Khám sức khỏe định kỳ: Đầu tư nhỏ, lợi ích lớn

Thực tế cho thấy không ít người dân vẫn thờ ơ, xao lãng hoặc trì hoãn việc khám sức khỏe định kỳ vì nhiều lý do khác nhau. Khi có dấu hiệu bất thường, đến bệnh viện thì đã quá muộn, chi phí điều trị cao và khả năng phục hồi thấp.

Phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm sẽ giúp tăng khả năng điều trị thành công. Ảnh: BV Bạch Mai.

Phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm sẽ giúp tăng khả năng điều trị thành công. Ảnh: BV Bạch Mai.

Chưa trở thành thói quen

Mỗi năm, hàng nghìn bệnh nhân ung thư tại Việt Nam nhập viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Tại Bệnh viện K, con số này chiếm tới hơn 70% tổng số ca được tiếp nhận, theo thống kê gần đây của Bộ Y tế. Thực tế ấy không chỉ phản ánh đặc điểm tiến triển âm thầm của nhiều loại ung thư, mà còn cho thấy một điều đáng lo ngại: nhiều người vẫn chưa xem trọng việc khám sức khỏe định kỳ, dù lợi ích đã được khẳng định từ lâu.

Khái niệm “khám khi có bệnh” vẫn ăn sâu trong suy nghĩ của không ít người. Nhiều bệnh nhân từng được phát hiện ung thư gan, đại trực tràng hoặc dạ dày ở giai đoạn muộn thừa nhận trước đó đã nhiều tháng, thậm chí nhiều năm không đi kiểm tra sức khỏe. Trong một trường hợp ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai, một người đàn ông trên 60 tuổi chỉ đi khám sau gần một năm tự điều trị đau bụng tại nhà, đến khi không ăn được mới nhập viện và được chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn tiến xa. Theo nhận định của bác sĩ, nếu được phát hiện trước đó 6 tháng, cơ hội điều trị triệt căn sẽ cao hơn nhiều.

Không chỉ riêng ung thư, nhiều bệnh mạn tính nguy hiểm khác cũng diễn tiến âm thầm trong nhiều năm mà không có triệu chứng rõ rệt. Bệnh thận mạn là một ví dụ điển hình. Số liệu từ Bệnh viện Quân y 103 và các bệnh viện tuyến trung ương cho thấy, ngày càng nhiều người trẻ phát hiện bị suy thận ở giai đoạn cuối khi đã có dấu hiệu phù nề, huyết áp tăng cao, nhưng trước đó chưa từng đi xét nghiệm chức năng thận.

BSCKII Bùi Thị Thu Hằng (Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp) chia sẻ: “Nhiều bệnh nhân suy thận mạn đến viện khi đã ở giai đoạn cuối, trong khi tổn thương thận hoàn toàn có thể được phát hiện từ rất sớm nhờ việc thăm khám sức khỏe định kỳ”.

Với các bệnh truyền nhiễm, tâm lý chủ quan cũng không ít lần khiến người bệnh đánh mất “khoảng thời gian vàng” để điều trị. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đã từng ghi nhận trường hợp bệnh nhân mắc cúm A nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, phải thở máy và lọc máu liên tục. Trước đó, bệnh nhân tự điều trị tại nhà bằng thuốc cảm thông thường và không đi khám vì nghĩ rằng “chỉ cảm cúm nhẹ”. Thực tế, hệ miễn dịch của người trưởng thành – đặc biệt là nhóm có bệnh nền hoàn toàn có thể suy sụp nhanh chỉ trong vài ngày nếu không được chẩn đoán và theo dõi kịp thời.

Bệnh diễn biến âm thầm

Một lý do phổ biến khác khiến nhiều người trì hoãn việc khám định kỳ là cảm thấy đây là việc làm không cần thiết: “Tôi cảm thấy khỏe mạnh bình thường, vậy đến viện làm gì?” – không ít người dân khi được hỏi bày tỏ.

Tuy nhiên, theo phân tích từ chuyên gia y tế, cảm giác khỏe không đồng nghĩa với việc không có bệnh. “Đây là một nhận thức rất nguy hiểm” - PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Nhiều bệnh lý nghiêm trọng như cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, viêm gan B, ung thư gan... có thể tồn tại âm thầm trong nhiều năm mà người bệnh không hề hay biết. Khi phát hiện thì đã quá muộn.”

Theo bà Xuyên, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tiểu đường, viêm gan B, các tổn thương tiền ung thư… đều có thể tồn tại âm thầm trong cơ thể người bệnh nhiều năm mà không biểu hiện rõ rệt. Đến khi phát hiện thì đã bước sang giai đoạn biến chứng, điều trị khó khăn, chi phí cao và tiên lượng kém hơn rất nhiều.

Đáng lưu ý, chính sự bận rộn của cuộc sống hiện đại, cùng với tâm lý ngại khám, ngại phát hiện bệnh – đang khiến việc chăm sóc sức khỏe mang tính bị động. Khi người dân chỉ đi khám vì một triệu chứng rõ rệt nào đó, thì rất có thể cơ hội can thiệp sớm đã trôi qua. Và khi ấy, y học không còn ở thế chủ động, mà chỉ có thể “đi sau” để xử lý hậu quả.

Phát hiện sớm để kiểm soát bệnh hợp lý

Theo ThS.BS Nguyễn Thị Ngọc - Khoa Khám bệnh và Nội khoa (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec): “Một người trông có vẻ ngoài khỏe mạnh nhưng có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật. Có những bệnh lý nghiêm trọng đôi khi chỉ được phát hiện tình cờ khi siêu âm, chụp X-quang… trong quá trình khám sức khỏe, mặc dù người bệnh không hề có triệu chứng gì. Khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn, điều trị trở nên khó khăn, tốn kém và ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống”.

Khám sức khỏe định kỳ, vì thế, không đơn thuần là kiểm tra xem có bệnh hay không, mà còn là bước đầu để đánh giá toàn diện sức khỏe hiện tại, dự đoán các yếu tố nguy cơ và có chiến lược kiểm soát hợp lý.

Tuy nhiên, khám sức khỏe định kỳ không nên thực hiện theo một mô hình cố định cho mọi đối tượng, mà cần tùy biến theo độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, tiền sử cá nhân và môi trường sống, làm việc.

BS Nguyễn Thị Ngọc khuyến cáo, người trong độ tuổi 18 - 30 nên tập trung khám sàng lọc các bệnh truyền nhiễm, bệnh lây qua đường tình dục và kiểm tra sức khỏe sinh sản, sức khỏe tiền hôn nhân. Ở lứa tuổi 30 - 40, cần bắt đầu tầm soát bệnh tim mạch, tiểu đường, rối loạn lipid máu, gout… và ung thư phụ khoa ở nữ giới. Còn từ tuổi trung niên trở đi, việc tầm soát cần mở rộng thêm các bệnh lý ung thư phổ biến như ung thư gan, dạ dày, vòm họng, phổi và tuyến tiền liệt ở nam giới.

Với những người có yếu tố nguy cơ cao – như tiền sử gia đình mắc bệnh lý mạn tính, hút thuốc lá, uống rượu thường xuyên, ít vận động tần suất khám nên nhiều hơn, đồng thời cần phối hợp thêm các xét nghiệm chuyên biệt tùy bệnh lý nền. Việc thăm khám không chỉ nhằm chẩn đoán mà còn là một quy trình quản lý sức khỏe dài hạn, giúp mỗi người hiểu rõ hơn về cơ thể mình, điều chỉnh hành vi, sinh hoạt và có phương pháp dự phòng đúng đắn.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/kham-suc-khoe-dinh-ky-dau-tu-nho-loi-ich-lon-10311414.html