Khánh Hòa: Nhân viên bảo vệ kịp thời cấp cứu cho người đàn ông bị ngưng tim
Sơ cấp cứu ban đầu tại cộng đồng được thực hiện sớm là yếu tố quan trọng giúp người bệnh có cơ hội sống trước khi được đội ngũ y tế chuyên nghiệp chăm sóc, điều trị.

hướng dẫn các bước cơ bản trong kỹ thuật ép tim. (Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN)
Sơ cấp cứu ban đầu tại cộng đồng được thực hiện sớm là yếu tố quan trọng giúp người bệnh có cơ hội sống trước khi được đội ngũ y tế chuyên nghiệp chăm sóc, điều trị.
Mới đây, tại bãi biển phường Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), anh Trần Đỗ Trọng Đại - nhân viên bảo vệ, hiện công tác tại Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa đã tình cờ có mặt và kịp thời sơ cứu cho một bệnh nhân bị ngưng tim, ngưng thở. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện và đã hồi phục.
Anh Đại kể lại, khi phát hiện ông T.V.T (67 tuổi, phường Nha Trang) đi cúi người, mệt mỏi từ phía dưới biển lên và gục ngã ngay bãi cát, có biểu hiện ngừng thở, bất tỉnh, anh đã nhanh chóng thực hiện các động tác sơ cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực, hô hấp nhân tạo và gọi điện thoại đến Trung tâm cấp cứu 115; đồng thời hô hào để người dân xung quanh cùng hỗ trợ.
Anh Đại được đào tạo các động tác sơ cấp cứu ngay từ khi vào làm việc cho công ty bảo vệ. Khi làm nhiệm vụ bảo vệ ở Trung tâm cấp cứu 115 Khánh Hòa, anh đã chứng kiến và học hỏi thêm các thao tác của những y, bác sĩ nơi đây khi cấp cứu.
Nhờ đó, anh dần hoàn thiện phương pháp thực hiện sơ cứu các trường hợp khi cần thiết. Vì vậy, khi gặp tình huống nguy cấp ngoài đời, việc sơ cứu cho người gặp nạn được anh Đại mạnh dạn thực hiện và đã có hiệu quả.
Sáng 23/7, sức khỏe của bệnh nhân T.V.T đã ổn hơn, không còn thở bằng máy. Người nhà của ông T đã gửi lời cảm ơn chân thành đến anh Đại và đội ngũ y, bác sỹ của Trung tâm cấp cứu 115, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.
Qua câu chuyện của mình, anh Đại mong muốn mỗi người dân khi gặp tình huống tương tự có thể mạnh dạn thực hiện các biện pháp sơ cấp cứu để cứu người.
Theo bác sỹ Lê Trần Anh Thi, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 tỉnh Khánh Hòa, câu chuyện trên là một ca bệnh được đơn vị tiếp nhận vào sáng 20/7/2025.
Từ lúc tiếp nhận cuộc gọi đến lúc nhân viên y tế của Trung tâm có mặt tại hiện trường chỉ mất 3 phút. Trong quá trình tiếp nhận cuộc gọi, nhân viên y tế đã hướng dẫn người sơ cấp cứu bình tĩnh, thực hiện các biện pháp ban đầu tại hiện trường.
Thời điểm tiếp nhận bệnh nhân ở bãi biển, ông T đã rơi vào tình trạng hôn mê ngưng tim, ngưng thở hoàn toàn, đồng tử không phản xạ ánh sáng; trên người còn dính cát, không có dịch mũi, miệng.
Bệnh nhân được chẩn đoán ngưng tuần hoàn hô hấp nghi do bệnh lý tim mạch. Các y, bác sỹ đã tiến hành xử trí cấp cứu tại chỗ ép tim ngoài lồng ngực; đặt nội khí quản, bóp bóng có oxy; tiêm Adrenaline (1mg) qua nội khí quản và tĩnh mạch.
Sau 10 phút hồi sức, ông T bắt đầu có mạch trở lại, phản xạ thở ngáp, sắc da hồng nhạt. Bệnh nhân đã được chuyển lên xe cấp cứu đưa vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa; sau đó được chuyển vào Khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc để tiếp tục điều trị và theo dõi.
Bác sỹ Lê Trần Anh Thi đánh giá cao hành động sơ cấp cứu ban đầu tại cộng đồng của người dân, bởi đây là thời gian "vàng" để cứu người gặp nạn trước khi y tế chuyên nghiệp có mặt.
Thời điểm mấy tháng hè vừa qua, trên bãi biển vịnh Nha Trang đã có 5 ca bệnh đều có biểu hiện ngưng tim, ngưng thở. Nhờ có sự hỗ trợ của người dân tại chỗ trong hoạt động sơ cấp cứu ban đầu dưới sự hướng dẫn của Trung tâm cấp cứu 115, các ca bệnh đều bước qua "cửa tử”, sức khỏe dần hồi phục.
“Những đôi bàn tay của cộng đồng trong sơ cấp cứu ban đầu đối với bệnh nhân ngừng tim, ngừng thở là rất quan trọng. Họ là những người đầu tiên tiếp cận với người bệnh nhân trong thời điểm “vàng” cứu người, làm nên những điều kỳ diệu, hỗ trợ người bệnh có thêm cơ hội sống.
Khi ai đó chưa tự tin hoặc chưa biết cách sơ cấp cứu hãy mạnh dạn gọi điện thoại đến Trung tâm cấp cứu 115, nhân viên ở đây sẽ hướng dẫn cụ thể cho bạn cách làm, để cứu người”, bác sĩ Lê Trần Anh Thi khuyến khích.
Để thực hiện các biện pháp sơ cấp cứu ban đầu tại cộng đồng an toàn, có hiệu quả đối với các bệnh nhân bị ngừng thở như bị đuối nước, điện giật, em bé bị sặc sữa…, bác sỹ Lê Trần Anh Thi đã hướng dẫn 3 bước quan trọng.
Đầu tiên, đưa nạn nhân đến nơi an toàn, cách ly với nơi nguy hiểm (cách ly nguồn điện, đưa nạn nhân lên khỏi mặt nước…); sau đó tiếp cận, đánh giá tình hình của bệnh nhân (kiểm tra nhịp tim, mạch đập) và thực hiện gọi điện thoại cho 115, mở loa ngoài để được hướng dẫn cách cấp cứu ban đầu tại chỗ; đồng thời hô hoán người xung quanh cùng hỗ trợ.
Cuối cùng, quan trọng nhất trong chuỗi này là thực hiện biện pháp ép tim ngoài lồng ngực, cần thực hiện liên tục 10 phút không thả tay, vị trí ép ngay chính ngực, lực ép vừa đủ.
Thời gian qua, các nhân viên y tế của Trung tâm cấp cứu 115 Khánh Hòa đã được chuyển giao, tập huấn các lớp sơ cứu, hồi sức tim phổi, chấn thương từ các bác sỹ trong nước và quốc tế theo tinh thần chuyên nghiệp, chuyên sâu.
Hiện Trung tâm đã tiến hành tập huấn, chuyển giao biện pháp sơ, cấp cứu cộng đồng cho một số đơn vị trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.../.