Hiệu trưởng vi phạm những điều này sẽ bị xử lí kỉ luật nghiêm minh
Hiệu trưởng làm trái luật sẽ bị xử lí kỉ luật theo các quy định của Luật Viên chức hiện hành.
Từ ngày 1/7/2020 (Luật Công chức và Luật Viên chức sửa đổi, bổ sung có hiệu lực) hiệu trưởng các trường công lập sẽ không còn được xác định là công chức mà là viên chức.
Bài viết liệt kê những điều hiệu trưởng không được làm nhằm giúp bạn đọc hiểu thêm về quyền hạn của lãnh đạo trường học theo quy định hiện hành.
Không được làm trái Luật Giáo dục
Hiệu trưởng không được thực hiện những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 gồm:
1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học.
2. Xuyên tạc nội dung giáo dục.
3. Gian lận trong quá trình học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh.
4. Hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự.
5. Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.
6. Lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật.
7. Lợi dụng hoạt động giáo dục để xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, phá hoại thuần phong mỹ tục, truyền bá mê tín, hủ tục, lôi kéo người học vào các tệ nạn xã hội.
8. Lợi dụng hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi.
9. Truyền bá tôn giáo, tiến hành các lễ nghi tôn giáo trong cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.
Phải tuân thủ quy định đạo đức nhà giáo
Hiệu trưởng phải tuân thủ đạo đức nhà giáo, không được làm những việc sau đây đã được quy định tại Điều 6 Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT:
1. Không được lợi chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, trái với quy chế, quy định; không thực hiện các hành vi gây khó khăn, phiền hà đối với người học và nhân dân.
2. Không gian lận, thiếu trung thực trong học tập, nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục.
3. Không có tư tưởng hoặc hành vi trù dập, chèn ép và có thái độ thiên vị, phân biệt đối xử, thành kiến đối với người học; không tiếp tay, bao che cho những hành vi tiêu cực trong giảng dạy, học tập, rèn luyện của người học và đồng nghiệp.
4. Không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học, đồng nghiệp và người khác. Không làm ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của đồng nghiệp và người khác.
5. Không thực hiện tổ chức dạy thêm, học thêm trái với quy định của luật.
6. Không được hút thuốc lá, uống rượu, bia trong công sở, trong trường học và nơi không được phép hoặc khi thi hành nhiệm vụ giảng dạy và tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường.
7. Không sử dụng điện thoại di động và làm việc riêng trong các cuộc họp, trong khi lên lớp, học tập, coi thi, chấm thi.
8. Không có các hành vi gây bè phái, cục bộ địa phương, làm mất đoàn kết trong tập thể và trong sinh hoạt tại cộng đồng.
9. Không được sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền, phổ biến những nội dung trái với quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước.
10. Không trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ, tự ý bỏ việc; không đi muộn về sớm, bỏ giờ, bỏ buổi dạy, cắt xén, dồn ép chương trình, vi phạm quy chế chuyên môn làm ảnh hưởng đến kỷ cương, nề nếp của nhà trường.
11. Không tổ chức, tham gia các hoạt động liên quan đến tệ nạn xã hội như: cờ bạc, mại dâm, ma túy, mê tín, dị đoan; không sử dụng, lưu giữ, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, độc hại.
Không được làm trái Thông tư 28
Hiệu trưởng trường tiểu học không được thực hiện những hành vi sau theo quy định tại Điều 31 Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT:
1. Không xuyên tạc nội dung giáo dục, dạy sai nội dung kiến thức.
2. Không gian lận trong kiểm tra đánh giá, cố ý đánh giá sai kết quả giáo dục của học sinh.
3. Không ép buộc học sinh học thêm vì mục đích vật chất.
4. Không bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tùy tiện cắt xén nội dung giáo dục.
5. Không xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể người khác; không hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự.
Không được làm trái Thông tư 32
Hiệu trưởng trường trung học cơ sở, trung học phổ thông không được thực hiện những hành vi sau theo quy định tại Điều 31 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT:
1. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể của học sinh và đồng nghiệp.
2. Gian lận trong kiểm tra, thi, tuyển sinh; gian lận trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh; bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tùy tiện cắt xén nội dung dạy học, giáo dục.
3. Xuyên tạc nội dung dạy học, giáo dục; dạy sai nội dung kiến thức, sai với quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam.
4. Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền; lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ cho giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật.
5. Hút thuốc lá, uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác khi đang tham gia các hoạt động dạy học, giáo dục.
6. Cản trở, gây khó khăn trong việc hỗ trợ, phục vụ công tác dạy học, giáo dục học sinh và các công việc khác.
Hành vi nào của hiệu trưởng sẽ bị xử lý kỷ luật?
Hiệu trưởng nếu có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của viên chức; những việc viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật.
Căn cứ Điều 15 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về các hình thức kỷ luật đối với viên chức như sau:
Điều 15. Các hình thức kỷ luật đối với viên chức quản lí: a) Khiển trách. b) Cảnh cáo. c) Cách chức. d) Buộc thôi việc.
Viên chức bị kỷ luật bằng một trong các hình thức quy định tại Điều này còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.
Một số vụ việc "nóng" liên quan đến hiệu trưởng thời gian qua
Thời gian qua báo chí đã từng phản ánh nhiều hiệu trưởng có hành vi lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc phụ huynh học sinh đóng góp tiền theo mức quy định sẵn - nói thẳng là có dấu hiệu lạm thu, thế nhưng hầu như các lãnh đạo này đều không được cơ quan có thẩm quyền xử lí kỉ luật viên chức theo quy định gây bức xúc dư luận.
Chẳng hạn, vào thời điểm cuối tháng 9/2022, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, bị nhiều phụ huynh "tố" có dấu hiệu lạm thu, trong đó lãnh đạo trường này đề ra nhiều khoản thu trời ơi như: quỹ phụ huynh, ủng hộ cơ sở vật chất, ấn chỉ ấn phẩm, học online... và chỉ bị "nghiêm khắc phê bình".
Liên quan đến việc hiệu trưởng vi phạm vi phạm quản lý thu, chi trong nhà trường, giữa tháng 11/2022, Ủy ban Nhân dân Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh, đã ban hành quyết định cách chức lãnh đạo Trường Trung học cơ sở Tăng Bạt Hổ khiến dư luận rất hoan nghênh.
Hiệu trưởng là viên chức, không được làm những điều trái luật là nhằm bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật.