Kết nối cộng đồng, giữ hồn văn hóa
Nhà rông là biểu tượng văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Đây không đơn thuần là một công trình kiến trúc, mà còn là nơi lưu giữ hồn cốt của buôn làng, là không gian linh thiêng chứa đựng những giá trị tinh thần sâu sắc gắn với đời sống cộng đồng.
Vẻ đẹp trường tồn với thời gian
Trải qua bao biến thiên của thời gian và sự đổi thay của xã hội, nhà rông vẫn vững chãi như một minh chứng sống động cho sức sống văn hóa bền bỉ. Đặc biệt, ở phía tây của Quảng Ngãi, những ngôi nhà rông vẫn hiện hữu, được đồng bào Xơ Đăng, Ba Na, Gié Triêng... gìn giữ như một phần máu thịt.
Mới đây, tại thôn Kon K’Lốc, xã Đăk Mar, nơi có trên 95% dân số là đồng bào Xơ Đăng, đã diễn ra một sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt với người dân. Đó là lễ khánh thành nhà rông. Ngôi nhà rông cao 15m, rộng 8m, dài 13m được xây dựng hoàn toàn theo kiến trúc truyền thống. Công trình được thực hiện theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân làm”. Trong đó, ngân sách địa phương hỗ trợ 20 triệu đồng; người dân tự nguyện đóng góp hơn 100 triệu đồng và trên 1.000 ngày công.

Mái nhà rông gắn liền với cuộc sống của người dân xã Đăk Tô.
“Cái khó nhất là kiếm được lồ ô, rươi và tranh cho đúng chất nhà rông. Mọi người phân chia công việc, phải tìm cho bằng được nguyên vật liệu. Nhà rông là cái hồn, là trái tim của mọi người, không thể làm qua loa được. Sau 2 tháng thi công, nhà rông đã hoàn thành. Đây là thành quả của tinh thần đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng của cả cộng đồng", Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Kon K’Lốc A Thiêk chia sẻ.
Tại nhà rông mới, các hoạt động sinh hoạt cộng đồng diễn ra thường xuyên, là nơi họp thôn, tổ chức sự kiện truyền thống và đặc biệt là không gian truyền dạy văn hóa dân gian cho thế hệ trẻ. Câu lạc bộ Văn hóa dân gian của thôn hiện có hơn 40 thành viên; với các buổi truyền dạy cồng chiêng, múa xoang được duy trì đều đặn. Em A Sơn - thành viên Câu lạc bộ Văn hóa dân gian thôn Kon K’Lốc chia sẻ, được sinh hoạt trong câu lạc bộ, em càng thấy rõ trách nhiệm của mình với việc gìn giữ văn hóa truyền thống. Những giá trị về văn hóa giúp em thêm trưởng thành, tự hào và mong muốn được góp phần làm cho làng mình phát triển hơn nữa.
Chung tay giữ gìn
Là một trong những nghệ nhân đầu tiên của xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, bà Y Khar, ở thôn Kon K’Lốc, đã dành trọn cuộc đời để bảo tồn và truyền dạy những giá trị văn hóa truyền thống gắn liền với nhà rông. “Nhà rông là linh hồn của làng. Ở đó có tiếng cồng chiêng của cha ông, có những lễ hội mà con cháu phải nhớ. Nếu không có nhà rông, không có chỗ để truyền lại thì dần dần con em mình sẽ quên mất “ngọn lửa” mà các thế hệ đi trước đã thắp nên. Tôi thấy việc làm lại nhà rông là điều vô cùng cần thiết và ý nghĩa”, nghệ nhân Y Khar bộc bạch.
Nhìn từ thôn Kon K’Lốc có thể thấy rõ, nhà rông không chỉ là biểu tượng văn hóa mà còn là một phần không thể thiếu trong nỗ lực xây dựng cộng đồng gắn kết, phát triển bền vững của bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Hình ảnh ngôi nhà rông vươn cao giữa núi rừng, nơi tiếng cồng chiêng ngân vang, nơi già làng dạy chuyện xưa tích cũ, là minh chứng sinh động cho sức sống văn hóa Tây Nguyên vẫn tiếp tục được bồi đắp.

Kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Xơ Đăng.
Không chỉ ở thôn Kon K’Lốc, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng đang có những hoạt động tích cực gìn giữ không gian văn hóa nhà rông. Tại xã Đăk Tô, người dân thôn Kon Tu Dốp 2 đã chủ động góp tiền mua cồng chiêng mới, tổ chức lớp truyền dạy nghệ thuật đánh chiêng hằng tuần. Hay tại xã Kon Đào, đội chiêng xoang do các nghệ nhân cao tuổi hướng dẫn đã thu hút nhiều thanh thiếu niên tham gia. Rồi ở các xã vùng sâu như Ngọc Linh, Đăk Plô..., nhà rông cũng được coi là trung tâm kết nối cộng đồng, vừa là nơi hội họp, vừa là sân chơi cho các câu lạc bộ thanh niên, phụ nữ phát huy bản sắc văn hóa.
Điều đáng ghi nhận là ở hầu hết các địa phương, thế hệ trẻ đang chủ động tiếp nhận, gìn giữ và lan tỏa văn hóa truyền thống. Không ít các em tuổi đời còn rất trẻ đã trở thành hạt nhân tích cực trong bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng, múa xoang và tổ chức các nghi lễ truyền thống gắn với nhà rông. Chính tinh thần ấy là yếu tố then chốt giúp không gian nhà rông không bị lãng quên giữa nhịp sống hiện đại.
Thực tế cho thấy, việc gìn giữ nhà rông không chỉ đơn thuần là bảo tồn một kiến trúc truyền thống, mà còn là giữ gìn linh hồn, mạch nguồn văn hóa nuôi dưỡng cộng đồng. Trong dòng chảy văn hóa Việt, việc giữ gìn mạch nguồn văn hóa chính là lưu giữ hồn cốt của đất và người. Để rồi, từ một ngôi nhà rông, một mái nhà sàn cộng đồng thêm bền chặt, dân tộc thêm vững bước trên con đường hội nhập.
Bài, ảnh: TẤT THÀNH
Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/ket-noi-cong-dong-giu-hon-van-hoa-54430.htm