Hà Nội sắp cấm sử dụng túi nilon, hộp xốp đựng thực phẩm

Các chợ, cửa hàng tiện lợi ở Hà Nội không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm).

Tiến tới cấm sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học

Sáng 10/7, kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết quy định biện pháp giảm phát thải nhựa tại Hà Nội (thực hiện điểm d khoản 2 Điều 28 Luật Thủ đô). Nghị quyết này quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt tại Hà Nội.

Về giảm phát thải nhựa trong hoạt động sản xuất, Hà Nội yêu cầu doanh nghiệp sản xuất có sử dụng nhựa PE, PP phải sử dụng tối thiểu 20% nhựa tái chế trong các bao bì nêu trên kể từ ngày 1/1/2028.

Hà Nội tiến tới cấm sử dụng túi nilon và hộp xốp đựng thực phẩm.

Hà Nội tiến tới cấm sử dụng túi nilon và hộp xốp đựng thực phẩm.

Đồng thời phải sử dụng tối thiểu 30% nhựa tái chế trong các bao bì nêu trên kể từ ngày 1-1-2030. Giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

Nghị quyết cũng nêu rõ, kể từ ngày 1/1/2031, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam). Đối với các chợ, cửa hàng tiện lợi, Hà Nội yêu cầu không cung cấp miễn phí túi ni lông khó phân hủy sinh học kể từ ngày 1/1/2027.

Đơn vị bán hàng trực tuyến có trách nhiệm giảm thiểu sử dụng bao bì nhựa, vật liệu chống sốc bằng nhựa hoặc thu hồi các bao bì nhựa, vật liệu chống sốc không để thất thoát ra môi trường.

Chợ, cửa hàng tiện lợi không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm), trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học kể từ ngày 1/1/2028.

Khách sạn, khu du lịch không lưu hành và sử dụng các sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần (gồm bàn chải đánh răng; dao cạo râu; tăm bông, mũ tắm; bao bì nhựa sử dụng một lần chứa, đựng: kem đánh răng, sữa tắm, sữa dưỡng thể, dầu gội, sữa dưỡng tóc) kể từ ngày 1-1-2026.

Trong hoạt động sinh hoạt, các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc chính quyền thành phố không sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm).

Không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) để chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học kể từ ngày 1/1/2028.

Hà Nội sử dụng khoảng 38 triệu túi nilon/năm

Hằng năm, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn chất thải nhựa, trong đó chỉ khoảng 15% được tái chế. Ở Hà Nội, chất thải nhựa phát sinh khoảng 1.427 tấn/ngày; trong đó hơn 60% là chất thải nhựa dùng một lần và túi nilon. Về tái chế, gần 20% khối lượng nhựa thu gom được tái chế chủ yếu bởi các khu vực phi chính thức (cơ sở tái chế nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, làng nghề khu vực quanh Hà Nội) và chủ yếu là các loại nhựa PET và HDPE; các loại nhựa LDPE và các loại khác gần như bị thải bỏ đến các bãi rác.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường, việc sử dụng túi nilon quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Đặc biệt trong quá trình thu gom và xử lý bằng phương pháp đốt rác, trong đó có túi nilon thì lượng khói thải ra môi trường có chứa chất độc Dioxin và Fuarn sẽ gây ngộ độc, khó thở. Một số trường hợp nặng có thể nôn ra máu và gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch và rối loạn chức năng. Những người đang mang thai khi ngửi lượng khí này có thể gây ra tình trạng dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ.

Ngoài ảnh hưởng về sức khỏe, túi nilon cũng ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống. Bởi túi nilon là vật liệu rất khó phân hủy. Thời gian mất từ 500-1000 năm mới phân hủy trong môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, một số không trực tiếp tiếp xúc với ánh sáng sẽ vĩnh viễn không thể phân hủy.

Với túi nilon khó phân hủy khi bị vùi trong lớp đất cát, các hóa chất sẽ hòa vào làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn, làm cho đất không giữ được nước và nguồn dinh dưỡng. Nếu túi nilon bị vứt xuống các ao hồ, sông ngòi dễ làm tắc cống rãnh, kênh mươn và gây ứ đọng dẫn đến việc sinh sản nhiều vi khuẩn gây ra bệnh tật cho chính sức khỏe của con người. Bên cạnh đó túi nilon cũng là thủ phạm gây ra cái chết của nhiều sinh vật biển vì chúng không phân biệt được đâu là túi rác, đâu là con mồi thật sự.

Những tác hại của túi nilon khó phân hủy là hết sức to lớn. Tuy nhiên theo con số thống kê, hiện Việt Nam đang là 1 trong 4 quốc gia thải ra nhiều túi nilon nhất châu Á. Mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng hơn 30 tỷ túi nilon, trung bình một hộ gia đình sẽ sử dụng từ 5 - 7 bao bì nilông/ngày. Đa phần các túi ni lông đều được sử dụng duy nhất một lần rồi thải ra ngoài môi trường tạo thành rác thải. Ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM mỗi ngày có đến 80 tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường, trong đó lượng rác thải túi ni lông chiếm 7 - 8% (tức là khoảng 5,6 - 6.4 tấn). Còn theo thống kê từ Hiệp Hội Nhựa Việt Nam, năm 1990, mỗi người Việt Nam chỉ tiêu thụ 3,8kg nhựa mỗi năm, nhưng sau 31 năm, con số này đạt 41kg.

Theo Báo cáo hiện trạng tiêu thụ túi nilon dùng một lần trong chuỗi siêu thị tại Hà Nội, thực hiện bởi Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (2021), số lượng túi nilon dùng một lần tại các siêu thị là vô cùng lớn. Chỉ tính riêng 48 siêu thị trong khảo sát, số lượng túi nilon phát ra miễn phí mỗi ngày là 104.000 túi, tương đương với 38 triệu túi một năm. Phần lớn lượng túi nilon này chỉ được sử dụng một lần và thải bỏ ra ngoài bãi chôn lấp. Túi nilon chiếm tỷ lệ 38,5% tổng trọng lượng chất thải nhựa tại Hà Nội; tiếp theo là tỷ trọng đáng kể của bao gói nhiều lớp 21,4%. Do đó, chỉ riêng hai loại này đã chiếm 70% và 60% lượng nhựa, và là loại nhựa hiện không có nhiều thị trường (ngoại trừ màng PE sạch và trong) để tái chế và chủ yếu được xử lý tại các bãi chôn lấp hoặc lò đốt.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-sap-cam-su-dung-tui-nilon-hop-xop-dung-thuc-pham-169250710111836819.htm