Hưng Yên: Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh, ngành y tế chủ động ngăn ngừa

Từ ngày 1/7 đến nay, tỉnh Hưng Yên mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Hưng Yên cũ và Thái Bình cũ, dù vậy công tác giám sát và kiểm soát dịch bệnh vẫn được ngành y tế duy trì nghiêm túc và đồng bộ, không lơ là, chủ quan.

Khám, điều trị bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi Thái Bình (Hưng Yên).

Khám, điều trị bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi Thái Bình (Hưng Yên).

Trong 10 ngày qua, một số như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, Covid-19… tiếp tục ghi nhận rải rác ca mắc mới, tuy nhiên không có trường hợp nặng hoặc tử vong.

Cụ thể, toàn tỉnh ghi nhận 11 ca mắc sởi, rải rác tại các xã, phường. Trước khi sáp nhập, khu vực Hưng Yên ghi nhận 761 ca sốt phát ban mắc/nghi mắc sởi, khu vực Thái Bình ghi nhận 328 ca.

 Nhân viên y tế tỉnh Hưng Yên phun thuốc khử khuẩn vệ sinh môi trường.

Nhân viên y tế tỉnh Hưng Yên phun thuốc khử khuẩn vệ sinh môi trường.

Dù có xu hướng tăng vào thời điểm đầu năm, sau Tết Nguyên đán, nhưng số ca sốt phát ban mắc/nghi mắc sởi đã giảm mạnh trong các tuần gần đây. Điều đó cho thấy tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt nhờ sự quyết liệt trong các biện pháp phòng bệnh, cũng như triển khai hiệu quả chiến dịch , tiêm nhắc lại sởi.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue ghi nhận 2 ca mắc mới (trước sáp nhập, Hưng Yên ghi nhận 16 ca, Thái Bình 55 ca). Các ổ dịch cũ đã được xử lý, không có trường hợp nặng.

Bệnh tay chân miệng ghi nhận 21 ca. Các ca bệnh phân bố rải rác tại một số địa phương, không có trường hợp nặng hay tử vong. Tình hình được đánh giá là đang có xu hướng giảm nhẹ so với giai đoạn cao điểm trước đó.

 Kiểm tra, giám sát công tác tiêm chủng mở rộng tại các điểm tiêm chủng xã, phường trên địa bàn tỉnh.

Kiểm tra, giám sát công tác tiêm chủng mở rộng tại các điểm tiêm chủng xã, phường trên địa bàn tỉnh.

Như vậy, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh có 740 ca mắc tay chân miệng được phát hiện, tuy nhiên tất cả đều ở thể nhẹ, được điều trị kịp thời, không có ca tử vong.

Hưng Yên cũng ghi nhận 30 ca mắc Covid-19, tất cả các trường hợp đều diễn biến nhẹ, không có bệnh nhân chuyển nặng hay tử vong. Các ca mắc được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, không ghi nhận tình trạng lây lan thành ổ dịch.

Dữ liệu thống kê trong 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy: Khu vực Hưng Yên đã có 218 ca mắc Covid-19, khu vực Thái Bình có 246 ca. Tất cả đều là các ca bệnh đơn lẻ, rải rác tại nhiều địa phương, không có trường hợp nào tử vong.

Đáng chú ý, số ca mắc Covid-19 có xu hướng gia tăng vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh đã có dấu hiệu giảm dần.

Hội chứng cúm có 505 ca, chủ yếu là cúm A, cúm B thông thường, không phát hiện các chủng cúm độc lực cao như H5N1, H7N9. Công tác giám sát dịch tại cộng đồng, trường học, khu công nghiệp… tiếp tục được duy trì.

Ngành y tế khuyến cáo người dân trong thời gian tới tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn; tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi tiếp xúc đông người; diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Người có triệu chứng sốt, phát ban, ho, đau họng… cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời; không lơ là chủ quan, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sẽ góp phần quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho các gia đình và cộng đồng.

MAI TÚ-HOÀNG THÍA

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hung-yen-nhieu-dich-benh-truyen-nhiem-phat-sinh-nganh-y-te-chu-dong-ngan-ngua-post892861.html