Kết thúc VAW 2023: Lan tỏa vai trò của trọng tài và hòa giải thương mại
Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp khẳng định, trong những năm qua, trọng tài và hòa giải thương mại Việt Nam đã có những bước tiến lớn và mạnh mẽ và chỉ đứng sau Singapore. Và với việc tổ chức Tuần lễ Trọng tài và hòa giải thương mại Việt Nam 2023 (VAW 2023), vai trò của trọng tài và hòa giải được biết đến nhiều hơn.
Xây dựng hệ sinh thái cho trọng tài thương mại Việt Nam
Trong khuôn khổ Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2023 (VAW2023) do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Câu lạc bộ luật sư Thương mại Quốc tế ((VBLC) tổ chức (từ ngày 08 - 12/05), sáng 12/05 đã diễn ra Hội nghị “Sẵn sàng cho những đột phá trong trọng tài quốc tế Việt Nam”
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VIAC chia sẻ, trong giao thương và đầu tư xuyên biên giới, có tới hơn 90% các DN lựa chọn sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án (ADRs) chứ không đưa tranh chấp phát sinh ra các Tòa án quốc gia.
Theo Chủ tịch VIAC, nhận định này dựa trên kết quả khảo sát được thực hiện liên tục trong nhiều năm của Trường luật Queen Mary, Đại học London, Anh Quốc; Và gần đây nhất trong báo cáo năm 2021, kết quả khảo sát vẫn khẳng định xu hướng sử dụng ADRs thay cho phương thức Tòa án hầu như không thay đổi kể cả sau đại dịch COVID-19.
“VAW 2023 đã gần hết hành trình. Sau rất nhiều thảo luận về những biến động, rủi ro và cơ hội; về các tranh chấp ở các lĩnh vực/ngành nghề cụ thể, cũng như đã đi sâu vào nhiều khía cạnh của thủ tục trọng tài; hòa giải quốc tế… Nhìn toàn cảnh bức tranh chung về nền tài phán trọng tài của Việt Nam, ngẫm nghĩ và trao đổi về chặng đường sắp tới, chúng ta đang mong chờ những thay đổi tích cực ở tất cả các yếu tố..”- TS Vũ Tiến Lộc gợi mở.
Theo Chủ tịch VIAC, các yếu tố đó là: Luật Trọng tài thương mại (TTTM) 2020 đã bảo vệ được những điểm tốt của Luật TTTM 2010; bổ sung các quy định còn thiếu dựa trên tham khảo Luật Mẫu 2010; Bộ Tư pháp đã dành nhiều quan tâm hơn khi thực hiện chức năng quản lý và thúc đẩy thị trường TTTM; Hệ thống Tòa án, các thẩm phán ủng hộ các thủ tục trọng tài, các phán quyết trọng tài khi thực hiện thẩm quyền giám sát tư pháp của mình; Cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục quan điểm tiếp cận không phân biệt phán quyết trọng tài hay Bản án của Tòa án và hỗ trợ nhiều hơn các Hội đồng trọng tài.
“Tất cả các yếu tố này cùng nhau tạo nên một hệ sinh thái cho TTTM thực sự phát triển, để TTTM giúp chia sẻ gánh nặng với hệ thống Tòa án, giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn cho trọng tài quốc tế…”- Chủ tịch VIAC nhấn mạnh.
Vươn tầm khu vực và quốc tế...
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết, đây là năm thứ hai bà vinh dự được tham dự Tuần lễ Trọng tài và hòa giải thương mại (VAW) do VIAC chủ trì.
“Có thể thấy, với sự năng động, trách nhiệm của VIAC và của cộng đồng hòa giải, chúng ta đã có một VAW hết sức thành công với hàng ngàn người tham gia trực tiếp và gián tiếp và có rất nhiều hoạt động đã được triển khai trong suốt tuần lễ vừa qua để quảng bá cho hoạt động trọng tài, hòa giải và cũng đồng thời để nâng tầm ảnh hưởng và vị trí của trọng tài hòa giải trong việc giải quyết tranh chấp các tranh chấp hợp đồng. Qua đó cũng tạo điều kiện để nâng chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng và tạo ra môi trường kinh doanh trong sáng, lành mạnh hơn, thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài đầu đến nước ta…”- bà Mai phát biểu.
Đại diện Bộ Tư pháp đánh giá, VAW 2023 được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp hơn và gây được tiếng vang nhất định trong cộng đồng trọng tài hòa giải, trong cộng đồng DN và cộng đồng luật sư.
Đặc biệt, sự kiện đã thu hút được sự tham gia đầy đủ, nhiệt tình cũng như sự chú ý của cộng đồng trọng tài, hòa giải không chỉ ở Việt Nam mà của các nước trong khu vực và trên quốc tế.
“Có thể nói đây là một sự nỗ lực rất lớn cũng như sự đam mê nhiệt huyết của cả tập thể các thành viên trong “ngôi nhà chung” VIAC cũng như là các thành viên trong cộng đồng hòa giải, các chuyên gia, luật sư, các em học sinh cũng tham gia, hưởng ứng rất tích cực. ..”- Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp ghi nhận và kỳ vọng đây cũng là dấu ấn mà chúng ta sẽ đặt nền móng cho các hoạt động sau này.
Nhấn mạnh VAW 2023 cũng diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt, đó là VIAC kỷ niệm 30 năm ngày chính thức thành lập và Hội luật gia Việt Nam đang thực hiện một sứ mệnh rất quan trọng là xây dựng sửa đổi bổ sung một số điều của Luật TTTM, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Nguyễn Thị Mai khẳng định: “Đó là mục tiêu, mong muốn hoàn thiện hơn nữa thể chế về hoạt động trọng tài và đưa hoạt động trọng tài tiệm cận gần hơn với luật mẫu và qua đó sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động trọng tài và hòa giải…”
Trong bài phát biểu, bà Mai cũng chia sẻ, vào tuần trước, Bộ Tư pháp cũng tổ chức hội nghị tương tự nhưng không nằm trong hoạt động của VAW 2023.
“Nhưng đó cũng là một cách mà chúng tôi hưởng ứng và tri ân tới cộng đồng trọng tài viên và hòa giải viên nói riêng và các hoạt động trọng tài và hòa giải thương mại đã đóng góp cho hoạt động các hoạt động trọng tài của chúng ta trong suốt những năm qua. Chúng ta đã có những bước tiến lớn và mạnh mẽ và cũng thể hiện được cộng đồng trọng tài và hòa giải của chúng ta cũng chỉ đứng sau Singapore, điều này là một điều rất vui và sẽ là nền tảng cho chúng ta tiếp tục phát triển và hy vọng là trọng tài và hòa giải sẽ ngày càng được ưa chuộng và phát triển hơn…”- bà Mai khẳng định.
Cũng theo bà Mai, trong bối cảnh hội nhập nhiều hơn với quốc tế và trong bối cảnh các nước ASEAN đang cạnh tranh để trở thành những trung tâm giải quyết tranh chấp thay thế ngoài Tòa án, thông qua VAW 2023, vai trò của trọng tài và hòa giải được biết đến nhiều hơn, nhận thức của trọng tài và hòa giải sẽ được nâng cao hơn một bước nữa và tạo nền tảng cho trọng tài và hòa giải của chúng ta ngày càng phát triển.
“Chúng ta cũng rất mong muốn thông qua hoạt động như thế này thì sẽ thu hút thêm nhiều người tham gia. Và các VAW sau sẽ có cả sự đồng hành của cơ quan nhà nước, không chỉ riêng cộng đồng trọng tài và hòa giải của các cơ quan nhà nước, của các cơ quan có liên quan và rộng hơn là DN và tất cả những người quan tâm tới việc phát triển kinh tế, tới việc phát triển môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh của Việt nam tham gia…” - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Nguyễn Thị Mai nhấn mạnh.