Hòa Bình: Bản sắc văn hóa Mường qua những lễ hội truyền thống
Lễ hội truyền thống là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Mường Hòa Bình. Từ lễ hội xuống đồng cầu mùa màng bội thu đến lễ hội đình làng Quèn Thị, mỗi lễ hội đều mang trong mình những ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, sự gắn kết cộng đồng và khát vọng về một tương lai tươi sáng. Đó là những giá trị văn hóa vô giá cần được trân trọng, gìn giữ và phát huy.
Hòa Bình là vùng đất nổi tiếng với những lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Trong cộng đồng bảy dân tộc gồm Mường, Dao, Thái, Tày, Mông, Kinh và Hoa đang sinh sống trên mảnh đất Hòa Bình, thì người Mường chiếm tới trên 63,3%.
Trải qua quá trình hình thành và phát triển, người Mường tỉnh Hòa Bình có những đặc trưng riêng về ngôn ngữ, trang phục, phong tục, tập quán... tạo nên vẻ đẹp phong phú và đặc sắc trong bức tranh văn hóa truyền thống của tỉnh. Trong đó, lễ hội được đánh giá là một nét văn hóa đặc trưng nhất trong đời sống sinh hoạt có từ xưa của người dân tộc Mường, bao gồm các mặt như tinh thần, vật chất, tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa nghệ thuật truyền thống…
Người Mường đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách cả nước và quốc tế nhờ bản sắc của mùa lễ hội như lễ hội khuống mùa (xuống đồng), sắc bùa, chá chiêng, đu tre, cầu cho mùa màng bội thu… mang đậm nét văn hóa và bao hàm nhiều ý nghĩa nhân văn.
Lễ hội xuống đồng là một lễ hội tiêu biểu của người Mường xưa, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của họ. Mục đích chính của lễ hội này là cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đây còn là dịp để người Mường nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí sau những ngày lao động vất vả, là cơ hội để người dân giao lưu, gắn kết tình cảm và bày tỏ những ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội thường diễn ra vào dịp đầu xuân mới, như vùng Mường Bi, Tân Lạc, Mường Chiềng, Mường Tôm, Tân Lập, Lạc Sơn, đặc biệt có lễ hội truyền thống Quèn Thị, Cao Dương, Lương Sơn.
Một trong số những lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc của người Mường phải kể đến lễ hội đình làng Quèn Thị thuộc làng Quèn Thị, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn.
Quèn Thị có nghề thuốc nam nổi tiếng từ lâu đời. Không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi người dân gắn với đất, với núi rừng Quèn Thị này, thì hầu như ai cũng có thể phân biệt được đâu là cây thuốc lẫn trong bạt ngàn cây lá của rừng xanh núi thẳm.
Trải qua hàng trăm năm, người dân Quèn Thị không ngừng nghiên cứu, tìm tòi và tích lũy kinh nghiệm, tạo ra nhiều bài thuốc quý giá. Dù cuộc sống có nhiều thay đổi, nghề thuốc nam ở Quèn Thị vẫn được duy trì và phát triển, góp phần bảo tồn những giá trị y học cổ truyền của dân tộc.
Từ nghề truyền thống này, người dân làng Quèn Thị đã xây dựng đình làng để thờ phụng các vị thần, Tản Viên Sơn, Thành Hoàng làng.
Đầu tiên làng chỉ có 7 hộ từ nơi khác về đây an cư lập nghiệp. Sau đó, phát triển thành làng có tên gọi là làng Trại Mít, nay là làng Quèn Thị.
Đình được xây dựng giữa cánh đồng, hướng nhìn về phía nam.
Phía đông, tây, bắc có dãy núi đá bao bọc khuôn viên làng.
Đình làng Quèn Thị được mở rộng gồm 7 gian, có hậu cung và xây dựng bằng gỗ quý.
Năm 1951, thực dân Pháp nhảy dù càn quét, cướp, giết dân làng và đốt đình, làm hư hỏng, mất đi toàn bộ di vật và sắc phong của đình.
Đến năm 1996, chính quyền và nhân dân làng Quèn Thị đã đóng góp công sức, tiền của xây dựng lại đình làng.
Đến nay, đình làng Quèn Thị đã được nhà nước và nhân dân xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân địa phương.
Đình làng cũng là nơi nhân dân họp bàn các việc làng, việc xã. Tại lễ đình làng Quèn Thị, nhân dân trong làng đã ôn lại truyền thống lịch sử và tưởng nhớ đến người con của làng đã anh dũng hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Lễ hội đình làng Quèn Thị được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm, là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Hòa Bình.
Lễ hội đình làng Quèn Thị gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ, cán bộ, người dân trong làng cùng du khách thập phương làm lễ dâng hương cầu cho một năm mới với nhiều thắng lợi mới. Phần hội diễn ra nhiều chương trình văn nghệ và các trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, đua thuyền, đánh cờ, đánh bóng… Nhân dịp này, làng Quèn Thị đã tuyên dương, khen thưởng học sinh có thành tích cao trong học tập, lao động sản xuất, trao giải thi đấu bóng đã, bóng chuyền và đua thuyền…
Ông Nguyễn Văn Khiên, Chủ tịch UBND xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, cho biết: “Như thường lệ, vào ngày đầu Xuân năm mới, toàn thể nhân dân xã Cao Dương nói chung và dân thôn Quèn Thị nói riêng lại hân hoan chào đón lễ hội truyền thống, hội làng ghi dấu bao niềm vui, cảm xúc và sự gắn bó về tinh thần, tình đoàn kết của đồng bào dân tộc nơi đây. Đây thực sự là nét đẹp văn hóa tốt đẹp đang được lưu truyền bảo tồn và phát triển. Mong sao đồng bào dân tộc tại đây phát huy tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái” hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần”.
Lễ hội truyền thống ở Quèn Thị không chỉ là dịp để người dân tưởng nhớ Thành Hoàng làng, mà sâu xa hơn, đó là sự tri ân đối với tổ tiên - những người đã khai khẩn, xây dựng và bảo vệ mảnh đất này. Những ước vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, về mùa màng bội thu, về sự an khang, thịnh vượng của người dân được gửi gắm qua những lời cầu nguyện, qua những điệu múa, tiếng hát.
Lễ hội không chỉ là niềm vui mà còn là niềm tin, là sức mạnh tinh thần giúp người dân vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống.
Lễ hội văn hóa tín ngưỡng đóng vai trò cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là sợi dây gắn kết cộng đồng, là biểu tượng của sức sống văn hóa dân tộc. Từ bao đời nay, lễ hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Việt nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số Hòa Bình nói riêng.