Hải Phòng khánh thành tượng đài Anh hùng liệt sĩ Kim Đồng
Tại vườn hoa Kim Đồng (thành phố Hải Phòng), Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng đã tổ chức khánh thành tượng đài Kim Đồng nhân kỷ niệm 82 năm Ngày Anh hùng liệt sĩ Kim Đồng hy sinh (15/2/1943 - 15/2/2025).

Tượng đài Kim Đồng tại Vườn hoa Kim Đồng, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng.
Thành phố Hải Phòng có dải công viên và đô thị trung tâm kéo dài hơn 3km từ vườn hoa Tam Kỳ đến đường Hoàng Diệu đã in đậm dấu ấn văn hóa kiến trúc do người Pháp quy hoạch từ thế kỷ trước và được đánh giá là một trong những dải trung tâm đô thị đẹp nhất cả nước.
Công trình tượng đài Kim Đồng được thiết kế, thi công dựa trên mẫu phác thảo mã số TP020 của nhà điêu khắc Trịnh Thế Hội - phác thảo đã giành giải Nhất cuộc thi tuyển mẫu phác thảo và phương án kiến trúc tượng danh nhân, công trình điêu khắc đặt tại các vườn hoa, công viên trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Dự án đã nhận được đánh giá cao và đồng thuận của đông đảo nhân dân thành phố trước khi triển khai xây dựng.
Dàn dựng vở nhạc kịch về cuộc đời và sự nghiệp của nhà cách mạng Nguyễn Ngọc Vũ
Nhà hát Tuổi Trẻ vừa tổ chức họp báo công bố vở nhạc kịch đặc biệt “Lửa từ đất”.
“Lửa từ đất” là câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ, Bí thư Thành ủy chính thức đầu tiên của Đảng bộ Hà Nội. Với lòng yêu nước nồng nàn, giác ngộ cách mạng sâu sắc, Nguyễn Ngọc Vũ cùng gia đình và bạn bè cũng như rất nhiều giai tầng người Hà Nội, trong đó có tầng lớp trí thức thành thị, tham gia cách mạng với niềm tin sắt đá vào lý tưởng cách mạng mà Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã soi đường chỉ lối. Ông hiểu nỗi nhục mất nước chỉ có thể giải quyết bằng con đường đấu tranh cách mạng để giành lại độc lập, tự do, dẫu phải đánh đổi cả thanh xuân trong ngục tù, thậm chí hy sinh mạng sống cho công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, chứ nhất định không chịu làm nô lệ.
Thông qua vở diễn, người xem có thể cảm nhận được hình tượng lòng dân - ý Đảng từ những ngày đầu mới thành lập.
Số hóa Điện Thái Hòa, Đại Nội Huế
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn UALS (Hàn Quốc) triển khai Dự án quét 3D và chụp ảnh kỹ thuật số nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa không gian, kiến trúc độc đáo của Điện Thái Hòa, Đại Nội Huế vừa mới được trùng tu.
Dự án này không chỉ phục vụ công tác bảo tồn mà còn hướng đến chuyển đổi số di sản, giúp tái hiện chân thực và lưu giữ giá trị văn hóa qua nền tảng số. Thời gian thực hiện quét 3D và chụp ảnh kỹ thuật số Điện Thái Hòa sẽ kéo dài đến hết năm 2025. Quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu sẽ hoàn thành vào tháng 6/2026 theo tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế.
Điện Thái Hòa là nơi Hoàng đế ngự ngai vàng, tổ chức các buổi thiết triều, đại lễ và nghi thức quan trọng, ghi dấu lịch sử thăng trầm của 13 vị Hoàng đế nhà Nguyễn. Điện Thái Hòa không chỉ là công trình kiến trúc, mà còn là nơi lưu giữ hệ thống văn thơ theo hình thức trang trí “nhất thi, nhất họa” độc đáo đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa được khởi công vào tháng 11/2021 với tổng vốn đầu tư gần 129 tỷ đồng. Sau 3 năm thi công, cuối tháng 11/2024, dự án đã về đích trước thời hạn 9 tháng và trở thành điểm đến tham quan không thể bỏ qua của du khách khi đến với Đại Nội Huế.