Kiến nghị Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư cao tốc Quy Nhơn – Pleiku
Chính phủ kiến nghị Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư cao tốc Quy Nhơn (Bình Định) Pleiku (Gia Lai).
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh vừa ký tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Cao tốc dự kiến được đầu tư 4 làn xe
Theo đó, cao tốc Quy Nhơn – Pleiku dài 125km. Trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định dài 40 km, qua địa phận tỉnh Gia Lai khoảng 85 km.
Tuyến có điểm đầu tại quốc lộ 19B thuộc địa phận thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định và đi theo hướng Đông - Tây nằm về phía Nam sân bay Phù Cát, giao cắt với đoạn cao tốc Hoài Nhơn – Quy Nhơn (thuộc đường bộ cao tốc Bắc - Nam).
Tại đây, hướng tuyến tiếp tục đi về phía hạ lưu đập dâng Văn Phong, giao cắt với quốc lộ 19. Sau đó, tuyến đi hoàn toàn về ở phía Nam quốc lộ 19, cắt qua khu vực đèo An Khê, đèo Mang Yang và kết thúc tại đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Cao tốc dự kiến được đầu tư 4 làn xe và có làn dừng khẩn cấp liên tục, tốc độ khai thác 100km/h. Trên tuyến có 8 nút giao, hai trạm dừng nghỉ và hai hầm.

Cao tốc cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có điểm cuối giao đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) thuộc TP Pleiku. Trong ảnh là Quốc lộ 14, đoạn qua tỉnh Gia Lai. Ảnh: LÊ KIẾN
Việc đầu tư cao tốc dự kiến ảnh hưởng đến 491 hộ dân và chiếm dụng khoảng 942 ha đất. Trong đó, có 94 ha rừng phòng hộ, 189 ha đất lúa...
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 43.734 tỉ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường tái định cư cho người dân gần 5.000 tỉ đồng, chi phí xây dựng gần 31.000 tỉ đồng, còn lại là chi phí dự phòng và chí phí tư vấn…
Số tiền trên, Chính phủ đề xuất lấy từ vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024; vốn ngân sách trung ương và địa phương giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.
Ngoài ra, để triển khai nhanh dự án, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng 9 nhóm chính sách đặc thù tương tự như đang áp dụng ở các dự án giao thông trọng điểm hiện nay.
Cụ thể là cho phép chủ đầu tư được áp dụng hình thức chỉ định thầu các gói thầu thuộc dự án và các gói thầu bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; các tỉnh được ứng trước vốn ngân sách địa phương để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Cạnh đó, địa phương được phép kéo dài thời gian khai thác và nâng công suất các mỏ vật liệu để đáp ứng cho dự án mà không phải tiến hành các thủ tục như hiện nay. Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ trì tổ chức thực hiện tiểu dự án hoặc các tiểu dự án đối với công tác di dời công trình điện có điện áp từ 110 kv trở lên…
Năng lực lưu thông phương tiện các đường hiện hữu thấp
Sở dĩ Chính phủ đề xuất đầu tư tuyến trên là vì hiện nay hạ tầng giao thông đường bộ kết nối từ Gia Lai, Kon Tum xuống Bình Định thông qua quốc lộ 19 là ngắn nhất.
Hiện quốc lộ 19 mới được đầu tư nâng cấp, tuy nhiên trên tuyến có hai vị trí đèo An Khê và đèo Mang Yang dài khoảng 14 km rất quanh co, hiểm trở.
Ô tô tải chở hàng nặng trên quốc lộ 19, đặc biệt là hàng hóa xuất nhập khẩu từ các tỉnh Kon Tum, Gia Lai qua hệ thống cảng biển Bình Định bị hạn chế. Tốc độ bình quân ô tô chỉ đạt khoảng 40-50 km/h, thời gian vận tải từ thành phố Quy Nhơn đến thành phố Pleiku mất khoảng 3,5 giờ - 4 giờ.
Theo dự báo, đến năm 2030, tổng nhu cầu vận tải trên hành lang kết nối Gia Lai với Bình Định trung bình khoảng 16.000 - 23.000 xe quy đổi/ngày đêm. Trong khi quốc lộ 19 hiện hữu chỉ đáp ứng được khoảng 11.000 -12.800 xe quy đổi/ngày đêm.
“Do vậy, việc sớm hình thành tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có tốc độ cao, an toàn, năng lực thông hành lớn là cần thiết…”- Chính phủ nhận định.
Thêm vào đó, việc làm tuyến cao tốc trên giúp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo vùng Tây Nguyên các tỉnh Gia Lai, Bình Định nói riêng và vùng Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ nói chung.
Vì vậy Chính phủ kiến nghị Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư cao tốc Quy Nhơn – Pleiku.
Nếu được cấp thẩm quyền thông qua, dự án sẽ khởi công ngay trong năm nay và hoàn thành trong năm 2029. Dự kiến, Chính phủ sẽ giao cho Bình Định và Gia Lai thực hiện dự án trên.