'Hồn đất Việt' trong những tác phẩm 'Gốm chùa'

Màu tro bếp, màu nâu sồng của vạt áo, màu của đất mẹ, màu phai úa của thời gian trên những tác phẩm 'Gốm chùa' gợi nhớ trong tâm thức nhiều người về ký ức xưa, đồng thời phảng phất những chiêm nghiệm về cuộc sống nhân sinh bình dị đời thường.

Đường nét quê hương

Lần đầu tiên góp mặt tại triển lãm mỹ thuật Phật giáo với chủ đề “Tĩnh” tại TP.HCM, Đại đức Thích Đạo Nguyên, một tu sĩ trẻ để lại ấn tượng đặc biệt cho khách tham quan bởi những tác phẩm gốm nung củi độc bản của mình. Các tác phẩm mà thầy mang đến trưng bày thể hiện sự sáng tạo trong cách tạo hình, tinh tế trong kỹ thuật chế tác. Ẩn trong những tác phẩm mang sắc màu của thiền môn đó là một tâm hồn khoáng đạt, yêu thích tự do nhưng cũng chứa đầy những chiêm nghiệm về cuộc sống nhân sinh.

Người Việt chúng ta, chắc rằng không ai xa lạ với hình ảnh hoa sen, cây tre làng, quang gánh của mẹ trong những buổi chợ sớm… Những lớp cắt hết sức bình dị, gần gũi trong bức tranh của cuộc sống đời thường chốn làng quê ấy trở nên “sống động” dưới bàn tay của vị tu sĩ trẻ, được tùy biến một cách đầy cảm hứng trên những tác phẩm gốm.

 Mỗi tác phẩm cho dù cùng một tạo hình, có khi được làm ra trong cùng một thời điểm nhưng lại chẳng có cái nào giống cái nào. Sự độc đáo trong từng tác phẩm khiến chúng trở thành “độc bản” với sắc thái riêng

Mỗi tác phẩm cho dù cùng một tạo hình, có khi được làm ra trong cùng một thời điểm nhưng lại chẳng có cái nào giống cái nào. Sự độc đáo trong từng tác phẩm khiến chúng trở thành “độc bản” với sắc thái riêng

Mỗi cái ly, cái dĩa, bình trà, bình cắm hoa với tạo hình gần gũi, với mảng sáng tối của màu tro, màu đất dường như đưa người xem trở về một chốn bình yên quen thuộc, vốn bị lãng quên dần bởi những biến thiên của cuộc sống.

Điều đặc biệt là mỗi tác phẩm cho dù cùng một tạo hình, có khi được làm ra trong cùng một thời điểm nhưng lại chẳng có cái nào giống cái nào. Sự độc đáo trong từng tác phẩm khiến chúng trở thành “độc bản” với sắc thái riêng, không trùng lặp. Đó cũng là tinh thần tự do không ràng buộc, tùy duyên theo hoàn cảnh, tự tại trong thế giới riêng của mình mà thầy Đạo Nguyên muốn truyền tải đến với nhiều người trong các tác phẩm “Gốm chùa”.

Bên cạnh chủ đề cuộc sống quê hương đời thường, hình ảnh Phật giáo cũng xuất hiện rất nhiều trên những sản phẩm “Gốm chùa”. Việc sử dụng đất chùa để làm gốm, cũng như các món pháp khí như chuông, mõ, chùy… cho đến hình ảnh hoa sen, hình bóng tu sĩ, Đức Phật trở thành chủ đề chính được chuyển tải một cách sinh động và đầy thi vị.

Niềm đam mê với gốm nung củi

Mặc dù gây ấn tượng với nhiều người về những tác phẩm trưng bày của mình nhưng ít ai biết, thầy Đạo Nguyên chỉ mới bắt đầu học làm gốm cách đây 2 năm. Phải một lần trở về chùa Tăng Hội, trú xứ mà thầy đang tu học và cũng là nơi sản sinh ra những sản phẩm gốm đặc biệt đó thì mới hiểu hết được những vất vả, gian nan cũng như niềm đam mê với đất của vị tu sĩ trẻ với loại hình này.

Với thầy Đạo Nguyên, làm gốm cũng như một phương tiện để tu học. Những giây phút bên lò nung là khoảng thời gian để thầy hòa nhập vào không gian bên trong tâm thức của mình, quan sát, chiêm nghiệm sâu hơn những triết lý mà Phật dạy. Vì vậy, mỗi ngày sau khi hoàn thành các thời khóa công phu sám bái, công việc trong chùa, thầy dành tất cả thời gian còn lại cho việc làm gốm. Đặt hết tâm tư của mình trong những cục đất sét tưởng như là vô tri, thổi hồn vào đó để biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật.

Thầy Đạo Nguyên bên lò nung gốm

Thầy Đạo Nguyên bên lò nung gốm

Cũng theo chia sẻ của thầy, nhân duyên khởi phát lên niềm yêu thích làm gốm sau khi xem một video sinh tồn của một người nước ngoài trong rừng, với việc sử dụng lò nung bằng đất gò mối để chế tác các đồ vật để sử dụng hàng ngày. Bản thân thầy khi đó chợt nhớ đến các loại gốm truyền thống của dân tộc và nghĩ rằng bản thân có thể làm ra những sản phẩm tương tự.

Nghĩ là làm, thầy bắt đầu mày mò tìm hiểu và làm theo. Là người mới chập chững bước vào nghề, chẳng có ai hướng dẫn nên việc bắt chước gặp phải thất bại ngay từ lần đầu tiên, kết quả tất yếu là lò bị sập khi đang nung. Không bỏ cuộc, thầy tiếp tục tìm hiểu các kỹ thuật làm gốm, mua các trà cụ hay các sản phẩm gốm từ Nhật về để tham khảo, làm quen với các thao tác.

Việc khó nhất trong giai đoạn đầu là làm lò nung gốm. Ban đầu bắt chước theo kiểu lò Anagama (lò nung lỗ) của Nhật, tận dụng các loại gạch bỏ đi nhưng thất bại, nung ra sản phẩm gốm còn non, chưa đạt chuẩn về hình thức cũng như màu sắc. Làm sao để thiết kế một cái lò nung vừa đảm bảo tiêu chuẩn, vừa tiết kiệm chi phí, phù hợp với bản thân là điều mà thầy luôn trăn trở. Sau khi thất bại với hơn 5-6 lò nung, thầy đã tạo ra một lò nung của riêng mình bằng những chất liệu thông dụng, rẻ tiền như gạch, bông, khung sắt…

Điều đặc biệt đây là lò nung đầu tiên ở Việt Nam với kích thước nhỏ nhưng có thể nung trên 1.200 độ, tiết kiệm củi và thời gian rất nhiều (thời gian nung từ 8-12 tiếng) nhưng vẫn đảm bảo đúng các yêu cầu khắt khe khi nung đồ gốm, thậm chí là cả đồ sứ. Nhiều người trong nghề tỏ ra không tin vì để đạt những yêu cầu trên thì phải là những loại lò lớn, tiêu thụ vật liệu nhiều. Tuy vậy, những sản phẩm gốm liên tục ra lò đã chứng minh tất cả.

Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm "Tĩnh"

Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm "Tĩnh"

Mỗi sản phẩm làm ra, nhìn kết cấu đất sét còn rõ rệt cùng màu sắc giản dị nhưng nó là độc nhất, không cái nào giống cái nào bởi những biến đổi tự nhiên trong lò nung mà người thợ không thể lường trước được. Điều này đòi hỏi người làm gốm phải luôn tập trung và tỉ mỉ trong các thao tác của mình để điều chỉnh các yếu tố củi, lửa, tro, nhiệt độ. Đổi lại, những sản phẩm làm ra lại có nét riêng biệt, một “độc bản” mang đậm dấu ấn cá nhân của chủ nhân.

Những kiến thức, kinh nghiệm đó sau khi có được thầy đều chia sẻ rộng rãi cho người khác mà chẳng giữ lại cho riêng mình. Với mong muốn làm sao có một ngôi chùa làm gốm để gìn giữ truyền thống làm gốm nung củi. Cũng như có một không gian triển lãm trưng bày các sản phẩm bằng gốm tại chùa để nhiều người có cơ hội tiếp cận với loại hình này. Không gian đó giúp mọi người có thể vừa làm vừa chơi, và có những phút giây thư giãn, chiêm nghiệm thêm những triết lý của nhà Phật để có cuộc sống tinh thần an vui hơn.

Bài & ảnh: Quảng Đạo/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/hon-dat-viet-trong-nhung-tac-pham-gom-chua-post71891.html