Hậu quả của việc người Việt Nam tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần
Tại Việt Nam, trong 10 năm qua, người dân đã tiêu thụ nhiều đồ uống có đường hơn. Trung bình, người dân Việt Nam tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần.
Tình trạng thừa cân, béo phì tăng nhanh
Tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức HealthBridge Việt Nam tổ chức ngày 5/4, bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, bằng chứng toàn cầu cho thấy rằng tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và sâu răng, đồng thời góp phần gây ra tình trạng thừa cân và béo phì.
“Đây là những vấn đề sức khỏe quan trọng, thậm chí tiêu thụ đồ uống có đường có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, kể cả gây ra ung thư”, TS. Angela Prat nhấn mạnh.
WHO khuyến cáo rằng việc tiêu thụ "đường tự do", đó là bất kỳ loại đường nào được thêm vào thực phẩm hoặc đồ uống nên được giới hạn ở mức dưới 10% tổng năng lượng và lý tưởng là dưới 5%, tương đương khoảng 25 gram/ngày cho một người trưởng thành trung bình. Thế nhưng, 1 lon coca cola thông thường chứa tới 36 gram đường, cao hơn lượng đường giới hạn nên uống trong một ngày.
Cũng theo bà Angela Pratt, đồ uống có chứa đường tự do hiện có trong nước ngọt có ga hoặc không ga, nước ép rau quả, hoặc dạng cô đặc hay dạng bột, nước có hương vị, nước tăng lực và thể thao, trà uống liền, cà phê uống liền và sữa có thêm đường.
Trung bình, mỗi người Việt Nam tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần. Do đó, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng nhanh, đặc biệt là ở người trẻ tuổi. Ở các thành phố, cứ 4 thanh, thiếu niên trong độ tuổi 15 - 19 thì có hơn 1 người bị thừa cân hoặc béo phì.
Để giảm tiêu thụ đồ uống có cồn, PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo nên sử dụng nước lọc, nước đóng chai, trà không đường thay cho các loại nước ngọt, hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều đường tự do như các loại đường tự nhiên (đường nâu, đường tinh luyện, đường phèn …) và đồ uống có đường (bao gồm nước ngọt, trà, cà phê hòa tan…), bánh kẹo ngọt, mứt, xi rô…;
Đặc biệt, cần hạn chế lượng đường thêm vào thức ăn khi nấu nướng và trên bàn ăn, không cho thêm đường vào trà, cà phê hay bất kỳ đồ uống nào khác. Bên cạnh đó, cần chọn các kích cỡ suất ăn của thực phẩm hoặc đồ uống có đường nhỏ hơn và giảm dần số lượng.
PGS.TS Trương Tuyết Mai cũng lưu ý người dân nên ăn trái cây tươi ít ngọt thay cho đồ ăn vặt có đường, chọn trái cây tươi thay vì trái cây sấy khô; đọc nhãn dinh dưỡng, chọn các sản phẩm chứa lượng đường tự do ít hơn, không cho thêm đường vào thức ăn, đồ uống của trẻ nhỏ.
“Cần phải có những biện pháp đồng bộ để kiểm soát được vấn đề tiêu thụ đồ uống, thực phẩm có đường. Bởi, việc sử dụng đồ uống có đường là một thói quen rất dễ tăng cao đối với lứa tuổi học sinh và người dân nên cần phải có sự kiểm soát, hạn chế quảng cáo cũng như kiểm soát được lượng tiêu thụ.”, PGS.TS Trương Tuyết Mai nhấn mạnh.
Vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát đồ uống có đường
Theo ông Hồ Hồng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29/1/2022 phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 – 2025, trong đó yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao sức khỏe, giảm hành vi gây nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm. Kế hoạch nhấn mạnh vai trò của một số chính sách thuế trong kiểm soát đồ uống có đường.
Cũng theo ông Hải, có 3 biện pháp giảm tiêu thụ lượng đồ uống có đường, đó là: áp thuế với đồ uống có đường; hạn chế quảng cáo với trẻ em và truyền thông sử dụng đồ uống có đường không hợp lý.
Theo TS. Nguyễn Thùy Duyên, Đại học Y tế Công cộng, thuế đồ uống có đường sẽ làm giảm mức tiêu thụ, từ đó làm giảm lượng đường tiêu thụ. Nhờ vậy, chính sách này có thể đem lại thay đổi tích cực trong tình hình thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam.
TS. Nguyễn Thùy Duyên cho biết, có nhiều phương pháp áp thuế. Theo đó, có thể đánh thuế tuyệt đối theo hàm lượng đường, thuế tuyệt đối theo thể tích, thuế theo giá xuất xưởng, tuy nhiên, cần tính phương án khả thi để đạt hiệu quả cao trong việc hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường.
Trong đó, thuế tuyệt đối theo hàm lượng đường cho thấy khá nhiều ưu điểm so sánh với loại thuế khác. Loại thuế này có tác động trực tiếp đến các sản phẩm có hàm lượng đường cao. Do đó, có thể khuyến khích người tiêu dùng chuyển đổi sang các dòng sản phẩm ít đường hơn hay mở đường cho nhà sản xuất chuyển hướng sang các dòng sản phẩm ít đường hơn.
Về mức độ tăng giá, TS. Duyên cho rằng nó sẽ tác động đến hành vi tiêu thụ, gánh nặng sức khỏe và kinh tế xã hội sẽ thay đổi tương đương với mức tăng giá bán lẻ. Nếu mức tăng giá 5% đem lại sự thay đổi không đáng kể thì tăng giá ở mức 20% có thể đem lại sự thay đổi tích cực cho cho tình trạng béo phì ở Việt Nam.
Nói về hiệu quả của thuế trong việc làm giảm tỷ lệ sử dụng nước ngọt, Thạc sỹ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, theo nghiên cứu của WHO, có nhiều bằng chứng cho thấy việc tăng thuế để giá tăng 20%, sẽ làm giảm khoảng hơn 20% lượng tiêu thụ nước ngọt với điều kiện thuế tăng được chuyển hết vào giá.
Thạc sỹ Nguyễn Tuấn Lâm dẫn chứng, ở Mexico, 2 năm sau khi áp dụng thuế trên đồ uống có đường (khoảng 10%), các hộ gia đình có ít nguồn lực nhất đã giảm 11,7% mua đồ uống có đường, so với 7,6% ở dân số chung, đồng thời làm tăng thu thuế thêm 2,6 tỷ đô la Mỹ trong giai đoạn 2014-2015; giảm đáng kể tỷ lệ sâu răng. Ước tính sẽ giảm được khoảng 2,45% tỷ lệ tiểu đường và sẽ giảm 89.000 – 136.000 ca tiểu đường mỗi năm (so với trường hợp không áp thuế).
Vì vậy, Thạc sỹ Nguyễn Tuấn Lâm khuyến nghị, Việt Nam nên xem xét áp dụng thuế đồ uống có đường ở mức 20% giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO để giảm nguy cơ sức khỏe cho thế hệ tương lai; nên cân nhắc đánh thuế theo hàm lượng hoặc ngưỡng đường để khuyến khích sản phẩm giảm đường.
Đồng thời, Việt Nam nên tạo môi trường thuận lợi để giảm tiêu thụ đồ uống có đường; quy định dán nhãn mặt trước thể hiện hàm lượng đường; nâng cao nhận thức về các lựa chọn đồ uống lành mạnh; giảm tính sẵn có của đồ uống có đường; cấm tiếp thị đồ uống có đường.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do (đường đơn và đường đôi được thêm vào thực phẩm, đường tự nhiên có trong mật ong, xi-rô, nước ép hoa quả, nước hoa quả cô đặc).
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống không cồn (National technical regulation for soft drinks) QCVN 6-2:2010/BYT của Việt Nam, nước ngọt (đồ uống có đường) là sản phẩm được pha chế từ nước với các chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp, có thể bao gồm CO2. Đồ uống có đường là đồ uống có chứa đường tự do - nước ngọt có ga hoặc không ga, nước ép rau quả hoặc dạng cô đặc/dạng bột, nước có hương vị, nước tăng lực và thể thao, trà uống liền, cà phê uống liền và sữa có thêm đường.