'Không thể để trẻ em trở thành bệnh nhân trước khi trưởng thành chỉ vì nước ngọt'
Phát biểu giải trình về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng, cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường càng sớm càng tốt.
Thảo luận tại hội trường sáng 9-5, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị cân nhắc kỹ và có lộ trình hợp lý hơn khi áp thuế với nước ngọt. Theo đại biểu, lý do Chính phủ đưa ra để áp thuế này là để ngăn nguy cơ béo phì ở trẻ em, nhưng thực tế có nhiều sản phẩm dẫn tới bệnh lý này, không chỉ nước ngọt.
“Hiện nhiều người 'mê' nhất là trà sữa trong đó có cả trẻ em, người lớn. Bên cạnh đó, nhiều loại thực phẩm, bánh ngọt, kẹo... được bán tràn lan ở các quán ăn vỉa hè, chứ không chỉ nước ngọt. Nếu thu thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường thì các sản phẩm khác cũng phải thu, ví dụ bánh kẹo có khi còn ngọt hơn nước ngọt” - đại biểu nói.
Cùng cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) lại cho rằng, thời gian áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường như trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là quá muộn do tính nguy hại của sản phẩm này rất cao, làm tăng nguy cơ mắc ung thư và các bệnh khác.
“Mức tiêu thụ đồ uống có đường ở nước ta tăng phi mã, lên tới 420%, trung bình mỗi người Việt tiêu thụ hơn 70 lít nước ngọt/năm. Nếu hôm nay không hành động, ngày mai sẽ phải trả giá. Một xã hội văn minh phải biết chọn điều đúng đắn. Chúng ta không thể để trẻ em trở thành bệnh nhân trước khi trưởng thành. Những sản phẩm gây hại cho sức khỏe của trẻ không thể chỉ bị áp dụng mức thuế mang tính chia sẻ, động viên” - đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) phát biểu
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cũng ủng hộ việc đánh thuế đặc biệt với nước ngọt như tại dự thảo luật. Theo đại biểu, ngoài tăng thu ngân sách, việc áp thuế mặt hàng này còn định hướng tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy doanh nghiệp cải tiến sản phẩm lành mạnh hơn.
Thực tế, nhiều nước như Thái Lan, Philippines, Anh, Mexico... đã áp thuế với đồ uống có đường và giảm tiêu dùng sản phẩm có đường cao, tăng nhận thức về dinh dưỡng và thêm nguồn lực tài chính cho các chương trình y tế dự phòng.
Tuy vậy, đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn ngưỡng đường trên 5 gram 100 ml trở lên theo tiêu chuẩn Việt Nam để tránh áp dụng tràn lan với các sản phẩm có lợi sức khỏe (sữa, nước trái cây nguyên chất). Điều này giúp chính sách thuế hướng trúng vào nhóm sản phẩm cần điều chỉnh mà không ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành sản xuất thực phẩm lành mạnh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tiếp thu, giải trình
Phát biểu giải trình ý kiến đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, phải đánh thuế nước ngọt sớm hơn, không thể để thế hệ con em tới khi bị béo phì, nhiễm bệnh mới có biện pháp ngăn ngừa.
Theo dự thảo, nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 gram một 100 ml (nước ngọt) phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2027 - tức lùi một năm so với dự kiến trước đây. Mức thuế áp trong năm đầu tiên là 8%, sau đó tăng lên 10% từ 2028.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 46,5% đường tự do một ngày, phần lớn trong số này đến từ nước giải khát có đường. Đây là nguyên nhân gây béo phì, thừa cân. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo Việt Nam là một trong số quốc gia tiêu thụ nước ngọt ngày càng lớn, nguy cơ béo phì cao nên cần đánh thuế càng sớm, càng cao càng tốt với nước giải khát có đường.