Hai sự kiện quyết định thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Hữu Tài là Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312), đơn vị đã bắt sống tướng Đờ-Cát.

Bộ đội ta cắm cờ chiến thắng trên nóc hầm tướng Đờ-Cát. Ảnh: T.L
Theo đại tá Nguyễn Hữu Tài, thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ do nhiều yếu tố tạo thành, nhưng có hai sự kiện mang ý nghĩa quyết định là việc thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, và cuộc vận động “chống hữu khuynh tiêu cực, nâng cao quyết tâm giành toàn thắng cho chiến dịch” tại mặt trận Điện Biên Phủ”.
Nâng cao nhận thức, tư tưởng trong Chiến dịch
Đầu tháng 5 này, tôi đến gặp đại tá Nguyễn Hữu Tài, một nhân chứng hiếm từng tham gia chiến dịch Điện Biên năm xưa. Nay đã 96 tuổi, ông Tài vẫn khỏe mạnh, minh mẫn.
Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra làm 3 đợt. Đợt 1 từ ngày 13- 17/3/1954, khi sáng 13/3/1954, bộ đội ta bắn vào sân bay Mường Thanh làm hai máy bay của quân Pháp vừa hạ cánh xuống đây bị bốc cháy. Đợt 2 từ ngày 30/3 đến 30/4/1954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm của địch, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho chiến trường Điện Biên Phủ. Đợt 3 từ ngày 1 đến 7/5/1954, quân ta mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Hồi tưởng về chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây hơn 70 năm, đại tá Nguyễn Hữu Tài cho biết, ngày 6/4/1954, ông nhận chỉ thị của cấp trên là cùng Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209 (E209) Hoàng Cầm về Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ để họp sơ kết đợt 2 của chiến dịch. Tình hình của ta lúc này có những khó khăn nhất định. Sau nhiều ngày đêm “kéo pháo vào, kéo pháo ra”, xây dựng trận địa nhiều đêm không ngủ, ăn uống lại thiếu thốn nên một bộ phận quân ta có dấu hiệu mỏi mệt, sức khỏe giảm sút. Bên cạnh đó, những trận mưa đầu mùa làm cho các chiến hào ngập nước, đi lại cực kỳ vất vả nên cán bộ chỉ huy hết sức lo lắng, một số có biểu hiện tiêu cực khi chiến dịch kéo dài.
Việc “kéo pháo vào, kéo pháo ra” mà đại tá Nguyễn Hữu Tài vừa đề cập khiến tôi nhớ lại 26 năm trước, trong đợt kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi may mắn có mặt trong một đoàn được đến gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng. Hôm đó, nói chuyện với chúng tôi, Đại tướng cho biết trước khi mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ một thời gian, với phương châm tác chiến “Đánh nhanh, giải quyết nhanh”, bộ đội ta được lệnh đưa những khẩu pháo vào sâu trong trận địa để đánh địch. Nhưng sau đó, do thay đổi phương châm thành “Đánh chắc, tiến chắc”, quân ta lại kéo pháo ra. Đại tướng cho biết, ngày ấy, việc lệnh kéo pháo ra là quyết định vô cùng khó khăn của ông trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đại tá Nguyễn Hữu Tài phát biểu tại Hội thảo “Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”. Ảnh: P.V
Đại tá Nguyễn Hữu Tài kể tiếp, tại Hội nghị sơ kết đợt 2 Chiến dịch Điện Biên Phủ thời gian đó, sau khi nêu bật những thắng lợi của ta trên các chiến trường đã làm phá sản một phần chiến lược của tướng Na-va (Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương), Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng phân tích những khó khăn, hạn chế của ta một cách sâu sắc. Đại tướng nói, những hạn chế đó không phải do cán bộ ta chưa có kinh nghiệm mà do chưa triệt để chấp hành mệnh lệnh cấp trên, thiếu trách nhiệm…, là nguồn gốc của những khuyết điểm vừa qua. Đảng ủy Mặt trận nhận định, tư tưởng hữu khuynh, tiêu cực đó nếu không kịp thời khắc phục sẽ dẫn đến thất bại.
Tại Hội nghị, tất cả đều rõ những nhận xét nghiêm khắc nhưng chí tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Qua đó, hội nghị đã mở cuộc vận động chính trị: “Nâng cao quyết tâm, khắc phục tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, đảm bảo chiến dịch toàn thắng”. Đồng thời, Hội nghị cũng đề ra những nhiệm vụ cụ thể cần làm ngay như củng cố trận địa, đánh lấn, bắn tỉa, pháo kích, đoạt dù tiếp tế của địch, đào hào cắt sân bay và đặc biệt phải chăm lo bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần để bộ đội đủ sức chiến đấu dài ngày...

Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa tại chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: T.L
Kết thúc thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ
Trở về đơn vị, Trung đoàn trưởng Hoàng Cầm và Chủ nhiệm Chính trị E209 Nguyễn Hữu Tài đã báo cáo với Đảng ủy E209 về tinh thần và quyết tâm của Hội nghị. Ngay sau đó, các đợt sinh hoạt kiểm điểm từ cấp ủy đến các chi bộ của E209 được tiến hành. Toàn E209 bừng khí thế chiến đấu mới.
Bước vào đợt 3, đợt cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ, E209 có nhiệm vụ tiêu diệt các cứ điểm 505 và 505A của địch. Đêm 30/4/1954, Tiểu đoàn 166 của E209 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt các cứ điểm trên. Tiếp đó, đêm 6/5, khi đánh cứ điểm 507 trong cụm phòng thủ Elian 10 của địch (gồm các cứ điểm 506, 507, 508, 509) nằm dưới chân đồi A1 bên tả ngạn sông Nậm Rốm, Tiểu đoàn 130, E209 đã không hoàn thành nhiệm vụ. 30 quả bộc phá ta đã sử dụng hết, nhưng phía trước vẫn còn hàng rào dây thép gai của địch cản trở quân ta xung phong. Qua tìm hiểu được biết, chiều tối hôm trước, địch đã rải thêm lớp rào dây thép gai này nhưng ta không phát hiện ra. Do không tiêu diệt được cứ điểm 507, bộ đội ta ùn lại trước cửa mở. Khi trời gần sáng, thấy tình hình bất lợi, Trung đoàn trưởng Hoàng Cầm lệnh cho Tiểu đoàn 130 ngừng tiến công, giữ vững trận địa.
Năm 2024, kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, là một nhân chứng lịch sử, đại tá Nguyễn Hữu Tài được mời tham dự cuộc Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”. Tại cuộc hội thảo này, đại tá Nguyễn Hữu Tài đã trình bày tham luận của mình với chủ đề “Chống hữu khuynh tiêu cực, nâng cao quyết tâm giành toàn thắng cho chiến dịch tại mặt trận Điện Biên Phủ”.
Trước tình hình trên, đồng chí Trần Quân Lập, Bí thư Đảng ủy E209 triệu tập Đảng ủy đến hội ý. Sau khi phân tích tình hình, Đảng ủy thấy khả năng E209 vẫn có thể giành thắng lợi trong điều kiện tác chiến ban ngày, nên nhất trí thông qua đề xuất của Trung đoàn trưởng E209 Hoàng Cầm là đề nghị cấp trên cho đơn vị tiếp tục tiến công vào ban ngày.
Đánh ban ngày là phương án mới nên Bộ Tư lệnh Đại đoàn 312 chưa chuẩn y. E209 tiếp tục đề nghị. Sau khi cân nhắc, Bộ Tư lệnh Đại đoàn 312 đồng ý và báo cáo Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Sau khi được cấp trên đồng ý, lệnh nổ súng được tiến hành vào 14 giờ ngày 7/5. Đại đoàn 312 lệnh cho pháo binh bắn các loại pháo cối để yểm trợ cho E209 tiến công cứ điểm 507. Sau khi vượt qua hàng rào thép gai, E209 đánh chiếm được cứ điểm 507, địch kéo cờ trắng đầu hàng.
Trước tình hình biến chuyển mau lẹ, 15 giờ ngày 7/5, các Đại đoàn nhận lệnh không cần đợi trời tối, lập tức mở cuộc tổng công kích vào căn cứ của địch tại Mường Thanh. Khi có lệnh này, Đại đội 360, Tiểu đoàn 130 của E209 đã tới bờ tả ngạn sông Nậm Rốm, sát chân cầu Mường Thanh. Cùng với đà tiến công như vũ bão của quân ta, Đại đội 360 do Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật dẫn đầu nhanh chóng vượt qua cầu Mường Thanh, xông thẳng vào Sở Chỉ huy của địch bắt sống tướng Đờ Cát và Bộ tham mưu của của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi.