Hàng Việt có cơ hội giữ vững thị phần tại Mỹ

Thỏa thuận thuế mới giữa Mỹ và Việt Nam giúp giảm mức thuế đối ứng còn 20%, tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa sản xuất tại Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh tại thị trường Mỹ.

Cửa sáng cho xuất khẩu

Một thỏa thuận thuế quan song phương đầu tiên giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sau cuộc điện đàm cấp cao của nhà lãnh đạo hai bên được coi một động thái được mang tính lịch sử trong quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia. Theo tuyên bố từ phía Nhà Trắng, đây là “thỏa thuận công bằng, cân bằng và mang tính đối ứng”, phản ánh sự dịch chuyển rõ nét trong chính sách thương mại của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á.

VinaCapital nhận định, xuất khẩu sang Hoa Kỳ dự kiến sẽ chững lại trong nửa cuối năm 2025 sau khi đã tăng gần 30% trong nửa đầu năm.

VinaCapital nhận định, xuất khẩu sang Hoa Kỳ dự kiến sẽ chững lại trong nửa cuối năm 2025 sau khi đã tăng gần 30% trong nửa đầu năm.

Mặc dù các chi tiết cụ thể của thỏa thuận vẫn chưa được công bố đầy đủ, chuyên gia của VinaCapital cho rằng, đây có thể là tiền đề để định hình lại khung thương mại song phương, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái cấu trúc và Việt Nam ngày càng đóng vai trò trung tâm trong chuỗi sản xuất khu vực.

Phản ứng của thị trường cho thấy tâm lý thận trọng nhưng tích cực. VN-Index nhích nhẹ trong phiên giao dịch ngày 3/7, trong khi các nhóm cổ phiếu xuất khẩu và khu công nghiệp có sự điều chỉnh nhẹ, phần nào phản ánh sự dè dặt trước cơ chế áp thuế còn chưa rõ ràng.

Ở chiều ngược lại, tại thị trường chứng khoán Mỹ, cổ phiếu của các doanh nghiệp như Nike hay Under Armour, những hãng có chuỗi cung ứng phụ thuộc lớn vào Việt Nam, đã tăng mạnh, cho thấy kỳ vọng về nguồn cung ổn định trong thời gian tới.

Theo phân tích của VinaCapital, một trong những điểm mấu chốt là khả năng thỏa thuận cuối cùng sẽ phân loại mức thuế theo từng nhóm hàng, với ưu tiên rõ ràng dành cho các sản phẩm sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam. Nếu kịch bản này xảy ra, nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là hàng điện tử, dệt may, gỗ và linh kiện, có thể hưởng mức thuế ưu đãi hơn đáng kể so với hiện nay.

“Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi cho rằng mức thuế 10% hiện đang áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ (kèm theo miễn trừ cho phần lớn hàng điện tử) sẽ tiếp tục được duy trì cho đến khi thỏa thuận chính thức có hiệu lực”, chuyên gia của VinaCapital nhận định.

Thận trọng ngắn hạn, kỳ vọng dài hạn

Theo VinaCapital, một vấn đề cần đặc biệt lưu ý trong thỏa thuận lần này là biện pháp kiểm soát hàng hóa "trung chuyển", tức hàng hóa từ nước thứ ba đội lốt xuất xứ Việt Nam nhằm né thuế.

Nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy, tỷ lệ hàng trung chuyển tại Việt Nam có thể dao động từ 2% đến 17%, tùy theo ngành hàng. Tuy nhiên, khái niệm “trung chuyển” hiện vẫn chưa có định nghĩa pháp lý rõ ràng trong luật thương mại quốc tế, điều này có thể dẫn đến rủi ro lớn về mặt tuân thủ và ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, VinaCapital cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện tinh thần chủ động khi sớm triển khai các biện pháp truy xuất nguồn gốc và kiểm soát xuất xứ từ nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump. Các ngành dễ bị ảnh hưởng như dệt may, đồ gỗ, linh kiện điện tử sẽ cần tăng cường minh bạch chuỗi cung ứng, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng khắt khe từ phía Hoa Kỳ.

Dưới góc nhìn của VinaCapital, dù thỏa thuận này mang tính tích cực về dài hạn, nhưng khó tạo nên cú huých xuất khẩu ngay trong ngắn hạn. Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh gần 30% trong nửa đầu năm 2025 – phần lớn nhờ tận dụng “khoảng trống thuế” – xuất khẩu sang Mỹ dự kiến sẽ bước vào chu kỳ chững lại, trong khi doanh nghiệp cần thời gian để điều chỉnh chiến lược sản xuất và logistics.

Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục là điểm sáng. Trong 5 tháng đầu năm 2025, tổng vốn đăng ký đạt hơn 15 tỷ USD – tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước và tương đương khoảng 7% GDP. VinaCapital cho rằng Việt Nam vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh nhờ nền tảng chi phí thấp, cơ cấu dân số trẻ và vị trí địa lý gần các trung tâm công nghiệp toàn cầu.

Từ góc độ chính sách vĩ mô, các yếu tố như chi tiêu công đang tăng tốc, cải cách thủ tục hành chính, và triển vọng hồi phục của thị trường bất động sản, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất duy trì ở mức thấp, sẽ tiếp tục là “bệ đỡ” quan trọng cho tăng trưởng.

Hoàng Minh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/hang-viet-co-co-hoi-giu-vung-thi-phan-tai-my.html