Khó xử lý hành vi mua bán thai nhi vì pháp luật Việt Nam chưa bảo hộ bào thai

Nhiều đại biểu QH cho rằng cần mở rộng phạm vi của hành vi mua bán người, đặc biệt là mua bán thai nhi. Bởi Luật Phòng, chống mua bán người hiện hành chưa quy định thai nhi có quyền con người.

Luật Phòng, chống mua bán người hiện hành của Việt Nam chưa quy định thai nhi có quyền con người. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)

Luật Phòng, chống mua bán người hiện hành của Việt Nam chưa quy định thai nhi có quyền con người. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)

Nghị trường phiên làm việc sáng nay “nóng” khi bàn thảo về hành vi mua bán thai nhi, bởi đây là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm Liên quan đến dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Bào thai chưa được pháp luật Việt Nam bảo hộ

Đa số các đại biểu đều đồng tình bổ sung, sửa đổi luật và cho rằng đây là điều hết sức cần thiết để hạn chế những bất cập của luật hiện hành.

Trao đổi bên lề nghị trường, đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng cần mở rộng phạm vi của hành vi mua bán người, trong đó có hành vi mua bán nội tạng, đặc biệt là mua bán bào thai, thai nhi.

“Tôi cho rằng đây cũng là hành vi mua bán người. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan tố tụng khó phân biệt được đâu là hành vi mua bán nội tạng, đâu là hành vi mua bán bào thai trẻ em. Vì hiện nay bào thai trẻ em chưa được trong luật quy định là người, nên rất khó xử lý,” đại biểu Phạm Văn Hòa ý kiến.

Đại biểu Đồng Tháp cho rằng thực tế hầu hết những trường hợp mua bán bào thai từ trong bụng mẹ hoặc mang thai hộ đều có sự thỏa thuận ngầm giữa các đối tượng, như có thể làm hồ sơ cho con hoặc xin nhận con nuôi. “Hành vi này không thể xử lý vi phạm hình sự được, trừ khi bị bắt quả tang và đối tượng chịu khai nhận hành vi mua bán bào thai, thai nhi,” đại biểu nói.

Đồng quan điểm với đại biểu Phạm Văn Hòa, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết theo pháp luật hình sự của nước ta hiện nay, chỉ được coi là người và có quyền công dân khi đứa trẻ được sinh ra đời, còn khi vẫn đang là bào thai trong bụng mẹ thì chưa được điều chỉnh để xem xét là đối tượng của hành vi phạm tội. Cho nên cơ quan chức năng không có cơ sở, căn cứ pháp lý để xử lý hành vi mua bán thai nhi.

 Theo pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành, chỉ được coi là người và có quyền công dân khi đứa trẻ được sinh ra đời, còn khi vẫn đang là bào thai trong bụng mẹ thì chưa được điều chỉnh để xem xét là đối tượng của hành vi phạm tội. (Ảnh minh họa: Reuters)

Theo pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành, chỉ được coi là người và có quyền công dân khi đứa trẻ được sinh ra đời, còn khi vẫn đang là bào thai trong bụng mẹ thì chưa được điều chỉnh để xem xét là đối tượng của hành vi phạm tội. (Ảnh minh họa: Reuters)

Theo đại biểu, xét dưới góc độ pháp luật, hành vi của người mẹ có con rồi bán cũng là hành vi phải quy định là hành vi buôn bán người và có dấu hiệu phạm tội của mua bán người. Tuy nhiên, thực tế pháp luật hiện nay chưa quy định nên không có cơ sở xem xét. Bộ luật Hình sự 2015 cũng như pháp luật về phòng, chống mua bán người cũng chưa có quy định nào về vấn đề này.

Do đó, đại biểu cho rằng trong lần sửa đổi luật lần này, Ban soạn thảo cần cân nhắc, xem xét giải pháp phù hợp đối với hành vi mua bán thai nhi đang trong bụng mẹ trước tình hình mua bán thai nhi đang diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi hiện nay.

Mặt khác, hiện nay các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người được che giấu bằng các hình thức rất phức tạp như: tham quan du lịch, ký kết hợp đồng kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi thông qua các đối tượng là pháp nhân thương mại…

Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị cần phải xem xét, cân nhắc bổ sung chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại đối với tội buôn bán người nhằm kịp thời điều chỉnh phù hợp thực tiễn về tình hình mua bán người có kết cấu tổ chức chặt chẽ, đa quốc gia như hiện nay.

Hành vi mua bán thai nhi vi phạm nghiêm trọng quyền con người

Bàn về tính cấp thiết phải bổ sung quy định hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ, Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho biết theo các công ước Liên hợp quốc như Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, thì trẻ em bao gồm cả thai nhi cần được bảo vệ ngay từ khi trong bụng mẹ.

“Việc mua bán thai nhi có thể xem là một hình thức vi phạm nghiêm trọng quyền con người và quyền trẻ em. Điều này đòi hỏi các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, phải có những quy định pháp lý cụ thể để bảo vệ thai nhi khỏi các hành vi mua bán. Một số quốc gia đã quy định cụ thể hành vi mua bán thai nhi là tội phạm,” đại biểu Thạch Phước Bình nói.

 Tuyên án 15 bị cáo trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh ở Bình Dương. (Ảnh: TTXVN)

Tuyên án 15 bị cáo trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh ở Bình Dương. (Ảnh: TTXVN)

Đại biểu nêu ví dụ tại Hoa Kỳ, luật pháp của một số bang có những quy định rõ ràng về việc cấm buôn bán thai nhi và coi đó là một hành vi phạm tội nghiêm trọng. Vì thế, việc tham khảo và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia áp dụng quy định này sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình.

Theo Đại biểu Thạch Phước Bình, thai nhi mặc dù chưa sinh ra nhưng cần được bảo vệ như một con người với đầy đủ các quyền cơ bản. Nếu không quy định rõ ràng sẽ tạo kẽ hở cho các hành vi mua bán thai nhi diễn ra, gây hậu quả tiêu cực cho xã hội và cộng đồng.

Thực tế cho thấy nhiều bà mẹ mang thai bị ép buộc hoặc lừa gạt để bán thai nhi của mình vì các lý do kinh tế hoặc lý do tình cảm. Việc bổ sung quy định này sẽ giúp bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của bà mẹ mang thai đồng thời ngăn chặn các hành vi bị ép buộc, lừa gạt.

Đại biểu Thạch Phước Bình cũng lưu ý: “Mặc dù việc bổ sung quy định này là cần thiết nhưng cũng cần lưu ý đến những khó khăn trong thực thi. Việc điều tra, thu thập chứng cứ, xác định hành vi phạm tội có thể sẽ phải gặp nhiều thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh các giao dịch này thường diễn ra ngầm và không công khai. Do đó cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý, đảm bảo quy định rõ ràng, cụ thể và có tính khả thi cao đồng thời cần tăng cường đào tạo và trang bị cho các cơ quan chức năng để họ thực thi luật hiệu quả và nghiêm minh.”

Đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung quy định về việc mua bán thai nhi trong bụng mẹ vào phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống mua bán người lần này cũng như các hình thức xử phạt và biện pháp bảo vệ, nhằm bảo đảm tính răn đe đối với các hành vi vi phạm, giúp luật bao quát và phản ánh đúng thực tế hơn.

Cùng với đó, theo đại biểu cũng cần bổ sung nội dung về biện pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về quyền của thai nhi và bà mẹ mang thai, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc mua bán thai nhi. Việc nâng cao nhận thức sẽ giúp giảm thiểu các hành vi vi phạm và tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh, bảo vệ tốt hơn cho thai nhi bà mẹ mang thai./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/kho-xu-ly-hanh-vi-mua-ban-thai-nhi-vi-phap-luat-viet-nam-chua-bao-ho-bao-thai-post960724.vnp