Khôi phục 'Bát cảnh Tây Hồ': Đánh thức vẻ đẹp của 'nàng Tây Thi'

Thắng cảnh Tây Hồ đã đi vào thi ca và được danh sĩ Cao Bá Quát miêu tả đẹp tựa nàng Tây Thi, người đứng đầu trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc.

Để đánh thức vẻ đẹp tiềm ẩn của hồ Tây, Đề án quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của hồ Tây và vùng phụ cận đang được quận Tây Hồ dày công nghiên cứu, trong đó có đề xuất việc khôi phục “Bát cảnh Tây Hồ” - 8 cảnh đẹp nổi tiếng ở hồ Tây nhằm kết nối trục sáng tạo Tây Hồ, hiện thực hóa khát vọng xây dựng Tây Hồ trở thành trung tâm văn hóa - du lịch của Thủ đô.

Báo Hànôịmới trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt bài viết: Khôi phục “Bát cảnh Tây Hồ”: Đánh thức vẻ đẹp của “nàng Tây Thi”

Bài 1: Khám phá trầm tích Tây Hồ

Vùng đất Tây Hồ gắn liền với hồ Tây, một danh thắng nổi tiếng của Thăng Long - Hà Nội. Không chỉ được thiên nhiên ưu ái, vùng đất nơi đây đang lưu giữ 71 di tích lịch sử văn hóa gắn với những huyền tích lịch sử độc đáo. Những làng nghề truyền thống như làng hoa đào Nhật Tân, Phú Thượng, làng quất cảnh Tứ Liên, nghề nấu xôi Phú Thượng, nghề ướp trà sen Bách Diệp ở phường Quảng An đã bồi đắp thêm những tinh hoa đã có từ ngàn xưa. Phát huy những tiềm năng, giá trị của Tây Hồ là hướng đi mà địa phương đang nỗ lực.

Huyền tích lịch sử, nét đẹp độc đáo của Tây Hồ

Nằm ở phía Tây Bắc kinh thành Thăng Long xưa, vùng đất Tây Hồ được thiên nhiên ưu đãi với không gian thoáng đãng rộng lớn, bốn mùa xanh ngát. So với các quận nội đô lịch sử, Tây Hồ có diện tích nhỏ, chỉ 8 phường, song số lượng 71 di tích phân bổ rộng khắp trên địa bàn với kiến trúc cổ kính độc đáo được bảo tồn nguyên vẹn, gắn liền với những huyền tích lịch sử đã tạo nên một sức hút lớn cho bất kỳ ai từng đặt chân tới vùng đất này.

Tam quan phủ Tây Hồ vào những ngày lễ, Tết thu hút đông đảo khách thập phương. Ảnh: CTV

Tam quan phủ Tây Hồ vào những ngày lễ, Tết thu hút đông đảo khách thập phương. Ảnh: CTV

Ban thờ thánh mẫu Liễu Hạnh tại phủ Tây Hồ. Ảnh: CTV

Ban thờ thánh mẫu Liễu Hạnh tại phủ Tây Hồ. Ảnh: CTV

Phủ Tây Hồ thu hút đông đảo du khách thập phương tới chiêm bái vào dịp lễ hội. Ảnh: CTV

Phủ Tây Hồ thu hút đông đảo du khách thập phương tới chiêm bái vào dịp lễ hội. Ảnh: CTV

Nếu như huyền tích trâu vàng gắn với sự hình thành của hồ Tây đến nay vẫn còn dấu tích là ngôi đền Kim Ngưu tại phường Quảng An, thì phủ Tây Hồ lại gắn liền với câu chuyện của công chúa Liễu Hạnh, không may làm vỡ chén ngọc lưu ly bị vua cha trách phạt đầy xuống hạ giới.

Ghé thăm vùng đất Tây Hồ tươi đẹp, không thể quên đến thăm chùa Trấn Quốc, một danh thắng của đất kinh kỳ có lịch sử gần 1.500 năm, được xây dựng từ thời Tiền Lý (Lý Nam Đế 541-547). Với cảnh sắc tươi đẹp tựa như đài sen nở rộ giữa mặt hồ Tây tĩnh lặng, chùa Trấn Quốc đã được vinh danh là một trong 10 ngôi chùa đẹp nhất trên thế giới.

Chùa Trấn Quốc, một danh thắng của đất kinh kỳ có lịch sử gần 1.500 năm. Ảnh: CTV

Chùa Trấn Quốc, một danh thắng của đất kinh kỳ có lịch sử gần 1.500 năm. Ảnh: CTV

Cảnh sắc tươi đẹp của chùa Trấn Quốc tựa như đài sen nở rộ giữa mặt hồ Tây tĩnh lặng. Ảnh: CTV

Cảnh sắc tươi đẹp của chùa Trấn Quốc tựa như đài sen nở rộ giữa mặt hồ Tây tĩnh lặng. Ảnh: CTV

Chùa Trấn Quốc đã được vinh danh là một trong 10 ngôi chùa đẹp nhất trên thế giới. Ảnh: CTV

Chùa Trấn Quốc đã được vinh danh là một trong 10 ngôi chùa đẹp nhất trên thế giới. Ảnh: CTV

Cách chùa Trấn Quốc không xa là ngôi chùa cổ Kim Liên trên phố Từ Hoa, thuộc làng Nghi Tàm, phường Quảng An. Thời vua Lý Thần Tông, có công chúa Từ Hoa xin ra vùng đất này mở trại dâu, lập cung Từ Hoa, truyền dạy nghề trồng dâu, nuôi tằm, xe tơ, dệt gấm cho người dân trong vùng.

Với kiến trúc độc đáo và hệ thống 50 pho tượng thờ được lưu giữ, chùa Kim Liên được đánh giá là một trong 10 di tích có kiến trúc cổ đặc sắc nhất Việt Nam.

Tam quan chùa Kim Liên. Ảnh: CTV

Tam quan chùa Kim Liên. Ảnh: CTV

Chùa Kim Liên được đánh giá là một trong 10 di tích có kiến trúc cổ đặc sắc nhất Việt Nam. Ảnh: CTV

Chùa Kim Liên được đánh giá là một trong 10 di tích có kiến trúc cổ đặc sắc nhất Việt Nam. Ảnh: CTV

Một trong những di tích độc đáo bậc nhất của Tây Hồ chính là ngôi đền cổ nhất ở Hà Nội, được dựng từ khi nhà Lý khởi lập kinh đô Thăng Long. Đền Đồng Cổ (tại địa chỉ 353 Thụy Khuê, phường Bưởi) gắn với huyền tích về lời thề Trung Hiếu.

Tại ngôi đền linh thiêng, vua Lý Thái Tông đã khởi xướng tổ chức Hội thề Trung hiếu. Trong ngày hội, bách quan văn võ đến trước đàn thề, quỳ trước thần vị và đọc lời thề “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh tru diệt”. Với những giá trị văn hóa độc đáo, năm 2023, Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ đã được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đền Đồng Cổ gắn với huyền tích về lời thề Trung Hiếu. Ảnh: Hương Ly

Đền Đồng Cổ gắn với huyền tích về lời thề Trung Hiếu. Ảnh: Hương Ly

Đền Đồng Cổ được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Quang Thái

Đền Đồng Cổ được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Quang Thái

Tiết mục văn nghệ đặc sắc lại lễ ghi danh Hội thề Trung Hiếu - Lễ hội Đền Đồng Cổ vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Quang Thái

Tiết mục văn nghệ đặc sắc lại lễ ghi danh Hội thề Trung Hiếu - Lễ hội Đền Đồng Cổ vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Quang Thái

Cùng với 71 di tích lịch sử, Tây Hồ cũng đang gìn giữ và bảo tồn 15 lễ hội truyền thống. Lễ hội truyền thống nơi đây được tổ chức dựa trên nguyên tắc bảo tồn những nghi lễ truyền thống vốn có của từng lễ hội, đồng thời duy trì và phát triển các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ - thể thao dân gian lành mạnh; kết hợp hài hòa giữa phần lễ và phần hội.

Trong các lễ hội của Tây Hồ, việc giới thiệu nguồn gốc, công trạng các vị thần được thờ cúng và những giá trị đặc biệt riêng có của di tích luôn được quận Tây Hồ chú trọng. Cùng với đó là phần hội với những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống như: Thi đấu cờ tướng, cờ người, hát quan họ, hát chèo, kéo co.

Trong đó, phải kể đến Lễ hội Đền Đồng Cổ, Lễ hội Phủ Tây Hồ, đình Nhật Tân, đình Yên Phụ. Đặc biệt, Tây Hồ còn có Lễ hội xôi Phú Thượng tại đình Phú Gia nhằm quảng bá những nét độc đáo của nghề làm xôi làng Gạ. Mới đây, nghề làm xôi truyền thống Phú Thượng đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố Hà Nội tặng hoa chúc mừng quận Tây Hồ tại lễ ghi danh Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Quang Thái

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố Hà Nội tặng hoa chúc mừng quận Tây Hồ tại lễ ghi danh Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Quang Thái

Nhận xét về những tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa tại vùng đất Tây Hồ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, Tây Hồ là quận có điều kiện đặc biệt về tự nhiên và con người với 71 di tích, 2 di sản văn hóa phi vật thể, 5 làng nghề truyền thống, trong đó có những làng nghề nổi tiếng đã xây dựng thành công thương hiệu như hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên, trà sen Quảng An, xôi Phú Thượng. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp văn hóa.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị quận tập trung khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết chế, sản phẩm văn hóa; phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa nhằm đẩy mạnh quảng bá về những giá trị văn hóa độc đáo, riêng có của Tây Hồ.

Phát huy những tiềm năng, giá trị của hồ Tây

Cùng với hệ thống di tích lịch sử lâu đời có kiến trúc độc đáo, Tây Hồ còn sở hữu hồ Tây với vẻ đẹp được ví như “nàng Tây Thi”, một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc thời Xuân Thu.

Trong thi phẩm “Du Tây Hồ bát tuyệt” (kỳ hai), danh sĩ Cao Bá Quát đã mượn những ngôn từ trác tuyệt để mô tả vẻ đẹp của hồ Tây:

Điên đảo xuân tâm bất tự trì,
Tây Hồ chân cá tự Tây Thi.

(Lòng xuân nghiêng ngả không tự cầm giữ nổi,
Tây Hồ quả thật là một nàng Tây Thi)

Vẻ đẹp của hồ Tây được ví như “nàng Tây Thi”, một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc thời Xuân Thu. Ảnh: CTV

Vẻ đẹp của hồ Tây được ví như “nàng Tây Thi”, một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc thời Xuân Thu. Ảnh: CTV

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, kiêm Trưởng ban Quản lý hồ Tây Nguyễn Thanh Tịnh, hồ Tây có diện tích rộng khoảng 526ha, nằm trọn trong địa giới quận Tây Hồ, là một cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng của Hà Nội và cả nước. Khu vực xung quanh hồ Tây có nhiều làng xóm tồn tại từ lâu đời, hiện còn lưu giữ nhiều nghề thủ công truyền thống. Hệ thống các công trình di tích lịch sử có giá trị, tập trung xung quanh hồ Tây cũng đã khiến nơi đây trở thành một danh thắng nổi bật nhất của Thủ đô. Với những tiềm năng lợi thế riêng có, quận Tây Hồ được xác định là trung tâm dịch vụ - du lịch, trung tâm văn hóa, là vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của Thủ đô.

Lịch sử văn hiến lâu đời cũng đã để lại cho Tây Hồ một kho tàng tài nguyên văn hóa, lịch sử và tâm linh đặc sắc, bao gồm tài nguyên du lịch văn hóa vật thể và tài nguyên du lịch văn hóa phi vật thể.

Một góc hồ Tây. Ảnh: Quang Thái

Một góc hồ Tây. Ảnh: Quang Thái

Nhiều di tích, danh thắng của Tây Hồ hiện nằm trong các tour du lịch của Hà Nội như: Hồ Tây, chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ, chùa Vạn Niên...

Để khai thác các tiềm năng, lợi thế của các di tích, di sản, làng nghề của khu vực hồ Tây phục vụ mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch, thời gian qua, quận Tây Hồ đã triển khai Đề án “Tổ chức không gian biểu diễn nghệ thuật ẩm thực, đường phố quận Tây Hồ” tại tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn (phường Nhật Tân); Đề án thưởng thức trà sen Quảng An; Đề án “Làng nghề truyền thống hoa đào Nhật Tân kết hợp với du lịch” và “Làng nghề trồng quất cảnh Tứ Liên”; Đề án “Điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và giới thiệu nghề truyền thống “Làm giấy dó” của vùng Bưởi xưa”...

Những đầm sen Bách Diệp được quận Tây Hồ khôi phục. Ảnh: Quang Thái

Những đầm sen Bách Diệp được quận Tây Hồ khôi phục. Ảnh: Quang Thái

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cũng cho biết, mới đây, UBND quận Tây Hồ đã trồng mới hơn 10ha sen Bách Diệp, giống sen quý có hương thơm độc đáo, riêng có, chỉ có tại vùng đất nơi đây. Đề án khôi phục, phát triển trồng cây sen tại một số hồ nhỏ khu vực hồ Tây nhằm duy trì, cung cấp nguyên liệu cho sản xuất chè sen, đồng thời giữ vững, phát triển thương hiệu “Chè sen Quảng An” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền. Do đó, trồng sen tại các hồ nhỏ quanh khu vực Hồ Tây sẽ tạo tiền đề quan trọng để quận thúc đẩy phát triển du lịch.

Thời gian tới, quận Tây Hồ cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn khảo sát, lập hồ sơ cải tạo môi trường cho các hồ trên địa bàn, hoàn thiện đề án tổng thể phát triển trồng sen đến năm 2025 và những năm tiếp theo; qua đó góp phần nâng cao hiệu quả về kinh tế, bảo vệ môi trường và tôn vinh nét đẹp văn hóa của Thủ đô.

Đặc biệt, Đề án quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của hồ Tây và vùng phụ cận đang được quận Tây Hồ dày công nghiên cứu đã đề xuất việc khôi phục “Bát cảnh Tây Hồ” - 8 cảnh đẹp nổi tiếng ở hồ Tây nhằm kết nối trục sáng tạo Tây Hồ, hiện thực hóa khát vọng xây dựng Tây Hồ trở thành trung tâm văn hóa - du lịch của Thủ đô, qua đó nhân lên vẻ đẹp của "nàng Tây Thi” hay vùng đất Tây Hồ bốn mùa xanh tươi.

(Còn nữa)

Hương Ly

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khoi-phuc-bat-canh-tay-ho-danh-thuc-ve-dep-cua-nang-tay-thi-673573.html