Họa sĩ Ngô Thành Nhân: Tranh sơn mài là cuộc đời tôi

Là con trai út của kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh, người thiết kế và giám sát thi công 'Lễ đài Độc lập' tại quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945, nhưng Ngô Thành Nhân lại không nối nghiệp cha. Ông theo nghiệp hội họa.

Họa sĩ Ngô Thành Nhân kể cho tôi hay: “Anh trai cả của tôi là Ngô Huy Hoàng, anh là chiến sĩ hải quân và hy sinh ngày 5 tháng 8 năm 1964, khi mới 19 tuổi (Ngô Huy Hoàng là liệt sĩ đầu tiên của Hà Nội hy sinh trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ). Nếu còn sống chắc anh ấy cũng sẽ là một kiến trúc sư như các anh chị tôi”. Cụ Ngô Huy Quỳnh có 3 người con theo nghiệp mình, đó là các kiến trúc sư Ngô Hồng Lĩnh, Ngô Toàn Thắng và Ngô Thúy Liên. Hơi chút thắc mắc nên tôi hỏi thêm: “Sao ông không là kiến trúc sư nhỉ?”.

Họa sĩ Ngô Thành Nhân vẽ tranh.

Họa sĩ Ngô Thành Nhân vẽ tranh.

Họa sĩ Ngô Thành Nhân ngừng tay, mắt vẫn chăm chú nhìn vào bức tranh đang vẽ: “Ông nói thế là chưa đúng”. Tính của Ngô Thành Nhân là vậy, nghe ai hỏi gì thì chỉ trả lời với kiểu nói thủng thẳng như thế. Ví dụ như tôi đã hỏi: “Quê nhà mình ở thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên nhỉ?”. Tức thì Ngô Thành Nhân trả lời: “Ông nói như vậy là đúng rồi đấy”.

Đây là lần đầu tiên tôi được mục sở thị họa sĩ Ngô Thành Nhân vẽ tranh, bức tranh ông đang vẽ, mới nhìn tôi đã nhận ra ở góc trái có hình đất nước Việt Nam, điều lý thú là dải đất hình chữ S được ông vẽ từa tựa như một thiếu nữ mặc áo dài đỏ. Dáng hình thanh tao và đã thấy tảo tần.

Họa sĩ Ngô Thành Nhân bảo: “Tôi chuyên vẽ sơn mài nhưng bức tranh này tôi vẽ sơn acrylic để tham gia cuộc vận động sáng tác tranh chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025). Ông thấy tranh tôi thế nào?”. Còn thế nào nữa, rất ấn tượng là khác, cho dù vẽ acrylic “không phải sở trường” của ông nhưng phàm đã là họa sĩ lâu năm thì chất liệu nào cũng vẽ thành công cả. Họa sĩ Ngô Thành Nhân thấy tôi “nịnh” thế thì cười rõ to. Mọi khi thấy ông là người ít nói. Ngô Thành Nhân chỉ ngồi lặng lẽ quan sát và nghe người khác nói chuyện, hình như đấy là lúc ông “nhường” thôi chứ một khi đã “thăng hoa” rồi thì ông cũng nhiệt tình lắm.

Ngô Thành Nhân theo nghề hội họa hóa ra là nối nghiệp cha chứ không phải như tôi đã nghĩ. Thì ra, cụ Ngô Huy Quỳnh thời trẻ rất có năng khiếu hội họa và thi đỗ vào Trường Mỹ thuật Đông Dương. Khi học được 2 năm, những ông thầy người Pháp “chợt nảy ra ý định” tuyển chọn một số sinh viên mỹ thuật đang theo học tại trường để đào tạo kiến trúc sư. Đó là năm 1941, anh sinh viên Ngô Huy Quỳnh cùng các sinh viên cùng khóa như: Hoàng Như Tiếp, Nguyễn Văn Ninh, Nguyễn Cao Luyện... được chuyển lớp và 2 năm sau, 1943, họ trở thành những kiến trúc sư đầu tiên của Việt Nam được đào tạo trong nước.

Ra trường, kiến trúc sư trẻ Ngô Huy Quỳnh lập tức tham gia phong trào cách mạng đang nổi lên mạnh mẽ khắp cả nước. Vì thế, khi nước Việt Nam mới được thành lập, Chính phủ mới ra mắt quốc dân đồng bào và Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc “Tuyên ngôn độc lập” tại quảng trường Ba Đình, lễ đài Độc lập được thiết kế và thi công gấp rút, kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh đã đóng góp trí tuệ và công sức của mình cho cách mạng.

Nhưng, thẳm sâu trong lòng kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh vẫn nuôi ước nguyện được là một họa sĩ. Công việc cùng những năm tháng kháng chiến đã cuốn hết thời gian của cụ. Và, ước muốn từ thời trẻ trai ấy được dồn vào người con trai út của cụ - Ngô Thành Nhân.

Năm 1973, khi vừa 17 tuổi, cậu học sinh Hà thành Ngô Thành Nhân thi đỗ vào Trường Mỹ thuật Việt Nam. Ông theo học Khoa Sơn mài và gắn cuộc đời mình với nghiệp sơn mài từ đó. Họa sĩ Phạm Văn Đôn, một người đồng trang lứa với kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh từng bảo: “Ông có một thằng con đi đúng ước mơ họa sĩ xưa còn dang dở”. Tôi có lần nói đùa: “Tranh sơn mài chắc cũng như đồ mỹ nghệ sơn mài thôi”. Họa sĩ Ngô Thành Nhân quay phắt nhìn tôi: “Ông nói thế là chưa đúng”. Nói rồi, họa sĩ Ngô Thành Nhân lại phải ngừng tay vẽ để giảng giải: “Sơn mài có từ thời cổ đại, xuất phát từ Trung Quốc. Tuy nhiên, kỹ thuật mài mới là điều khác biệt lớn giữa đồ thủ công sơn mỹ nghệ với tranh sơn mài. Đặc biệt là tranh sơn mài của Việt Nam”.

Họa sĩ Ngô Thành Nhân hào hứng hẳn lên, đụng đến “chuyên môn” của ông có khác, ông giảng giải tiếp về tranh sơn mài của Việt Nam, theo đó thì: Ở nước ta, tranh sơn mài đã có lịch sử từ lâu đời. Dòng tranh này sử dụng các vật liệu truyền thống của nghề sơn như: Sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai... vẽ trên vóc màu đen.

Tuy nhiên, phải đến đầu thập niên 1930, lớp họa sĩ Việt Nam đầu tiên học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương đã tìm tòi và phát hiện thêm nhiều chất liệu đặc biệt trong dòng tranh sơn mài như vỏ trứng, ốc, cật tre..., họ đã tìm cách đưa những chất liệu có tính biểu đạt phong phú này vào việc duy trì kỹ thuật vẽ tranh sơn mài và tạo nên những kỹ thuật mới độc đáo, thực sự có giá trị.

Hồi học trong trường, sinh viên Ngô Thành Nhân được các thầy là những họa sĩ đầu đàn về tranh sơn mài như: Họa sĩ Nguyễn Kim Đồng và Nguyễn Đức Cường, những họa sĩ từng học Trường Mỹ thuật Đông Dương, trực tiếp giảng dạy. Nhờ kinh nghiệm và sự tận tình chỉ bảo của các họa sĩ bậc thầy và đáng kính về tranh sơn mài mà chàng sinh viên Ngô Thành Nhân như được “chắp thêm đôi cánh”. Từ những bức vẽ đầu tiên được các thầy khen ngợi và khích lệ, Ngô Thành Nhân đã phấn đấu trở thành không chỉ là một họa sĩ làm tranh sơn mài có tiếng mà xa hơn, ông còn là một chuyên gia về tranh sơn mài hiện nay. Ông đã nói: “Tranh sơn mài là cuộc đời của tôi”.

Tranh sơn mài của họa sĩ Ngô Thành Nhân về Hà Nội.

Tranh sơn mài của họa sĩ Ngô Thành Nhân về Hà Nội.

Những bức tranh sơn mài của họa sĩ Ngô Thành Nhân luôn cho người xem những cảm nhận mới mẻ. Được biết, để sáng tạo nên một tác phẩm sơn mài hoàn chỉnh, các họa sĩ phải trải qua nhiều công phu, tỉ mỉ, với thời gian trung bình khoảng 6 tháng. Chỉ nói đến thời gian để tạo nên tác phẩm không thôi cũng đủ thấy "khủng khiếp" cho những ai không thực sự yêu nghề và đam mê bộ môn nghệ thuật này. Chính bởi sự công phu và tỉ mỉ của nó mà sơn mài truyền thống có giá trị sử dụng rất lâu, có khi còn lâu hơn cả thời gian tồn tại của một đời người (từ khoảng 50-200 năm).

Họa sĩ Ngô Thành Nhân với tranh sơn mài của mình đã giành được nhiều giải thưởng. Ví dụ như năm 1984, Hội Văn nghệ Hà Nội khi đó đã trao thưởng cho bức tranh sơn mài mang tên là “Phố Hà Nội” của ông. Rồi, Hội Mỹ thuật Việt Nam trao giải thưởng cho bức tranh sơn mài “Yên tĩnh”, đó là năm 1992. Họa sĩ Ngô Thành Nhân bảo: “Tôi rất có duyên với dòng tranh sơn mài về Hà Nội, ông ạ”.

Cho đến nay, họa sĩ Ngô Thành Nhân đã vẽ hàng ngàn bức tranh sơn mài về Hà Nội. Nhiều tranh sơn mài của ông được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bảo tàng mỹ thuật của Singapore, Hong Kong và còn ở các bảo tàng mỹ thuật bên châu Âu nữa.

Tôi hỏi thêm: “Đấy là tranh sơn mài được các bảo tàng mỹ thuật chọn lựa để trưng bày. Thế ông có triển lãm cá nhân không?”. Lại câu trả lời: “Ông nói thế vẫn chưa đúng”. Được biết, suốt từ năm 1992 cho tới nay, tranh sơn mài của họa sĩ Ngô Thành Nhân liên tục “trình làng” qua các triển lãm. Ông nói thầm: “Tôi đã có hơn chục lần triển lãm cá nhân tại Hà Nội, tại TP Hồ Chí Minh, tại Huế và còn sang tận Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) (2 lần) để triển lãm nữa”.

Ngô Thành Nhân năm nay đã suýt soát bảy mươi tuổi, nhưng ở trong ông vẫn tiềm tàng nghệ thuật và còn nhiều ấp ủ. Tôi hỏi thêm: “Là chuyên gia thì dĩ nhiên rồi. Vậy, ông đã “truyền lửa” về tranh sơn mài cho thế hệ trẻ như thế nào?”. Họa sĩ Ngô Thành Nhân cho hay rằng, ngoài giảng dạy cho sinh viên Việt Nam, ông giảng dạy về làm tranh sơn mài cho các sinh viên Nhật Bản ở Hà Nội và còn sang Hàn Quốc để “truyền nghề” cho sinh viên bên đó nữa.

Tôi đứng dậy ngắm thêm lần nữa bức tranh tham dự cuộc vận động sáng tác chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam mà ông sắp hoàn thành. Chợt, trong tôi thầm nghĩ: Nếu bức tranh này được thể hiện bằng chất liệu sơn mài nữa thì thật quý giá.

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/hoa-si-ngo-thanh-nhan-tranh-son-mai-la-cuoc-doi-toi-i741205/