Hòa Bình: Trống đồng di sản văn hóa Mường
Người Mường ở Hòa Bình luôn tự hào là cái nôi của nền Văn hóa Hòa Bình, nơi bảo tồn, lưu giữ gần trăm chiếc trống đồng. Hòa Bình cũng là một trong những tỉnh phát hiện và lưu giữ nhiều trống đồng đứng thứ hai trong cả nước chỉ sau tỉnh Thanh Hóa.

Trưng bày chuyên đề về Trống đồng cổ tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình
Nguồn gốc trống đồng của người Mường Hòa Bình
Trống đồng là tài sản quý giá được coi là báu vật cha ông để lại, là biểu tượng của nền văn minh và văn hóa Việt Nam thời dựng nước. Với các nhóm sớm muộn khác nhau trống đồng phát hiện ở Hòa Bình có niên đại kéo dài từ thế kỷ I đến thế kỷ XVII.
Hình ảnh trống đồng không chỉ là bảo vật quý báu của văn hóa Việt Nam mà còn là điểm hội tụ hồn thiêng sông núi được hình thành từ thời dựng nước và được tích tụ tinh hoa dân tộc trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Mặt trống đồng loại II Heger, có bề mặt lớn và có bốn khối tượng cóc
Theo thống kê, đến nay số lượng trống đồng phát hiện được ở Hòa Bình đã lên đến hơn 100 chiếc, trong đó lưu giữ và bảo quản tại kho Bảo Tàng Hòa Bình là 76 chiếc.
Hòa Bình có hai loại trống Đông Sơn: loại I Heger và loại II Heger. Trống Đông Sơn có khung niên đại từ thế kỷ IV trước Công nguyên đến thế kỷ V sau Công nguyên. Đã tìm được 11 chiếc trống Đông Sơn (loại I Heger) trên địa bàn tỉnh; trong đó, nhóm A có 3 chiếc là trống sông Đà, trống Đồi Ro và trống Hòa Bình; nhóm B có 2 chiếc là trống Yên Bồng III và trống Đú Sáng; nhóm C có 5 chiếc là trống Khoan Dụ, Chợ Bờ, Lạc Long, Yên Bồng I, Yên Bồng II; nhóm Đ có trống Vĩnh Đồng II.
Trống Đông Sơn ở Hòa Bình tuy số lượng không nhiều nhưng cũng có mặt gần đủ các nhóm, trừ nhóm D. Về kiểu dáng, trống Đông Sơn đều có mặt chờm tang, xuất hiện các khối tượng cóc trên mặt trống. Về hoa văn trang trí, đáng chú ý là những hình người múa hóa trang lông chim cách điệu thành văn cờ. Đặc biệt, trên trống Khoan Dụ và trống Vĩnh Đồng II đã xuất hiện các yếu tố hoa văn loại mới: ô trám, trám lồng trang trí ở phần chân. Trống Khoan Dụ và trống Vĩnh Đồng II đều thuộc dòng trống lưng thẳng, kích thước tương đối lớn, đánh dấu sự chuyển tiếp về mặt kích thước giữa trống Đông Sơn truyền thống sang trống có kích thước lớn tồn tại phổ biến trên trống loại II Heger. Do đó, có thể nhận định rằng, trống Đông Sơn đã phát triển và sáng tạo thêm một bước mới qua sự tồn tại của những trống loại II Heger phát hiện trên đất Hòa Bình.
Trống đồng sông Đà là một đặc trưng cho loại trống Đông Sơn (Heger I) được tìm thấy ở Hòa Bình vào cuối thế kỷ XIX (trước kia nhiều người vẫn gọi là trống đồng Muliê). Trống có đường kính 78 cm, chiều cao 61 cm. Trống còn tương đối nguyên vẹn, mặt cũng như thân có nhiều vết sẹo. Mặt trống chờm ra ngoài thành tang một ít. Bố cục trang trí và hình loại hoa văn gần giống với các trống Ngọc Lũ I và Hoàng Hạ. Đây là 1 trong 4 chiếc trống đồng vào loại đẹp nhất và cổ nhất trên thế giới. Trên trống xuất hiện hình người trang sức lông chim, tay cầm vũ khí giữa những thủy thủ hoạt động đồng loạt, khiến người ta nghĩ đến vai trò khác nhau giữa họ. Có thể người đứng là người chỉ huy chung cuộc đua thuyền này.
Mặt trống: chính giữa là hình ngôi sao nổi 14 cánh, xen giữa các cánh sao là những hình lông công. Hoa văn gồm hai loại: Văn hình học, văn người và vật. Về hoa văn hình học có văn chấm dải, văn chữ S gãy khúc nối tiếp, vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến song song, vân răng cưa và một vành gồm hai đoạn hồi văn xen giữa với hai đoạn văn xoắn ốc hình quả trám kèm theo vòng tròn chấm giữa. Vành 8 có 18 con chim gồm 16 chim bay giống chim vành 9 của trống Hoàng Hạ và 2 con chim đứng, theo hướng ngược chiều kim đồng hồ.
Thân trống: Tang trống có 10 băng hoa văn. Băng 1 và 6 là những chấm dải. Băng 2 và 5 là văn răng cưa. Băng 3 và 4 là vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến. Băng 7 là băng trang trí chủ đạo có 6 hình thuyền. Xen giữa các thuyền có hình một chim đứng.
Lưng trống: Có 7 băng hoa văn hình học. Băng 1 là băng trang trí chủ đạo có những hình cột hoa văn hình học gồm 6 dải. Những cột hoa văn này bố trí theo chiều thẳng đứng, chia thành 8 ô không đều nhau, trong mỗi ô có một hình người đang bước. Tất cả 8 người này đều trang sức hình đầu chim trên đầu, tay phía trước giơ cầm một vật như hình chiếc mộc, trên đầu mộc có trang sức lông chim, tay phía sau cầm vật hình mũi giáo mà mũi chỉ xuống dưới, nhưng không có cán.
Qua mô tả trống cho thấy, các sinh hoạt hàng ngày của người Hòa Bình đã được khắc họa trên mặt trống đồng (như trống sông Đà...), từ nơi ở (nhà sàn), cuộc sống hàng ngày (giã gạo, muông thú), đến đời sống văn hóa (múa, đua thuyền), quan niệm về thế giới quan (đối xứng, hình học)...
Trống loại II Heger được tìm thấy ở Hòa Bình có số lượng lớn (59 chiếc) và tìm thấy chủ yếu trên địa bàn cư trú của người Mường. Trống loại II Heger ở Hòa Bình có những nét đặc trưng mang tính thống nhất của trống loại này ở Việt Nam.

Trống đồng loại II Heger được Bảo tàng tỉnh Hòa Bình
Trống đồng loại II Heger gắn bó lâu dài với người Mường. Đối với người Mường, chức năng rõ nét của trống là biểu tượng quyền uy của tầng lớp lang đạo và là một nhạc cụ trong tang lễ.
Tài liệu khảo cổ học cho thấy, trống đồng loại II Heger phân bố tập trung trên địa bàn cư trú của người Mường. Khi vai trò của trống Đông Sơn kết thúc thì trống đồng loại II Heger vẫn được người Mường trân trọng bảo lưu. Trống đồng loại II Heger là biểu trưng về sức sống của truyền thống văn minh Đông Sơn, là biểu trưng xác nhận quyền lực của phong kiến Việt Nam đối với các thổ lang Mường, thể hiện tính thống nhất về mặt chính trị Việt - Mường.
Trống đồng đã gắn bó với cuộc sống của người Mường. Vùng Mường chính là địa bàn kế thừa trực tiếp truyền thống trống Đông Sơn. Vì thế, trống loại II Heger là biểu tượng văn hóa của người Mường, tiêu biểu cho bản sắc Mường.

Trống đồng trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình
Trống đồng - báu vật của người Mường Hòa Bình
Trống đồng, ngoài ý nghĩa là một nhạc khí, dùng trong các nghi lễ quan trọng của cộng đồng, còn được dùng như một công cụ thông tin liên lạc, báo hiệu. Mỗi khi cộng đồng lâm nguy, tiếng trống là lời hiệu triệu dân làng khắp nơi tụ về để cùng nhau đoàn kết chiến đấu, là tiếng thúc giục tiến quân khiến cho kẻ thù khiếp vía kinh hồn. Trống đồng còn gắn với đời sống tâm linh của người Mường cổ, là vật tùy táng để cho người chết về thế giới bên kia, là lời dẫn báo để tổ tiên biết đường trở lại trần gian vui vầy với con cháu trong những ngày đại lễ.

Theo thống kê, đến nay số lượng trống đồng phát hiện được ở Hòa Bình đã lên đến hơn 100 chiếc, trong đó lưu giữ và bảo quản tại kho Bảo Tàng Hòa Bình là 76 chiếc
Trống đồng giữ một vị trí quan trọng trong tâm thức, đời sống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và của người Mường ở Hòa Bình nói riêng, là tài sản quý giá mà cha ông để lại cho con cháu, là biểu tượng của nền văn minh và văn hóa Việt Nam thời dựng nước. Chính vì vậy, bảo tồn và phát huy giá trị của trống đồng cũng chính là góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Hòa Bình đang thực hiện việc phục chế những chiếc trống đồng trong bộ sưu tập 76 chiếc để phục vụ cho công tác trưng bày bộ sưu tập trống đồng quý hiếm này nhằm giới thiệu rộng rãi cho người dân và du khách, giúp các thế hệ sau thấu hiểu những giá trị nhân văn, nếp sống, cách nghĩ, tâm hồn, phong tục tập quán và truyền thống của dân tộc Mường nói riêng và của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/hoa-binh-trong-dong-di-san-van-hoa-muong-a28414.html