Hơn 1.000 tác giả biên soạn sách giáo khoa GDPT 2018 có trình độ Tiến sĩ trở lên
Ngày 29/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo về công tác biên soạn, xuất bản, sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo về công tác biên soạn, xuất bản, sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông và trưng bày sách giáo khoa Việt Nam và các nước vào sáng nay 29/9.
Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ; Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo một số trường đại học sư phạm; đại diện 63 Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị có chức năng, tham gia xuất bản sách giáo khoa.
1.574 tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhận định, việc triển khai biên soạn, thẩm định, phát hành sách giáo khoa đang diễn ra theo đúng kế hoạch; bảo đảm kịp thời triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 và lộ trình thực hiện tại Nghị quyết 51/2017/QH14.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành khá nhiều Thông tư như Thông tư 32 ban hành Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình các môn học; Thông tư 33; Thông tư 23 sửa đổi Thông tư 33 và Thông tư 05 là căn cứ pháp lý cho các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn, tổ chức thẩm định sách giáo khoa...
Bên cạnh đó, chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa cũng đã huy động được nhiều tổ chức, cùng đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục tham gia biên soạn sách giáo khoa. Quá trình tổ chức biên soạn, xây dựng bản mẫu, tiến hành thực nghiệm, nghiệm thu, lựa chọn sử dụng được thẩm định và kiểm soát chặt chẽ.
"Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi, quá trình biên soạn sách giáo khoa, xuất bản và sử dụng sách giáo khoa... cũng gặp phải không ít khó khăn. Do đó, hội thảo ngày hôm nay được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành sách giáo khoa; nhìn nhận khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ. Từ đó, đề xuất định hướng, giải pháp trong những năm tiếp theo để có được những bộ sách tốt nhất với giá thành phù hợp", Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay.
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, trong thời gian qua đã có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa gửi Bộ thẩm định bảo đảm kịp thời triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo yêu cầu tại Nghị quyết 88/2014/QH13 và lộ trình thực hiện tại Nghị quyết 51/2017/QH14.
Kết quả phê duyệt sách giáo khoa sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các khối lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 đã được phê duyệt và sử dụng trong các trường phổ thông;
Sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 đang được thẩm định và sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 của các tổ chức, cá nhân đang biên soạn đến thời điểm hiện tại đã khẳng định thành công của chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa.
Chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa đã huy động được nhiều tổ chức tham gia biên soạn sách giáo khoa, đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục tham gia vào quá trình biên soạn sách giáo khoa. Cụ thể:
Có 6 nhà xuất bản tham gia biên soạn, phát hành sách giáo khoa môn học/hoạt động giáo dục các khối lớp: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Vinh, Nhà xuất bản Đại học Huế;
3 tổ chức biên soạn sách giáo khoa, bao gồm Công ty Cổ phần Phát triển Giáo dục Việt Nam VPBOX; Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản Thiết bị Giáo dục Việt Nam VEPIC; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Xuất bản Giáo dục Việt Nam Victoria.
Thống kê cho thấy, tổng số có 1.574 tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa cho 6 khối lớp. Các tác giả đều đã được tập huấn về biên soạn sách giáo khoa và đạt tiêu chuẩn cá nhân viết sách giáo khoa theo quy định tại Thông tư số 33. Trên 2/3 số tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa có trình độ Tiến sĩ trở lên.
Các sách giáo khoa có những sáng tạo riêng trong cách thức trình bày, thể hiện nội dung đối với cùng một yêu cầu cần đạt trong Chương trình môn học/hoạt động giáo dục; các sách giáo khoa khác nhau lựa chọn ngữ liệu, hình ảnh khác nhau, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá được lựa chọn khác nhau làm đa dạng các bộ sách giáo khoa, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các địa phương với sự khác biệt đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hóa.
Tuy nhiên, còn một số nội dung, thuật ngữ được sử dụng trong các bản mẫu sách giáo khoa chưa đảm bảo tính liên thông giữa các môn học/hoạt động giáo dục. Tiến trình nội dung bài học của các bản mẫu sách giáo khoa trong một môn học còn có sự chênh lệch đáng kể giữa các sách giáo khoa khác nhau.
Chất lượng một số bản mẫu sách giáo khoa còn hạn chế, bên cạnh những lỗi về nội dung còn rất nhiều lỗi về mặt chính tả, câu từ, ngôn ngữ, hình ảnh,…
Đẩy nhanh tiến độ thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, việc thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa, các Hội đồng Quốc gia thẩm định có nhiều ý kiến nhận xét, góp ý để tác giả điều chỉnh, sửa chữa bản mẫu sách giáo khoa; biên bản của các Hội đồng góp ý thẩm định rất chi tiết, cụ thể để tác giả cấu trúc lại bản mẫu sách giáo khoa ở các vòng/đợt thẩm định tiếp theo với mục đích nâng cao chất lượng bản mẫu sách giáo khoa.
Tuy nhiên, việc xem xét, thẩm định đối với một vài văn bản, ngữ liệu đưa vào sách giáo khoa chưa chú ý đầy đủ các khía cạnh tác động xã hội; gây băn khoăn trong dư luận khi sách giáo khoa đưa vào sử dụng. Việc thẩm định sách giáo khoa còn cần phải thực hiện qua nhiều vòng, nhiều đợt dẫn đến việc phê duyệt danh mục sách giáo khoa còn chậm gây khó khăn trong việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho hay, thời gian tới Bộ sẽ tăng cường kiểm soát quá trình biên soạn sách giáo khoa theo quy định tại Thông tư số 05 ngay từ việc lựa chọn tác giả, biên soạn và thực nghiệm bài dạy minh họa của bản mẫu sách giáo khoa, đảm bảo chủ động về tiến độ chuẩn bị sách giáo khoa theo đúng lộ trình;
Tăng cường công tác thực nghiệm sách giáo khoa, khai thác góp ý sau thực nghiệm, xin ý kiến nội bộ để tăng cường chất lượng bản mẫu sách giáo khoa;
Tăng cường kiểm soát chất lượng thực nghiệm bản mẫu sách giáo khoa, đảm bảo bài thực nghiệm đại diện cho các chủ đề trong chương trình môn học/hoạt động giáo dục, đặc biệt đảm bảo tính khả thi của các bài thực hành, thí nghiệm, bài học dự án;
Bảo đảm sách giáo khoa tinh giản tối đa kênh chữ, kênh hình, khai thác hiệu quả hình ảnh và ngữ liệu để đảm bảo hiệu quả bài học và giảm giá thành sách giáo khoa;
Đẩy nhanh tiến độ thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa, dành thời gian để địa phương nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa, đáp ứng với điều kiện, đặc thù của từng vùng, miền;
Tăng cường việc tiếp nhận ý kiến đề xuất lựa chọn sách giáo khoa từ các cơ sở giáo dục phổ thông của Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp tỉnh;
Phối hợp tốt trong việc thông tin nhu cầu sử dụng sách giáo khoa của địa phương và cung ứng để bảo đảm đủ sách giáo khoa trước khai giảng năm học;
Tăng cường trang bị sách giáo khoa, sách tham khảo cho các thư viện trường học, đảm bảo giáo viên, học sinh có đủ sách giáo khoa, tài liệu để tham khảo trong quá trình dạy - học; huy động tận dụng, tái sử dụng sách giáo khoa đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.