươi, súp rươi, cháo rươi nhưng nay là câu chuyện chế biến khác hẳn, thật sự cầu kỳ, chi tiết mà cũng thật hấp dẫn, tò mò... Tiểu thuyết còn nhiều trang dậy mùi thơm của hương vị ẩm thực nhà quê quen mà lạ với món lươn om, ốc nhồi nấu chuối xanh...

Cái làng ấy lại như một cái lăng kính đa chiều khúc xạ nhiều không gian khác do những người đi xa về trực tiếp kể lại. Thành ra qua một cái làng mà được biết bao nhiêu nơi.

Đó là một điệu múa apsara mời gọi cùng những nét phong tục, tập quán của văn hóa Khmer được tái hiện nhờ một bác cán bộ từng đi bộ đội làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn. Lại có cả tập quán lạ lùng của vùng quê Hàn Quốc xa xôi do một chị vừa làm “ô sin” ở đó về kể... Làng còn có cả mô hình một lâu đài cổ nước Nga được xây bởi một người từng đi lao động bên đó...

Chịu sự chi phối mạnh mẽ của tiếp biến văn hóa, của cơ chế thị trường, những nhân vật chính như Hoản, Đỉnh, Thao, Hiên, Vũ... vừa có chất quê hiền lành, thô mộc lại vừa có sự khôn ranh, láu lỉnh của kẻ buôn bán nơi phố thị. Họ như một minh chứng sinh động cho sự thay đổi các giá trị, làm người đọc nửa vui nửa buồn.

Bạn đọc sẽ có cảm giác tiếc nuối như mất một cái gì không bao giờ lấy lại được, lại xen sự mừng vui vì vật chất ngày một đầy đủ, giàu có. Một câu hỏi bật toát ra thật khó trả lời: Làm gì để giữ lại vẻ đẹp văn hóa thuần khiết truyền thống của làng?

Được viết theo kiểu phi truyền thống, 23 chương có chủ đề khác nhau nhưng tất cả lại xuyên suốt, lồng vào nhau tạo ra mô hình tiểu thuyết viết về một ngôi làng có rất nhiều chuyện. Ở mỗi câu chuyện, người kể lại trao quyền cho nhân vật tự nói về mình, tạo ra một nghệ thuật độc thoại nội tâm vừa riêng vừa làm sinh động hóa nội dung kể.

Là người tâm huyết với văn hóa làng, Phạm Quang Long đã có các tiểu thuyết Lạc giữa cõi người, Bạn bè một thuở, Chuyện làng... nay lại thêm Mùa rươi rất đáng đọc. Thoát ly làng đã khá lâu năm, song nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, tác giả Phạm Quang Long viết về nông thôn như một người làng chính hiệu vậy.

Nguyên Thanh / Quân đội nhân dân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/goc-nhin-da-chieu-ve-nong-thon-thoi-nay-post1386369.html