Hà Nội: Tập huấn giám sát, chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu

Chiều 11-7, Sở Y tế Hà Nội tổ chức tập huấn công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu dưới hình thức trực tuyến, kết nối điểm cầu của 30 quận, huyện, thị xã, các bệnh viện trong và ngoài công lập trên địa bàn.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Sở Y tế Hà Nội. Ảnh: Diệu Linh

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Sở Y tế Hà Nội. Ảnh: Diệu Linh

Theo đó, 15 năm qua, Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc bạch hầu, tỷ lệ tiêm phòng luôn đạt trên 90%, tương ứng với 190 nghìn trẻ dưới 2 tuổi mỗi năm.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, tại một số tỉnh như: Hà Giang, Nghệ An, Bắc Giang ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh bạch hầu; trong đó có một trường hợp tử vong.

Chính vì vậy, Hà Nội đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu nhằm chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND thành phố, Sở Y tế Hà Nội tổ chức tập huấn hướng dẫn giám sát, chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu cho các cơ sở y tế và đơn vị liên quan. Sở Y tế cũng yêu cầu đơn vị giám sát chặt tình hình dịch bệnh tại các cơ sở y tế được phân công để đưa ra biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.

Tại buổi tập huấn, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Đống Đa - đơn vị đầu ngành truyền nhiễm của thành phố đã cung cấp thông tin, giải đáp, hướng dẫn quy trình chuyên môn về giám sát, chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu theo quy định của Bộ Y tế.

Theo các chuyên gia, bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có tính chất gây dịch, chủ yếu lây truyền theo đường hô hấp, do trực khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheriae) gây nên. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 70% là ở trẻ dưới 15 tuổi và chưa tiêm vắc xin.

Sau khi ủ bệnh từ 2-5 ngày, người bệnh thường có triệu chứng sốt nhẹ, đau họng, khó chịu, mệt mỏi, ăn kém, da xanh, chảy nước mũi, họng hơi đỏ. Đặc biệt, khám họng thấy amidan có giả mạc trắng, lúc đầu nhỏ sau lan dần bao trùm họng và lưỡi gà, màu trắng, dai, bóc ra dễ chảy máu, hạch cổ sưng to làm cho cổ bạnh ra (bạch hầu họng).

Sau đó có thể dẫn đến các triệu chứng nặng như: Viêm cơ tim, viêm thanh quản (gây khàn tiếng, ho ông ổng, thở rít), suy hô hấp, ngạt thở, suy thận, tổn thương thần kinh. Nếu không được điều trị bằng thuốc đặc hiệu thì có thể dẫn tới tử vong.

Để phòng bệnh bạch hầu, các chuyên gia cho rằng, người dân cần tuân thủ các biện pháp, gồm: Rửa tay đúng quy cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Nhà ở của người bệnh, dụng cụ trong phòng, đồ dùng, đồ chơi, quần áo của người bệnh phải tẩy uế và sát khuẩn.

Bên cạnh đó, cho trẻ tiêm đầy đủ và đúng lịch vắc xin bạch hầu theo hướng dẫn của ngành Y tế. Người lớn chưa được tiêm hoặc không có miễn dịch cần được tiêm nhắc lại 1 mũi. Với người tiếp xúc với người bệnh cần xét nghiệm vi khuẩn và theo dõi trong vòng 7 ngày. Ngoài ra, cần uống thuốc dự phòng bằng Erythromycin hoặc Azithromycin trong 7 ngày.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-tap-huan-giam-sat-chan-doan-va-dieu-tri-benh-bach-hau-671798.html