Khi làng nghề trở thành điểm đến

Nghề, làng nghề truyền thống với những 'bản sắc' văn hóa được lưu giữ là tiềm năng cho phát triển du lịch. Tuy nhiên, biến tiềm năng thành 'sản phẩm' thực tế, để nghề, làng nghề truyền thống thực sự trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm hấp dẫn du khách thì cần có những cách làm hiệu quả...

Làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống làng Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm (Bá Thước) đang dần hồi sinh, phát triển và nỗ lực trở thành điểm đến cho du khách khi về với Pù Luông.

Làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống làng Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm (Bá Thước) đang dần hồi sinh, phát triển và nỗ lực trở thành điểm đến cho du khách khi về với Pù Luông.

Nghề truyền thống được du lịch “chắp cánh”

Năm 2018, nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè (Trà Đông) được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là sự khẳng định và vinh danh xứng đáng cho giá trị của một làng nghề truyền thống. Năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng có quyết định công nhận Điểm du lịch Làng nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè (Trà Đông). Điều này có nghĩa, không dừng lại chỉ ở làng nghề sản xuất hàng hóa, Trà Đông còn là điểm tham quan du lịch, tìm hiểu về một nghề truyền thống cho du khách.

Cùng với việc đa dạng hóa các sản phẩm đúc đồng, từ đồ thờ đến đồ trang trí, trưng bày, từ kích cỡ nhỏ đến lớn, đơn giản đến phức tạp... những năm qua, sản phẩm đúc đồng của những nghệ nhân Kẻ Chè đã chinh phục khách hàng cả trong và ngoài tỉnh, mang lại thu nhập ổn định cho người dân làng nghề.

Chị Lại Thị Châm, chủ một cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ đồng làng Trà Đông, chia sẻ: “Nghề truyền thống của gia đình tôi được tiếp nối bởi nhiều thế hệ. Tuy nhiên, so với ngày trước thì sản phẩm bây giờ làm ra đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại hơn. Ngoài những sản phẩm truyền thống, chủ đạo thì cũng tùy theo nhu cầu, thị hiếu của khách hàng để chúng tôi sản xuất. Hiện nay, gia đình tôi tạo việc làm thường xuyên cho 9 lao động. Những năm gần đây có nhiều đoàn khách khi về du lịch Thanh Hóa cũng ghé thăm làng nghề, cơ sở sản xuất để mua sắm. Nhờ đó, sản phẩm tiêu thụ cũng tốt hơn”.

Bà Trần Thị Hiên, công chức văn hóa xã hội xã Thiệu Trung, cho biết: “Thiệu Trung là vùng đất cổ xưa với nhiều giá trị văn hóa, lịch sử được lưu giữ. Khi nghề đúc đồng truyền thống được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Làng nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè được công nhận là điểm du lịch, cùng với đó là đền thờ Lê Văn Hưu (xã Thiệu Trung) được công nhận điểm du lịch thì lượng khách tham quan về với địa phương tăng qua từng năm. Năm 2022, xã Thiệu Trung ước đón trên 6.500 lượt khách; năm 2023 là khoảng 7.750 lượt khách, có cả khách trong, ngoài tỉnh và khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch năm 2023 khoảng 2 tỷ đồng, trong đó một phần đến từ việc du khách mua sắm các sản phẩm đúc đồng tại làng nghề”.

Con số 2 tỷ đồng có thể chưa lớn. Tuy nhiên, với một làng nghề, đó có thể xem như “tín hiệu” tích cực nếu được khai thác, phát huy đúng hướng.

Làng Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm (Bá Thước) là một bản làng người Thái bình yên và xinh đẹp. Nơi đây có nghề dệt thổ cẩm truyền thống lâu đời. Trước đây, sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của người dân Lặn Ngoài chủ yếu chỉ sử dụng cho nhu cầu trong gia đình. Và đã từng có khoảng thời gian nghề truyền thống bị mai một.

Tuy nhiên, khi Khu du lịch Pù Luông phát triển, đã kéo theo sự “hồi sinh”, phát triển nghề truyền thống của người dân Lặn Ngoài. Số lượng khung dệt gia tăng, người phụ nữ Thái ở Lặn Ngoài cũng có thêm thu nhập từ nghề truyền thống.

Chị Hà Thị Lý, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Lũng Niêm, cũng là một “nghệ nhân” có hơn 40 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm, chia sẻ: “Sản phẩm dệt thổ cẩm bây giờ ngoài tiêu thụ tại địa phương thì một số lượng lớn được sử dụng tại các cơ sở lưu trú ở Khu du lịch Pù Luông. Làng Lặn Ngoài chúng tôi còn là điểm ghé thăm của du khách khi đến Pù Luông. Khi du khách về đây được khám phá nghề dệt thổ cẩm, từ công đoạn nhuộm màu bằng lá cây rồi xe chỉ, dệt vải thổ cẩm... Nhờ đó mà sản phẩm bán ra cũng được nhiều hơn. Và một điều quan trọng, từ đây người Thái ở Lặn Ngoài có thêm động lực để giữ nghề truyền thống”.

Bà Đỗ Thị Hương, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bá Thước đánh giá: “Du lịch Pù Luông phát triển đã kéo sự đổi thay không nhỏ của người dân làm du lịch địa phương và cả các xã lân cận. Cũng nhờ có du lịch mà nghề dệt thổ cẩm truyền thống của nhiều địa phương được khôi phục, trong đó phải kể đến làng Lặn Ngoài. Có thể khẳng định, làng nghề đang dần trở thành một điểm đến - “sản phẩm” du lịch”.

Chuyện của nhà thùng mắm Lê Gia

Với lợi thế nằm gần biển, làng Khúc Phụ (xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa) nổi danh với nghề làm mắm suốt hàng trăm năm qua. Trải qua thăng trầm, những thế hệ người dân địa phương vẫn âm thầm giữ nghề, phát triển nghề. Nhiều sản phẩm về mắm của làng nghề Khúc Phụ đã được công nhận sản phẩm OCOP.

Trong số những cơ sở làm mắm truyền thống ở Khúc Phụ, cái tên Lê Gia suốt nhiều năm qua đã trở thành thương hiệu được định vị trong lòng thực khách xa gần. Không chỉ bởi đây là doanh nghiệp có số lượng lớn sản phẩm mắm được công nhận OCOP. Mà còn bởi, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến thời điểm hiện tại, Lê Gia cũng là doanh nghiệp duy nhất có sản phẩm được xếp hạng OCOP 5 sao.

Sự đặc biệt trong những sản phẩm từ mắm của Lê Gia không chỉ là kinh nghiệm làm mắm được trao truyền qua nhiều thế hệ. Ở đó, còn là sự cầu kỳ, cẩn trọng trong quá trình tạo nên những “giọt mật” từ nguyên liệu của mẹ biển khơi. Càng đặc biệt hơn khi quy trình ấy không phải được giấu kín, mà còn được doanh nghiệp công khai chia sẻ cùng du khách.

Sau thời gian chuẩn bị, từ tháng 6/2024, Lê Gia chính thức mở cửa để du khách tham quan, trải nghiệm tại nhà thùng mắm Lê Gia. Tại đây, du khách được tham quan khu vực sản xuất, tận mắt chứng kiến những thùng gỗ lớn chứa mắm; lắng nghe về chuyện ngâm, ủ, quy trình làm mắm... Bên cạnh đó, du khách còn được đắm mình trong không gian xanh mang “màu sắc” của biển, chơi các trò chơi dân gian...

Chia sẻ về việc mở cửa để du khách tham quan, trải nghiệm nhà thùng mắm Lê Gia, ông Lê Anh - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và TMDV Lê Gia, cho biết: “Tôi may mắn sinh ra ở một làng quê giàu truyền thống và tài nguyên bản địa, nơi có nghề làm mắm, có du lịch biển và các giá trị văn hóa đặc sắc. Với khát vọng góp sức cùng với quê hương đẹp lên, là một chủ thể có sản phẩm OCOP 5 sao, tôi muốn lan tỏa những giá trị đó đến với cộng đồng”.

Và sau 2 tháng chính thức mở cửa đón khách tham quan, trải nghiệm nghề truyền thống, nhà thùng mắm Lê Gia ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Lượng khách đến tham quan tương đối đông, khoảng gần 14.000 lượt khách trong, ngoài tỉnh và khách quốc tế”.

Cũng theo chia sẻ của người đứng đầu doanh nghiệp, thông qua hoạt động tham quan, trải nghiệm của du khách tại nhà thùng mắm Lê Gia, doanh số bán hàng của doanh nghiệp trong 2 tháng vừa qua đã gia tăng trên 30%.

Đó là niềm vui với doanh nghiệp Lê Gia, nhưng cũng đồng thời có thể xem như tín hiệu tích cực đối với những người làm nghề, các làng nghề... trên địa bàn tỉnh đang trăn trở với việc gắn sản xuất với hoạt động du lịch, trải nghiệm nghề, làng nghề truyền thống.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, du lịch tham quan, khám phá, trải nghiệm làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng.

Chúng ta có số lượng nghề, làng nghề truyền thống lớn nhưng nhìn một cách bao quát, tỷ lệ khách du lịch đến các làng nghề còn khiêm tốn. Và một số nguyên nhân cơ bản được chỉ ra, như: Sản phẩm làng nghề tuy nhiều nhưng ít có sản phẩm mang thương hiệu vùng hoặc quốc gia; các hoạt động nhằm giúp du khách trải nghiệm chưa được quan tâm đúng mức; cơ sở hạ tầng du lịch tại các làng nghề chưa đáp ứng yêu cầu; sự kết nối giữa các địa phương, làng nghề chưa thực sự hiệu quả...

Bài và ảnh: Trang Bùi

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/khi-lang-nghe-tro-thanh-diem-den-32179.htm